Nhận Định về Bản Án ngày 13/5 của Nhà Cầm Quyền CSVN đối với 3 Nhà Dân Chủ Việt Nam

13/05/2008

VIỆT NAM CANH TÂN CÁCH MẠNG ĐẢNG

Thông Cáo Báo Chí số 19

Nhận Định về Bản Án ngày 13/5 của Nhà Cầm Quyền CSVN đối với 3 Nhà Dân Chủ Việt Nam

Không thể bắt tội cho việc cổ xúy cho dân chủ và đấu tranh bất bạo động

Sau 6 tháng giam giữ nhưng chỉ dưới 6 tiếng đồng hồ gọi là xét xử vào ngày 13 tháng 5 năm 2008 tại Sài Gòn, nhà cầm quyền CSVN đã tuyên án 3 nhà dân chủ:

  • Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, 6 tháng tù và trục xuất khỏi Việt Nam.
  • Ông Nguyễn Quốc Hải tức Somsak Khunmi, 9 tháng tù và 3 năm quản chế.
  • Ông Nguyễn Thế Vũ, 5 tháng 26 ngày tù và 1 năm quản chế.

Toàn bộ quá trình bắt bớ, lục soát từ ngày 17 tháng 11 năm 2007, và sau đó giam cầm và kết án là hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn đối với 3 nhà hoạt động dân chủ này.

Phiên tòa xét xử các thành viên của đảng Việt Tân đã trở thành một phiên tòa xét xử của công luận thế giới về hệ thống pháp lý độc đoán và những cáo buộc phi lý của chế độ CSVN với đảng Việt Tân.

Kết quả của phiên tòa này đã cho thấy:

  • Chế độ CSVN không có chứng cớ nào để hậu thuẫn cho những cáo buộc phi lý của họ.
  • Hệ thống pháp lý CSVN đã đuối lý trước công luận trong và ngoài nước.
  • Dư luận Việt Nam và quốc tế thấy rõ đảng Việt Tân đã và đang cổ xúy cho phương thức đấu tranh bất bạo động, trái ngược với những lời cáo buộc “khủng bố” của chế độ.
  • Thủ thuật vu cáo “khủng bố” của bộ máy công an CSVN không lừa dối được công luận.

Kết quả phiên tòa này cho thấy 3 thành viên của đảng Việt Tân không có lý gì phải chịu cảnh tù tội trong 6 tháng vừa qua, những tháng tù sắp tới cũng như tiếp tục bị quản chế bởi bộ máy công an. Với những sai trái của hệ thống pháp lý hiện nay, chế độ CSVN lại càng không có lý do gì để tiếp tục giam cầm các nhà dân chủ khác như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Luật sư Lê Thị Công Nhân, và các thành viên của các Đảng Vì Dân, Đảng Dân Chủ Nhân Dân, Đảng Thăng Tiến Việt Nam, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, các tổ chức chính trị, xã hội khác. Việc tiếp tục giam cầm các nhà dân chủ này là một thú nhận sợ hãi của chế độ CSVN trước trào lưu dân chủ hóa.

Tất cả đảng viên Đảng Việt Tân tại Việt Nam và trên khắp thế giới sẽ tiếp tục đấu tranh để cùng với dân tộc, và đặc biệt là cùng với các nhà dân chủ khắp nơi, chấm dứt độc tài và xây dựng dân chủ. Vì chỉ trên nền tảng tự do và dân chủ, dân tộc Việt Nam mới có thể sống trong công lý, công bằng, và nhân phẩm để vươn lên cùng thế giới.

Ngày 13 tháng 5 năm 2008

Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng

Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-1678

Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài – Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ –
Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước


Hà Nội Trước Vành Móng Ngựa

13/05/2008

Wall Street Journal Asia
Ngày 13 tháng 5 năm 2008

Tại Việt Nam, khi đặt vấn đề là người dân có quyền có một chọn lựa khác hơn là đảng Cộng Sản thì đã đủ bị kết tội là khủng bố. Ba người, trong đó có một công dân Hoa Kỳ, đã phải ra tòa ngày hôm nay vì “tội danh” đó tại Tp.HCM.

Vụ việc này bắt đầu từ ngày 17 tháng 11 (năm 2007), khi công an phá vỡ một cuộc tụ họp nhỏ ôn hòa của các nhà hoạt động dân chủ. Trong số những người bị bắt có các ông Nguyễn Quốc Quân, một công dân Hoa Kỳ; Somsak Khunmi, một cư dân ở Thái Lan và Nguyễn Thế Vũ, một công dân Việt Nam. Guồng máy thông tin nhà nước đưa tin là những người này dự định phân phối 7000 truyền đơn vận động dân chủ. Họ cũng đem lén bản dịch qua Việt ngữ của cuốn “Từ Độc Tài đến Dân Chủ”, một cuốn sách về đấu tranh bất bạo đông. Được biết là trong số người bị bắt, có người đã vào Việt Nam với giấy tờ giả, nhưng đây chỉ là một vi phạm về di trú chứ không phải là tội danh khủng bố.

Những người này gần như chắc chắn sẽ bị kết tội. Ông Nguyễn Quốc Quân có thẻ bị kêu án tương đương với khoảng thời gian đã bị giam giữ và sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam. Trong vụ này Hà Nội đã từng giải quyết êm thấm trường hợp của 3 người khác cùng bị bắt với các đương sự bằng cách âm thầm thả họ ra không xét xử gì cả, và trục xuất hai người ngoại quốc gồm một công dân Hoa Kỳ là ông Leon Trương và một công dân Pháp là bà Nguyễn Thị Thanh Vân. Nhưng đừng ai vội nghĩ là Hà Nội đã trở nên mềm dịu. Hãy nhớ là vẫn còn hơn 400 người còn trong tù chỉ vì họ đã thực thi một cách ôn hòa quyền tự do tôn giáo hay sinh hoạt chính trị.

Các quan sát viên nhận thấy sự vội vã bất bình thường của vụ án này. Cuộc điều tra chỉ mới chấm dứt vào tháng 3 và thông thường việc đem ra toà xử đòi hỏi một thời gian lâu hơn. Hình như Hà Nội muốn giải quyết cho xong việc này trước khi cuộc họp về nhân quyền sắp tới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể diễn ra vào cuối tháng này. Đây là một chỉ dấu cho thấy tuy rằng đảng Cộng Sản vẫn bám lấy quyền lực trong nước nhưng họ vẫn bị tác động bởi áp lực quốc tế. Vì thế lại càng có lý do để tiếp tục giữ những áp lực này cho dầu sau khi vụ án nêu trên được giải quyết.

http://online.wsj.com/article/SB121062848973586297.html


Hình ảnh trước cửa tòa án

13/05/2008


Tin ngắn: công an bắt 2 người

13/05/2008

Khoảng 8g20, công an bắt 2 người bên ngoài tòa án và dẫn đi mất.


