Quốc hội Việt Nam thừa nhận khiếu nại đông người “là lợi ích chính đáng”

- Quốc hội Việt Nam thừa nhận khiếu nại đông người “là lợi ích chính đáng”

Chiều ngày 15/11 Quốc hội CSViệt Nam thảo luận lần đầu tại Hội trường về dự án Luật Khiếu nại. Báo cáo của Ủy ban Pháp luật nhắc đến tình trạng khiếu nại đông người vẫn diễn ra ở nhiều nơi, liên quan chủ yếu đến đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Cách giải quyết của cơ quan có thẩm quyền vẫn là thanh tra và xác minh, rồi ra văn bản trả lời. Tuy nhiên theo Ủy ban Pháp luật, do luật chưa hoàn chỉnh, chuyện giải quyết khiếu kiện vẫn còn “gặp nhiều khó khăn và lúng túng”.

Hiện nay Việt Nam đang có Luật Khiếu nại, tố cáo, với điều khoản cấm tập trung đông người để khiếu nại. Bên cạnh đó, lãnh đạo Quốc hội Việt Nam thừa nhận khiếu nại đông người là “lợi ích chính đáng” của người dân, “một thực tế” cần được chấp nhận.

Theo đại biểu Lê Thị Dung thuộc tỉnh An Giang, thì một trong các nguyên nhân làm cho khiếu kiện đông người khó giải quyết, là “lãnh đạo cơ quan” không tiến hành đối thoại trực tiếp với dân, và đa số vụ khiếu nại đông người hiện nay tại Việt Nam liên quan đến đất đai, chính sách bù giá khi thu hồi đất.

Bà Lê Hiền Đức, một công dân chống tham nhũng từ Hà Nội kêu gọi chính quyền giải quyết một lần cho hết các bức xúc của nhóm người viết đơn khiếu nại.

Bà cũng phản đối cái Thông tư số 4, cấm không cho nhiều người ký cùng một lúc. Cái thứ hai là không cho tập trung đông người. Hướng giải quyết các vụ khiếu kiện đất đai đông người, theo bà Đức là cần phải có chọn những người trong sạch để chống tham nhũng.

- Thủy điện xả lũ, dân cư các vùng hạ lưu lãnh đủ

Các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên những ngày gần đây điêu đứng vì lũ lụt, một phần vì mưa dầm dề liên tục nhiều ngày, phần khác là do các đập thủy điện chi chít trong khu vực xả lũ bừa bãi kiểu “mạnh ai nấy làm”.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ Tuổi Trẻ phổ biến hôm Thứ Hai 15/11, ông Phạm Hồng Giang, chủ tịch Hội Ðập Lớn và Phát Triển Nguồn Nước Việt Nam, phó chủ tịch Hội Ðập Lớn Thế Giới, đưa ra sự phân tích và gián tiếp cáo buộc chính sách “vô chính sách” trong việc cho thành lập tràn lan và bữa bãi các đập thủy điện dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung Việt Nam hiện nay.

Ông Giang cho biết qua thực tế việc xả lũ của các hồ thủy điện, hiện đang có bất cập trong quản lý, vận hành các hồ thủy điện, đặc biệt chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống lũ. Người dân ở hạ du nhiều nơi bị ảnh hưởng sau khi các hồ thủy điện xả lũ. Chuyện này năm ngoái đã nói nhưng đến nay vẫn thấy còn rất nhiều lỗ hổng. Hiện giờ đang lũ thì còn có ai đó nói chuyện trách nhiệm, hết lũ thì mọi việc lại đâu vào đấy, chẳng ai để ý cả”.

Các đả kích này đã nghe được khá mạnh hồi năm ngoái nhưng mùa lũ lụt năm nay lại xảy ra và không ai chịu trách nhiệm dù thiệt hại nhân mạng và tài sản rất lớn.

Theo ông trước kia, chế độ Hà Nội có Bộ Thủy Lợi chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề liên quan đến nước. Bây giờ Bộ CôngTthương chỉ quản phần của bộ như thủy điện, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn quản các hồ sử dụng cho nhiều mục đích, Bộ Giao Thông Vận Tải thì lo chuyện đường sông. Vì thế, mạnh ai nấy làm. Ðịa phương thì lũ đến mới đi chống lũ.

Vì mỗi bộ, mỗi ngành chỉ “quản” phần trách nhiệm của mình trong khi quan quyền các tỉnh có dự án thủy điện là có “bồi dưỡng” nên xảy ra trình trạng “cứ có dự án thủy điện là phê duyệt”. “Nhiều đập thủy điện được phê duyệt nhưng chưa bảo đảm an toàn đập”. Năm ngoái, các đập thủy điện từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam, Phú Yên xả lũ trôi nhà trôi cửa, thiệt hại mùa màng, chết dân. Một số người may mắn thoát chết nhờ leo kịp lên cây cao, ai không chạy kịp thì chết đuối vì lũ thủy điện xả lên nhanh trong chớp mắt.

Báo chí cho hay chỉ có hai con sông ngắn với tổng chiều dài khoảng 200km mà phải gánh tới 110 dự án thủy điện ở tỉnh Quảng Nam, thủy điện chồng chi chít lên thủy điện. Nhiều khu vực của hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đang chìm trong biển nước lụt.

Vì trên một dòng sông mà hồ ở trên xả vô tội vạ thì hồ bên dưới sẽ vỡ đập ngay. Hoặc nếu hồ trên xả, hồ bên dưới cũng xả thì người dân ở hạ du phải hứng chịu hết. Nếu các thủy điện trên một lưu vực sông của cùng một chủ đầu tư thì có thể đỡ phức tạp, còn của nhiều chủ đầu tư thì ai sẽ nghe ai?

- Đại Sứ Thụy Điển Tại Việt Nam Kêu Gọi Minh Bạch Thông Tin Giúp Chống Tham Nhũng

Lễ khai mạc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí với sự tài trợ của Thụy Điển, đã diễn ra tại Saigon vào ngày 15/11/2010.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo chí, tân Đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam Staffan Herrstrom cho biết chính quyền Stockholm cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Hà Nội thúc đẩy dân chủ và chống tham nhũng thông qua một nền báo chí chuyên nghiệp, cởi mở và minh bạch.

Đại sứ Herrstrom cho rằng một nền báo chí chuyên nghiệp và có chất lượng là một cách thức quan trọng nhằm phát triển tính dân chủ của một xã hội, cũng như giúp thúc đẩy kinh tế. Sự cởi mở và minh bạch thông tin là những thành tố chính giúp chống tham nhũng cũng như chống việc quản lý tồi. Chính bởi lẽ đó, ông nói Thụy Điển đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo các nhà báo vì họ tin rằng điều đó giúp cải thiện chất lượng báo chí cũng như giúp nới rộng tự do ngôn luận. Từ nay tới năm 2013, Thụy Điển sẽ hỗ trợ Việt Nam 1.2 triệu đôla để đào tạo báo chí qua những lớp đào tạo về kỹ năng như báo chí điều tra, tới việc hỗ trợ thiết lập một trung tâm đào tạo truyền thông.

Bình luận về bài viết này