Công an chìm nỗi tràn ngập trước cửa Tòa án Nhân dân

13/05/2008

Cập nhật lúc 8 giờ sáng, giờ Việt Nam, ngày 13/5/2008

– Khoảng 500 công an sắc phục đang giàn hàng tại góc đường Nguyễn Du và Lý Tự Trọng, cũng như đứng dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
– Công an vừa mang thêm nhiều hàng rào chắn đến đặt trước cổng chính của tòa án.
– Quán cà phê Bách Việt đối diện tòa án tràn ngập công an chìm. Họ dùng báo che đậy các máy chụp hình và quay phim trong tay. Các công an này đã có mặt từ khoảng 7 giờ sáng để thu hình mọi người qua lại tiệm cà phê và khu vực tòa án.
– Không khí đã khá khẩn trương. Trước tòa án nay xuất hiện một xe tải lớn của cảnh sát cơ động, thường dùng để chứa các dụng cụ chống biểu tình.
– Một nhân chứng nhận xét: “Vụ này còn căng hơn cả bữa xử Năm Cam!”.


Không Khí Tòa Án Ngột Ngạt Trước Ngày Xử – Các Thẩm Phán Bí Lối

12/05/2008

Bản Tin Nhanh số 1
Xử án 3 thành viên đảng Việt Tân

Không Khí Tòa Án Ngột Ngạt Trước Ngày Xử – Các Thẩm Phán Bí Lối

Nguyễn Quốc Quân, Somsak Khunmi (Nguyễn Quốc Hải), Nguyễn Thế Vũ, hình từ viettan.org

Vào ngày 13 tháng 5 năm 2008, Tòa án Nhân dân Tp.HCM sẽ đem 3 thành viên của đảng Việt Tân là tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Somsak Khunmi (Nguyễn Quốc Hải), ông Nguyễn Thế Vũ ra xét xử với tội danh “khủng bố tinh thần”.

Tòa án Nhân Dân ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hình của Radio Chân Trời Mới

Phiên tòa sẽ bắt đầu lúc 8 giờ 30 sáng tại Tòa án Nhân Dân đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Theo nguồn tin thâu nhận được thì tình hình bên trong và ngoài tòa án rất khẩn trương. Tất cả mọi vụ xử án trước và trong ngày 13 tháng 5 đều bị dời lại. Trong ngày 13/5 chỉ có một vụ xử duy nhất là vụ các thành viên đảng Việt Tân. Nhưng phiên xử này lại không xuất hiện trên trang web chính thức của tòa án như bình thường. Điều này cho thấy nhà cầm quyền CSVN chỉ muốn xử kín.

Cùng lúc, giới truyền thông quốc tế và nhiều người Việt hải ngoại quan tâm đến vụ xử này đã liên lạc với các tòa đại sứ và lãnh sự Việt Nam tại các quốc gia phương tây, liên lạc với các tòa án, viện kiểm sát tại Sài gòn để tìm hiểu thêm tin tức. Phát ngôn nhân của Nhà Nước VN là ông Lê Dũng đã phải xác nhận tin tức về phiên tòa này. Báo Công An Nhân Dân ngày 12 tháng 5 cũng phải đi tin về vụ xử này với những lời lẽ cáo buộc cố hữu.

Thẩm phán Vũ Phi Long, hình từ web Tòa án Nhân dân Tp.HCM

Theo giới thông thạo thành phần thẩm phán tại Sài Gòn, ông Vũ Phi Long được Đảng Ủy Thành Phố chỉ định ngồi làm thẩm phán chủ tọa phiên tòa cùng với 3 hội thẩm, nhưng trong suốt hai ngày cuối tuần vừa qua hầu như toàn bộ thẩm phán của hệ thống tòa án tại Sài gòn đã phải họp bàn liên tục để giúp ý kiến cho ông Long. Bản án đã được viết sẵn bởi Bộ Công An và Đảng Ủy Thành Phố, tuy nhiên phía thẩm phán toà án là nơi phải nghĩ ra các lý lẽ buộc tội để biện minh cho bản án đó trước sự quan sát của nhiều chính phủ và công luận quốc tế. Không khí họp bàn triền miên và gấp rút này cho thấy sự bí lối của các quan chức tòa án đến tận những giờ phút cuối cùng ngay trước buổi xử.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và tường trình về phiên tòa 13/5.

Cập nhật lúc 3 giờ sáng, giờ Việt Nam, ngày 13/5/2008

Radio Chân Trời Mới
www.radiochantroimoi.com

radiochantroimoi.wordpress.com


Dân Biểu Sanchez bày tỏ quan tâm phiên xử ba người đảng Việt Tân

12/05/2008

(Người Việt) WASHINGTON, DC.- Hôm 9 Tháng Năm vừa qua, Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Loretta Sanchez đã gởi một bức thư đến Ðại Sứ Lê Công Phụng của Việt Nam tại Washington DC bày tỏ quan tâm đến vụ bắt và xử ba người của đảng Việt Tân vào ngày 13 Tháng Năm tới đây, một thông cáo báo chí của văn phòng bà dân biểu này gởi đến nhật báo Người Việt cho biết như vậy.

Dân Biểu Sanchez, hiện là đồng chủ tịch Vietnam Caucus tại Hạ Viện Hoa Kỳ, cho biết bức thư cũng do ba đồng chủ tịch khác ký. Ðó là các Dân Biểu Zoe Lofgren, Chris Smith và Tom Davis.

Theo bản thông cáo, ba người của đảng Việt Tân bị chính quyền Việt Nam bắt ngày 17 Tháng Mười Một, 2007 bao gồm Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Somsak Khunmi và ông Nguyễn Thế Vũ vì tội “phát tán tài liệu đấu tranh dân chủ.”

Một thông báo khác của đảng Việt Tân cho biết ba người này sẽ bị đưa ra xử trong phiên tòa kín tại Saigon vào lúc 8 giờ sáng ngày 13 Tháng Năm tới đây.

JPG - 8.4 kb
Từ trái, Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Somsak Khunmi và ông Nguyễn Thế Vũ, ba người sắp bị đưa ra xử vào ngày 13 Tháng Năm tới đây.
(Hình: viettan.org)

Trong thư gởi đại sứ Việt Nam, Dân Biểu Sanchez viết: “Nhân dịp Ngày Nhân Quyền Việt Nam, chúng tôi muốn bày tỏ sự quan tâm sâu sắc của chúng tôi đối với sự bắt giữ và giam cầm công dân Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Quân và hai người khác. Chúng tôi được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết ba người này sẽ được đem ra xử vào ngày 13 Tháng Năm tới đây và theo một số cơ quan truyền thông họ sẽ bị xử tội ’khủng bố.’ Theo các hiệp định quốc tế về nhân quyền, mà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có ký kết, bày tỏ quan điểm chính trị là một tự do căn bản, không phải là hành động khủng bố. Những người này đáng lý không bị bắt chỉ vì đề cao dân chủ một cách ôn hòa và không bạo động. Giam giữ họ cho thấy chính quyền của ông lo lắng về vấn đề nhân quyền.”

“Chúng tôi nghĩ tiền lệ của phiên xử này có thể làm các công dân Hoa Kỳ khác viếng thăm Việt Nam, mà chủ yếu là người Mỹ gốc Việt, lo lắng bởi vì họ từng bị chính quyền Việt Nam gia tăng sách nhiễu trong những năm gần đây. Kể từ năm 2006, chính quyền Việt Nam đã bắt sáu công dân Hoa Kỳ và tố cáo họ tội phạm hình sự một cách giả tạo,” bức thư của bà Sanchez viết tiếp.

Dân Biểu đại diện Ðịa Hạt 47 của California hy vọng rằng “phiên xử vào ngày 13 Tháng Năm phải được xử công bằng và công khai, có sự hiện diện của người thân và bạn bè của các bị cáo, các cơ quan truyền thông ngoại quốc và cộng đồng ngoại giao các nước.”

“Chúng tôi tin tưởng rằng dưới tiêu chuẩn quốc tế – và theo luật pháp Việt Nam – bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa không phải là tội ác.”

“Chúng tôi mong đợi Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Somsak Khunmi và ông Nguyễn Thế Vũ phải được thả ngay lập tức để họ đoàn tụ với gia đình,” bức thư kết luận.

Ðược biết, lá thư do bốn dân biểu nêu trên ký cũng được gởi cùng lúc tới ông Michael Michalak, Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=78345&z=157


Thông Cáo Báo Chí của Tổ Chức Phóng viên Không biên Giới Về Phiên tòa xử án các đảng viên Việt Tân ngày 13 tháng 05

12/05/2008

Việt Nam – 12/05/2008

GIF - 3.6 kb

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới kêu gọi công lý Việt Nam khoan hồng trong vụ các cộng tác viên của đài phát thanh đối lập Chân Trời Mới, bị chính quyền tố cáo là “khủng bố”, sau buổi họp của họ về dân chủ vào ngày 17 tháng 11 năm 2007 tại thành phố Hồ chí Minh. Trong số những người bị bắt trong khuôn khổ vụ này, những người cư ngụ ở nước ngoài được trả tự do và không hề bị xét xử.

Ngày 13 tháng 5 năm 2008, 3 người hiện còn đang bị giam giữ sẽ bị đưa ra xét xử tại tòa án Tp HCM. Các bị cáo, ông Somsak Khunmi – quốc tịch Thái Lan và là cộng tác viên của đài phát thanh Chân Trời Mới, ông Nguyễn Thế Vũ – một thương gia ở Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với ông Nguyễn Quốc Quân – công dân Hoa Kỳ, đã bị giam giữ từ sáu tháng nay trong một trại giam ở Tp HCM, mà không bị khép vào một tội danh cụ thể nào. Người thân của họ cho biết là tình trạng sức khỏe của họ bị suy sụp vì chính sách lơ là của trại tù.

Khi tin tức về phiên tòa được loan ra, những nhà dân chủ nêu trên đã nhận được sự ủng hộ của nhiều đoàn thể khác nhau, trong đó có Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới. Tổ chức chúng tôi tuyên bố rằng : “Thật đáng bất bình khi những người Á Châu – mang quốc tịch Việt Nam và Thái Lan thì bị kết án trong khi những người khác có liên quan – một người Pháp và một cặp vợ chồng Hoa Kỳ – lại được trả tự do. Một nền công lý áp dụng hai biện pháp nặng nhẹ khác nhau thì thật là tồi tệ. Do đó, chúng tôi yêu cầu phải tha bổng cho họ”.

Tổ Chức Phóng viên Không biên Giới


Đảng viên Việt Tân sắp ra tòa

12/05/2008

Một tờ báo ở California nói ông Nguyễn Quốc Quân, đảng viên Đảng Việt Tân sẽ ra tòa vào thứ ba vì cáo buộc khủng bố.

(BBC) Tờ The Sacramento Bee nói ông Quân, người sống ở thành phố Sacramento đã bị bắt hồi tháng 11 năm ngoái ở thành phố Hồ Chí Minh khi định cùng các thành viên khác của Việt Tân rải truyền đơn kêu gọi ’’phản kháng bất bạo động’’.

Hai thành viên Việt Tân khác cùng bị bắt với ông Quân hồi cuối năm ngoái, Somsak Khunmi (Nguyễn Quang Phục) mang quốc tịch Thái và Nguyễn Thế Vũ, quốc tịch Việt Nam sẽ cùng bị xét xử trong ngày 13 tháng Năm.

Luật sư Trần Vũ Hải ở Việt Nam đã đồng ý bào chữa cho ông Quân và ông Somsak Khunmi.

’Thất vọng’

Vợ ông Quân, bà Ngô Mai Hương được The Sacramento Bee dẫn lời nói bà cảm thấy nhẹ nhàng vì cuối cùng ông cũng được đưa ra xét xử nhưng vô cùng lo lắng vì cáo buộc khủng bố.

’’Khi tôi biết tin, tôi mất ngủ cả đêm vì lo lắng quá.

’’Tôi thấy vui nhưng sợ rằng người ta sẽ bỏ tù anh ấy vài năm.’’

Trong khi đó người phụ trách báo chí của đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam, bà Angela Aggeler được The Sacramento Bee trích lời nói :

’’Chúng tôi thất vọng khi biết cáo buộc đối với ông là khủng bố vì chúng tôi không biết tới thông tin nào có thể dẫn tới cáo buộc này.

’’Các quan chức Hoa Kỳ cả ở Việt Nam và Washington đã liên tục kêu gọi trả tự do cho bất kỳ cá nhân nào thể hiện quan điểm của mình một cách hòa bình và chúng tôi cũng thúc giục họ trả tự do cho Tiến sĩ Quân và cho ông trở về Hoa Kỳ càng sớm càng tốt.’’


Đài Chân Trời Mới phỏng vấn Luật sư Trần Vũ Hải

12/05/2008

Đài Chân Trời Mới phỏng vấn Luật sư Trần Vũ Hải về phiên tòa xử ba đảng viên Việt Tân ngày 13-05 sắp tới

Nguyễn Vũ: Dạ, xin kính chào luật sư (LS) Trần Vũ Hải. Chúng tôi là Nguyễn Vũ của đài Chân Trời Mới. Thưa LS, được biết LS sẽ phụ trách cho phiên tòa xử ba đảng viên Việt Tân (VT) vào ngày 13.5 tới đây. Xin LS cho biết, đây là việc do tòa án chỉ định hay là do gia đình các bị cáo tìm đến LS nhờ biện hộ, thưa LS?

Trần Vũ Hải: Vâng, gia đình hai bị cáo này đã nhờ đến tôi chứ không phải là do tòa án chỉ định.

Nguyễn Vũ: Tức là LS bào chữa cho anh Nguyễn Quốc Quân và anh Nguyễn Quốc Hải. LS có ngại gặp khó khăn khi bào chữa cho vụ án này; đây là vụ án chính trị, thưa LS?

Trần Vũ Hải: Như tôi đã nói, không có bất cứ điều ngại hay cảm tưởng gì khi tôi nhận nhiệm vụ bào chữa cho những vụ án như vậy. Đó là việc mà chúng tôi vẫn làm, và bản thân tôi đã làm.

Nguyễn Vũ: Bây giờ Viện Kiểm Sát Nhân Dân đã tố cáo các bị can với tội danh gì, thưa LS?

Trần Vũ Hải: Họ đã truy tố hai vị này tội khủng bố, khoản 3.

Nguyễn Vũ: LS có thể cho biết tên của hai vị này là gì?

Trần Vũ Hải: Anh Nguyễn Quốc Quân và anh Nguyễn Quốc Hải, tên tiếng Thái là …

Nguyễn Vũ: … anh Somsak Khunmi! LS dự trù bào chữa tội danh của hai anh NQQuân và Somsak Khunmi như thế nào?

Trần Vũ Hải: Chúng tôi cho rằng những hành vi mà VKSND truy tố không thể coi là phạm tội khủng bố theo luật hiện hành.

Nguyễn Vũ: LS đã vào tù gặp hai bị cáo mà LS bào chữa chưa?

Trần Vũ Hải: Tôi đã gặp cả hai bị cáo này.

Nguyễn Vũ: Tinh thần của họ ra sao?

Trần Vũ Hải: Tôi nghĩa rằng, về sức khỏe thì cũng bình thường, tinh thần cũng bình thường. Có thể nói là bình thường. Không nói là tốt mà cũng không xấu.

Nguyễn Vũ: Theo kinh nghiệm của LS thì LS có thể suy đoán những chuyện gì có thể xảy ra vào ngày 13-05 sắp tới trong phiên tòa này?

Trần Vũ Hải: Cái này chúng tôi cũng khó thể nói. Chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi sẽ cố gắng bảo vệ tốt nhất cho thân chủ của mình… Có một quyết định nào đó của tòa án sẽ có lợi nhất cho các bị cáo.

Nguyễn Vũ: Bây giờ đối với bà con mình ở trong nước, người ta suy nghĩ gì về phiên tòa này? Chứ còn ở hải ngoại thì rất nhiều người quan tâm đến phiên tòa này. LS nghĩa sao đối với đồng bào trong nước?

Trần Vũ Hải: Bởi vì lúc đầu vụ án này không được báo chí đăng, mấy hôm nay cũng không đăng nên rất khó nói về dư luận trong nước về vấn đề này. Rất khó, rất khó, bởi vì trên những trang Web ở Việt Nam không thấy bàn về vấn đề này trên những trang Web chính thức hay không chính thức. Các tờ báo cũng không bình luận nên khó có thể nói về dư luận. Mình không biết đại diện dư luận đó là ai.

Nguyễn Vũ: Theo LS, trong phiên tòa ngày 13.05 sắp tới LS có thể trình bày tất cả ý kiến, những gì LS muốn trình bày không?

Trần Vũ Hải: Tất nhiên. Tất nhiên, không ai có quyền cản trở cả! Thậm chí từng vấn đề một tôi còn yêu cầu VKS xem nghiệm lại. Và điều đó trong các vụ án khác VKS cũng phải xem nghiệm lại và họ phải thừa nhận những vấn đề không đúng trong cáo trạng. Đó là cái nhìn của tôi. Tất cả vụ án tôi tham gia, tôi cương quyết yêu cầu VKS phải xem nghiệm lại. Và trong phần lớn các vụ án thì họ phải thừa nhận là những cái gì không đúng trong cáo trạng thì họ phải thừa nhận. Mặc dù về cơ bản, họ có quan điểm khác mình. Những cái mình trình bày có lý lẽ thì họ phải chấp nhận. Đó là kinh nghiệm của tôi, không riêng trong vụ này, là những vụ gọi là chính trị, kinh tế hay là dân chủ khác.

Nguyễn Vũ: Đối với các bị cáo, theo LS nghĩ, họ có quyền tự trình bày quan điểm của họ trước tòa không?

Trần Vũ Hải: Có chứ! Họ có quyền trình bày theo quan điểm, nguyện vọng của họ. Tất nhiên tòa có quyền ngắt những việc không liên quan đến nội dung vụ án.

Nguyễn Vũ: Dạ cám ơn LS Trần Vũ Hải đã cho quí thính giả những thông tin thật nóng bỏng về phiên tòa 13-05 sắp tới. Đối với thính giả ở hải ngoại, họ vẫn mong muốn theo dõi diễn tiến của phiên xử này. Chúng tôi hy vọng sẽ được cùng tiếp chuyện với LS trong ngày xử án. Xin cám ơn luật sư.

Trần Vũ Hải: Vâng, xin chào Anh!

Âm thanh:  Đài Chân Trời Mới phỏng vấn LS Trần Vũ Hải


Một người trong vùng thủ phủ bị vu cáo tội khủng bố

12/05/2008

Ngày 10 tháng 5, 2008

Stephen Magagnini | Sacramento Bee

Kỷ sư và nhà hoạt động dân chủ từ Sacramento Nguyễn Quốc Quân sẽ ra tòa thứ Ba tại Việt Nam với tội khủng bố.

Ông bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 11 vì phổ biến tài liệu cỗ xúy dân chủ. Lúc ban đầu ông bị bắt vì vào Việt Nam với giấy thông hành giả. Tin mong đợi từ lâu về việc ra tòa của ông Nguyễn được đón nhận với nỗi niềm trộn lẫn giữa giải tỏa và lo âu của người vợ của ông ở Elk Grove vì ông Nguyễn sẽ ra tòa với cáo buộc khủng bố.

“Khi tôi biết tin, tôi bị mất ngủ cả đêm, tôi quá lo âu”, bà Ngô nói. “ Tôi cảm thấy vui, nhưng tôi lại lo là họ sẽ bỏ tù anh ấy vài năm.”

Ông Nguyễn, một kỹ sư và cha của 2 người con trai ở Elk Grove, đã về Việt Nam tháng 11 vừa qua với tư cách là một đảng viên đảng Việt Tân – Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, bị nhà cầm quyền Việt Nam dán nhãn là một tổ chức khủng bố.

Ông Nguyễn, 54 tuổi, và các đảng viên Việt Tân khác đã dự định truyền bá 7.000 lá truyền đơn hai trang bày tỏ chính kiến một cách bất bạo động theo tinh thần của Mahatma. Nhà cầm quyền Việt Nam đã tịch thu những truyền đơn đó và nói trong một bản tuyên bố là Nguyễn “…được giao nhiệm vụ bởi Việt Tân … để thực hiện những hoạt động chống phá nhà nước cùng với các phần tử khác …”

Angela P. Aggeler, thư ký thứ nhất ban báo chi và văn hóa sự vụ ở tòa đại sứ Hoa kỳ ở Hà Nội, nói với The Bee, “ Chúng tôi biết rằng phiên toà xử Tiến sĩ Quân sẽ bắt đầu ngày 13 tháng 5. Chúng tôi thất vọng khi biết ông bị cáo buộc tội khủng bố trong khi chúng tôi không được biết bất cứ dữ kiện gì hỗ trợ cho việc cáo buộc tội danh này.”

“Các quan chức Hoa Kỳ ở tại Việt Nam lẫn Washington đều lập đi lập lại việc kêu gọi thả tự do cho bất cứ ai này tỏ quan điểm một cách ôn hòa cũng như đã thúc giục họ thả Tiến sĩ Quân và ông phải được phép trở lại Mỹ càng sớm càng tốt,” Aggeler nói, và thêm là các nhân viên lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch tham dự cuộc xử án. Chính phủ Việt Nam bắt ông Nguyễn mà không thông báo, sau đó ông Nguyễn bị cáo buộc tội vào Việt Nam với hộ chiếu Cam Bốt giả.

Nhưng trong tuần này, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Lê Dũng cho biết ông Nguyễn và hai người dân chủ Việt Tân khác sẽ bị đưa ra tòa với tội khủng bố.

Một đại diện của Việt Tân nói là ông Nguyễn sẽ bị xử với điều 84 “khủng bố và tuyên truyền chống nhà nước”.

“Chính phủ Việt Nam đã lợi dụng điều luật này để bỏ tù các nhà dân chủ đấu tranh ôn hòa khác tại Việt Nam”.

Trường hợp khả quan nhất là ông Nguyễn sẽ bị trục xuất về lại Hoa Kỳ, giống như là chính phủ Việt Nam đã hành xử trong các trường hợp tương tự.

“Leon” Van Ba Truong, một đảng viên Việt Tân từ Hawaii bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh cùng lúc với ông Nguyễn, được trả tự do và trục xuất vào ngày 13 tháng 12, sau 25 ngày bị giam giữ.

Mục đích tối cao của Việt Tân “là canh tân Việt Nam, vốn đã phải trải qua nhiều sự lạc hậu về chính trị và kinh tế,” Việt Tân cho biết. “Việt Tân chủ trương là người Việt Nam phải giải quyết vấn đề của Việt Nam. Những thay đổi, vì vậy, phải đến từ sức mạnh của quần chúng theo đường lối ôn hòa và từ gốc rễ xã hội.”

Một nhà dân chủ khác bị bắt vì phân phối 4,000 truyền đơn tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8 năm 2006, ông Đỗ Thành Công ở San Jose. Ông bị giam giữ 38 ngày và sau đó được trả từ do mà không bị đưa ra tòa xử. “ Tôi nghĩ họ sắp thả Tiến Sĩ Nguyễn – họ cũng buộc tôi với tội tương tự”, ông Đỗ nói. “ tôi tuyệt thực 38 ngày”.

Ông Đỗ cho biết ông là lãnh đạo của Đảng Dân Chủ Nhân Dân, một tổ chức có cảm tình với Việt Tân. Ông nói là nếu ông Nguyễn không được thả, là vì chính phủ Việt Nam “muốn gửi một thông điệp “ Đừng đùa giởn với chúng tôi” – Chính phủ Việt Nam không chấp nhận bất cứ hình thức đối kháng nào.

Free translation

Sacramento Bee


Đôi giòng về Nguyễn Thế Vũ

11/05/2008


Nguyễn Thế Vũ, quê ở Phan Thiết, sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, bố làm nghề đánh cá, mẹ tảo tần buôn bán sớm hôm nuôi đàn con dại. Gia đình có 5 người con trai, Vũ là anh cả. Sinh năm 1977, trải qua thời thơ ấu trong hoàn cảnh đất nước thật nghèo khổ của thời bao cấp, Vũ đã giúp đỡ cha mẹ chăm sóc các em từ những ngày còn bé. Tuy khó khăn nhưng cha mẹ Vũ vẫn cố nuôi cho con ăn học và Vũ đã tốt nghiệp cử nhân Anh văn. Vì đời sống quá khổ cực, mẹ Vũ bị lao lực, sau đó lại mang chứng bệnh ung thư, bà đã qua đời cách nay 3 năm.

Trong một chuyến công tác ở Sài Gòn, tôi được dịp tới thăm và làm quen với Vũ. Bước vào căn nhà – một căn gác nhỏ xíu nhưng thật sạch sẽ, trống rỗng, bàn ghế chỉ vừa đủ vài cái, khách tới nhà nồi bệt xuống đất nói chuyện với nhau, tôi đã cảm thấy thật gần gũi và niềm chân tình.

Vũ vừa kết hôn với Như Ý, một cô bé xinh xắn, dịu dàng, làm việc trong một trung tâm dạy Anh ngữ. Hai em quen biết nhau trong môi trường này và cưới nhau được hơn một năm.

Lớn lên trong một gia đình Công giáo, Vũ và các em có một đức tin thật vững mạnh, yêu thương và hết lòng đùm bọc lẫn nhau. Vũ đã đưa cậu em út là Nguyễn Trọng Khiêm vào Sài Gòn để nuôi em học đại học.

Tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng chúng tôi cảm thấy thật gần gũi. Buổi tối, hai vợ chồng Vũ, Khiêm và tôi, bốn chị em trải tờ báo dưới đất, ngồi ăn cơm và trò chuyện với nhau thật tâm đắc.

Trong những lúc hàn huyên, Vũ thường chia sẻ về nguyện vọng và mơ ước của mình. Mơ ước thật bình thường của một người trẻ, muốn có được một đời sống tự do, có điều kiện tiến thân và đóng góp cho xã hội theo ý muốn của mình. Hai vợ chồng của Vũ cũng xót xa khi nhìn thấy đời sống khổ cực của đồng bào và rất quan tâm đến những bất công xã hội.

Tìm hiểu về tâm tình của một người sống ở hải ngoại, Vũ rất ngạc nhiên khi biết được có những người tuy sống xa quê hương nhưng vẫn luôn hướng về đất mẹ. Khi chia sẻ với Vũ những trăn trở của tôi và các đảng viên Việt Tân về đất nước, Vũ vô cùng trân quý và thương cảm những tấm lòng xa quê hương nhưng nặng tình dân tộc.

Khi được nghe giải thích khái quát về đường lối đấu tranh bất bạo động nhằm mang lại tự do dân chủ cho dân tộc mà Việt Tân đang cổ vũ, Vũ bắt đầu nhìn thấy được một số giải đáp cho những băn khoăn về đất nước của mình. Tôi còn nhớ mãi khi Vũ nhận lời tiếp tay chúng tôi trong công tác phổ biến tài liệu đấu tranh bất bạo động, tuy có chút lo ngại vì chưa bao giờ làm việc này nhưng Vũ vẫn nhận lời. Tôi đã rơi nước mắt khi cảm nhận được sự lo lắng của Vũ và Ý, và thương vô cùng tinh thần của hai em, tuy thành đạt trong cuộc sống nhưng không quên những cuộc đời khốn khó quanh mình.

Cùng sống với nhau những giây phút bàng hoàng khi công an ập vào nhà Vũ đầy những bao thư, những truyền đơn tràn ngập căn nhà nhỏ bé, tôi không bao giờ quên đôi mắt lo âu của Như Ý dõi nhìn theo chồng và những người bạn đang bị công an dẫn giải bắt đi. Sáu tháng trời thăm thẳm em đã không được thăm nuôi chồng, không được thông báo tin tức gì từ những kẻ cường quyền bắt người vô tội. Người vợ bé bỏng mòn mỏi tin chồng chắc đã khóc khô giòng lệ. Và nay được biết Vũ sẽ ra tòa ngày 13 tháng 5, hẳn em đang phải trải qua những giờ phút căng thẳng nhất !

Hướng về hai em tôi âm thầm khấn nguyện, cầu mong ơn trên che chở cho những người con yêu nhân ái và can trường của tổ quốc Việt Nam.

Thanh Thảo


Về Ông Somsak Khunmi

11/05/2008

Âu Minh Dũng

Tôi là một cựu sinh viên du học tại Nhật Bản vào năm 1971. Khi miền Nam Việt Nam sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi đang là sinh viên năm thứ ba đại học Meisei tại Tokyo. Khoảng giữa tháng 5 năm 1975, số người Việt dùng thuyền vượt biển tìm tự do đã bắt đầu được cứu vớt đưa đến Nhật Bản. Vì thiếu người thông dịch nên chính phủ Nhật và một số cơ quan từ thiện kêu gọi anh chị em sinh viên Việt Nam giúp đỡ; tôi đã tình nguyện với Cơ quan Caritas Nhật Bản để giúp đỡ đồng hương tị nạn trong trong thời gian tạm trú chờ đi định cư nước thứ ba. Cá nhân tôi đã được tiếp xúc với hàng ngàn thuyền nhân Việt Nam đến Nhật trong khoảng thời gian từ năm 1975 cho đến cuối năm 1990 khi chương trình cứu giúp người tỵ nạn chấm dứt. Tôi đã được nghe về nhiều thảm cảnh của người tỵ nạn; nhưng có thể nói rằng những thảm cảnh đó đã không thể nào xóa nhòa ý chí phấn đấu của những thuyền nhân Việt Nam trên con đường đấu tranh tìm tự do. Ý chí đó được biểu hiện trong câu chuyện của một thuyền nhân mà tôi rất thân vì đã thường xuyên liên lạc trong hai thập niên vừa qua, xin kể lại sau đây với tất cả tấm lòng ngưỡng phục của tôi về ông.

Khoảng mùa Thu năm 1979, có bốn chuyến tàu tìm tự do của thuyền nhân Việt Nam được tàu chở hàng của Na Uy cứu vớt trên biển Đông, và đã cập vào một số cửa khẩu miền Nam Nhật Bản. Đây có thể coi là đợt cứu vớt đông nhất, với nhiều thảm kịch nhất, của người tỵ nạn đến Nhật vào giai đoạn này trước khi Liên Hiệp Quốc chính thức nhúng tay vào chương trình cứu vớt người tỵ nạn Việt Nam từ giữa năm 1980. Trong bốn chuyến tàu này, có hai chuyến tàu mà số thuyền nhân khi được cứu vớt chỉ còn khoảng ¾ người sống sót sau hơn một tháng lênh đênh trên biển cả vì hư máy. Hai chuyến tàu còn lại, tuy may mắn là tàu không bị hư máy, nhưng hành trình cũng khá gian nan với 3 tuần lễ lênh đênh, hết lương thực, hết nước cho đến khi được Tàu Na Uy cứu giúp thì mọi người đã kiệt sức. Tất cả 139 thuyền nhân của hai chuyến tàu khi cập vào Vịnh Tokyo hầu như không thể đứng vững trên hai chân. Họ được chia làm hai nhóm; Một nhóm thì được Cơ quan Riso Kosekai, một tổ chức Phật Giáo Nhật Bản, cứu giúp đưa về định cư tại Tỉnh Chiba. Một nhóm khác hơn 50 người được cơ quan Caritas Nhật Bản cứu giúp đưa về định cư tại một thành phố gần Thị xã Kamakura, nơi đã từng là thủ phủ của Chúa Tokugawa (Mạc Phủ) cách nay vài trăm năm về trước.

Ông Nguyễn Quốc Hải, sau này có tên là Somsak Khunmi, là một trong số 50 người tỵ nạn được đưa về trại Caritas Japan ở Kamakura vào khoảng tháng 10 năm 1979. Ông sinh ngày 9 tháng 11 năm 1952 tại Tỉnh Khánh Hòa, Trung Phần Việt Nam. Năm 1972 ông bị động viên phục vụ trong ngành bộ binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho đến tháng 4 năm 1975 thì rã ngũ. Đầu năm 1977, do sự giới thiệu của ông Phùng Tấn Hiệp, một người bạn mà cũng là người Thầy dạy võ của mình, ông Hải đã tham gia vào lực lượng kháng cự tại Mật khu Đồng Bò, tỉnh Khánh hòa cùng với ông Phùng Tấn Hiệp. Kể từ đó, hai người đã như hình với bóng. Hoạt động được hai năm – từ đầu năm 1977 đến giữa năm 1979 – thì lực lượng Đồng Bò bị tan rã vì sự ruồng bố dữ dội của công an, nên hai ông đã phải lánh nạn nơi khác. Nhận thấy không thể nào sống được trong xã hội bị khống chế toàn diện của bộ máy công an CSVN, ông Nguyễn Quốc Hải và ông Phùng Tấn Hiệp đã tìm đường vượt biên vào cuối tháng 7 năm 1979. May nhờ người quen giúp đỡ, cả hai đã cùng với một số gia đình ngư dân tại Khánh Hòa vượt biển tìm tự do từ bãi biển Nha Trang vào cuối tháng 9 năm 1979.

Vì đã từng hoạt động trong lực lượng kháng cự Mật khu Đồng Bò, nên khi đến Nhật cả hai ông Nguyễn Quốc Hải và Phùng Tấn Hiệp đều tích cực tham gia vào các sinh hoạt của Tổ Chức Người Việt Tự Do, do anh Ngô Chí Dũng, cựu sinh viên du học Nhật Bản vào năm 1971, lãnh đạo. Hai ông cùng nhiều thanh niên tỵ nạn đã thường xuyên tham gia các sinh hoạt của Tổ Chức Người Việt Tự Do như in báo và phát hành tờ Nguyệt San Người Việt Tự Do. Sau một thời gian ngắn, hai ông đã xin định cư tại Nhật và được chính phủ Nhật chấp thuận. Khi Tổ Chức Người Việt Tự Do giải thể tham gia vào Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam thì ông Nguyễn Quốc Hải đã cùng với một số thanh niên tỵ nạn khác như ông Phùng Tấn Hiệp, ông Nguyễn Văn Đẩu, ông Lưu Minh … đã tham gia vào Mặt Trận và tình nguyện trở về hoạt động tại khu chiến.

Tháng 11 năm 1981, ông Nguyễn Quốc Hải đã rời Nhật Bản đến Thái Lan và được Mặt Trận đưa vào khu chiến đóng trên vùng biên giới Thái Lào. Trách nhiệm chính của ông là phụ trách huấn luyện những đoàn viên của Mặt Trận về đường lối và kỹ thuật đấu tranh vận dụng sức mạnh toàn dân – đang bùng sôi với những bất mãn trước sự bất công và đàn áp của chế độ Hà Nội, tổ chức họ thành những đoàn thể để có thể liên kết đấu tranh đỏi hỏi đảng và nhà nước phải thỏa mãn các yêu sách và tôn trọng quyền sống của người dân. Vì lý do cá nhân, tháng 11 năm 1987 ông Nguyễn Quốc Hải đã xin ngưng hoạt động và rời khỏi khu chiến của Mặt Trận. Sau đó, ông đã gặp một thiếu nữ Thái, cô Janta Khantinat, và hai người đã kết hôn trong một đám cưới đơn sơ vào cuối năm 1987. Kể từ đó, ông Nguyễn Quốc Hải đã cùng với bà Janta Khantinat xây dựng một gia đình nhỏ tại vùng Đông Bắc Thái với 4 người con gồm 1 trai, 3 gái trong hơn 20 năm qua. Theo bà Janta Khantinat cho biết, mãi đến năm 1993, nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhiều người thân, ông Nguyễn Quốc Hải mới được cấp quốc tịch Thái và mang tên Thái là Somsak Khunmi.

Tháng 4 năm 1992, Đài Phát Thanh Chân Trời Mới chính thức phát sóng hướng về Việt Nam trên làn sóng ngắn, và cần tuyển kiểm thính viên đang sống trong vùng Đông Nam Á. Ông Nguyễn Quốc Hải, đã tự nguyện ghi danh làm kiểm thính viên cho đài Chân Trời Mới. Từ đầu năm 2003, đài Chân Trời Mới chuyển qua phát sóng trên làn sóng trung bình AM 1503, ông Nguyễn Quốc Hải đã được đài hoán chuyển từ vị trí kiểm thính viên lên phụ trách biên tập một số tin tức trong vùng Đông Dương và nhất là sắp xếp các cuộc gặp gỡ giữa những nhà dân chủ Việt Nam với các phóng viên đài Chân Trời Mới tại Việt Nam và Kampuchia. Từ giữa năm 2007, ông Nguyễn Quốc Hải được đề cử làm phụ tá cho bà Nguyễn Thị Thanh Vân, tức Phóng Viên Thanh Thảo của đài Chân Trời Mới. Trung tuần tháng 11 năm 2007, để tìm hiểu tình hình dân oan và gặp gỡ các nhà dân chủ hầu thực hiện một loạt bài phóng sự về phong trào dân chủ tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hải và Phóng Viên Thanh Thảo đã vào Việt Nam bằng đường bộ từ Campuchia. Ngày 17 tháng 11 năm 2007, ông Nguyễn Quốc Hải đã bị công an Sài Gòn bắt giữ cùng với phóng viên Thanh Thảo và ông Trương Văn Ba, khi đang chuẩn bị phổ biến truyền đơn cổ súy về tinh thần đấu tranh bất bạo động.

Sau gần 6 tháng giam giữ , Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị đưa ông Nguyễn Quốc Hải ra tòa cùng với Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân – quốc tịch Hoa Kỳ, và ông Nguyễn Thế Vũ – quốc tịch Việt Nam, với tội danh khủng bố dựa theo khoản 3 điều 84 của Luật hình sự, có nội dung như sau: “Phạm tội trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Đây là cáo buộc lạ đời nhất của loài người khi coi những hành vi tán phát truyền đơn là uy hiếp tinh thần của những cán bộ đảng và nhà nước. Nếu dựa theo cáo buộc này, có lẽ những người sống trong các xã hội tự do đều bị kết tội khủng bố tinh thần khi người ta coi truyền đơn là phương tiện hiệu quả nhất để bày tỏ nguyện vọng hay cổ vũ cho những điều phê phán việc làm sai trái của chính quyền.

Cuộc đời của ông Somsak Khunmi, tức Nguyễn Quốc Hải, từ năm 1975 – sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ – cho đến nay đã biểu hiện một tấm lòng thiết tha với công cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ của quê nhà. Ông là một tấm gương yêu nước, yêu tự do và là một nhà đấu tranh dân chủ đích thực. Thật vậy, khi đến tỵ nạn tại Nhật Bản vào năm 1979, nếu con người tài ba Nguyễn Quốc Hải chọn định cư và lo tạo lập cuộc sống mới sau những năm tháng gian truân tại Việt Nam thì có lẽ ông đã có một cuộc sống rất yên lành, sung túc. Nhưng ông đã chọn con đường nhọc nhằn, gian lao đấy ắp hy sinh. Ngay cả khi đã có giấy tờ hợp lệ tại Thái vào năm 1993, thay vì sống an vui và hạnh phúc với tiểu gia đình của mình tại vùng Đông Bắc Thái thì ông lại tiếp tục dấn thân vào con đường đấu tranh mới – chấp nhận những hiểm nguy trước mặt, vào tận Việt Nam để đưa những tâm tư, nguyện vọng của người dân oan, của những nhà dân chủ – lên làn sóng của đài Chân Trời Mới. Ông đã dành gần như trọn đời mình để hiến dâng cho đất mẹ, cho hạnh phúc của toàn dân và tương lai của Việt Nam yêu dấu. Nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Quốc Hải xứng đáng được chúng ta ngưỡng phục và hãnh diện.

Âu Minh Dũng
Tokyo May 10 2008


Vụ xử nhà hoạt động từ Sacramento bắt đầu

11/05/2008

Stephen Magagnini | Sacramento Bee

Bởi Stephen Magagnini
11:06 am PDT thứ Sáu ngày 9 thánh 5 năm 2008

Sau 6 tháng bị cầm tù tại Việt Nam, nhà hoạt động dân chủ từ Sacramento Nguyễn Quốc Quân cuối cùng sẽ ra tòa thứ Ba tới.

Tin mong đợi từ lâu về việc ra tòa của ông Nguyễn được đón nhận với nỗi niềm trộn lẫn giữa giải tỏa và lo âu của người vợ của ông ở Elk Grove, là bà Ngô Mai Hương, vì ông Nguyễn – ban đầu bị bắt giữ với tội danh liên quan đến di trú là nhập cảnh Việt Nam với thông hành giả – sẽ ra tòa tại thành phố Hồ Chí Minh với cáo buộc khủng bố.

“Khi tôi biết tin, tôi bị mất ngủ cả đêm, tôi quá lo âu”, bà Ngô nói. “ Tôi cảm thấy vui, nhưng tôi lại lo là họ sẽ bỏ tù anh ấy vài năm.”

Ông Nguyễn, một kỹ sư và cha của 2 người con trai ở Elk Grove, đã về Việt Nam tháng 11 vừa qua với tư cách là một đảng viên đảng Việt Tân – Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, bị nhà cầm quyền Việt Nam dán nhãn là một tổ chức khủng bố.

Ông Nguyễn, 54 tuổi, và các đảng viên Việt Tân khác đã dự định truyền bá 7.000 lá truyền đơn hai trang bày tỏ chính kiến một cách bất bạo động theo tinh thần của Mahatma Gandhi và các phong trào dân chủ đã từng làm biến đổi Đông Âu.

Nhà cầm quyền Việt Nam đã tịch thu những truyền đơn đó và nói trong một bản tuyên bố là Nguyễn “…được giao nhiệm vụ bởi Việt Tân … để thực hiện những hoạt động chống phá nhà nước cùng với các phần tử khác …”

Angela P. Aggeler, thư ký thứ nhất ban báo chi và văn hóa sự vụ ở tòa đại sứ Hoa kỳ ở Hà Nội, nói với The Bee, “ Chúng tôi biết rằng phiên toà xử Tiến sĩ Quân sẽ bắt đầu ngày 13 tháng 5. Chúng tôi thất vọng khi biết ông bị cáo buộc tội khủng bố trong khi chúng tôi không được biết bất cứ dữ kiện gì hỗ trợ cho việc cáo buộc tội danh này.”

“Các quan chức Hoa Kỳ ở tại Việt Nam lẫn Washington đều lập đi lập lại việc kêu gọi thả tự do cho bất cứ ai này tỏ quan điểm một cách ôn hòa cũng như đã thúc giục họ thả Tiến sĩ Quân và ông phải được phép trở lại Mỹ càng sớm càng tốt,” Aggeler nói, và thêm là các nhân viên lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch tham dự cuộc xử án. Một đại diện của Việt Tân nói là trường hợp khả quan nhất là ông Nguyễn sẽ được trục xuất về lại Hoa Kỳ, giống như là chính phủ Việt Nam đã hành xử trong các trường hợp tương tự. Nhưng một nhà dân chủ ở Việt Nam đã bị 8 năm.

Mục đích tối thượng của Việt Tân “là canh tân Việt Nam, vốn đã phải trải qua nhiều sự lạc hậu về chính trị và kinh tế,” Việt Tân cho biết. “Việt Tân chủ trương là người Việt Nam phải giải quyết vấn đề của Việt Nam. Thay đổi, vì vậy, phải đến từ sức mạnh của quần chúng theo đường lối ôn hòa và từ gốc rễ xã hội.”


Việt Nam đưa công dân Hoa Kỳ và Thái Lan ra tòa tội “ khủng bố”

11/05/2008

Ngày 8 tháng 5 năm 2008

Hà Nội (Reuters): Một công dân Hoa Kỳ và một công dân Thái Lan sẽ bị đưa ra tòa án Việt Nam với tội danh “khủng bố”, phát ngôn viên chính phủ Việt Nam tuyên bố, sáu tháng sau khi họ bị bắt giam vì truyền đơn kêu gọi sự thay đổi chính trị.

Hai người này, cùng một người thứ ba, một công dân Việt Nam, là những nhà vận động dân chủ thuộc đảng Việt Tân (Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng), với trụ sở chính ở Hoa Kỳ và là một tổ chức chống chế độ Cộng sản.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói trong buổi đưa tin thường lệ là cả ba người này sẽ bị đưa ra tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 13 tháng 5 “với tội danh khủng bố” theo luật hình sự Việt Nam.

Việt Tân, bị Việt Nam coi là bất hợp pháp, nói rằng họ không hỗ trợ sử dụng bạo động và các tài liệu truyền đơn mà công an thu giữ trong những vụ bắt bớ hồi tháng 11 vừa qua chỉ quảng bá sự thay đổi dân chủ bằng những phương cách ôn hoà.

Đảng Cộng sản cầm quyền bác bỏ lời kêu gọi đa đảng và năm ngoái họ đã bắt giam hơn 30 nhà hoạt động chính trị, các nhà ngoại giao và tổ chức nhân quyền cho biết.

Một số đã bị cầm tù vì “tuyên truyền chống đối nhà nước”, một tội hình sự tại Việt Nam và bị tuyên án từ 3 đến 8 năm tù.

(Báo cáo bởi Phòng tin Hà Nội; Biên tập bởi Sanjeev Miglani)


Việt Nam sẽ xử công dân Hoa Kỳ với tội danh khủng bố

11/05/2008

Ngày 8 tháng 5 năm 2008

Hà Nội, Việt Nam (AP) – Một người Mỹ gốc Việt và hai công dân Việt Nam sẽ bị đưa ra tòa với tội danh khủng bố vì bị gán ghép là sửa soạn phân phối tài liệu chống đối chính quyền tại Việt Nam, một viên chức nói vào hôm thứ Năm.

Nguyễn Quốc Quân, từ Sacramento, và hai công dân Việt Nam Nguyễn Hải và Nguyễn Thế Vũ phải đối mặt với với án tù lên tới 7 năm nếu bị kết tội. Cuộc xử sẽ bắt đầu vào thứ Ba tại toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Dũng nói.

Ba người bị bắt hồi tháng 11 vừa qua, trong một căn nhà ở thành phố Hồ Chí Minh, cùng với Trương Văn Ba, công dân Hoa Kỳ, và Nguyễn Thị Thanh Vân, công dân Pháp. Nhà cầm quyền cáo buộc rằng họ đang chuẩn bị phát tán tài liệu chống đối nhà nước nhân danh đảng Việt Tân, một tổ chức đấu tranh cho dân chủ có trụ sở tại California nhưng Việt Nam ghán ghép là một tổ chức khủng bố.

Việt Tân minh định rằng họ chỉ khuyến khích sự thay đổi chính trị tại Việt Nam một cách bất bạo động, và đại sứ Hoa Kỳ, ông Michael Michalak đã tuyên bố là ông không thấy có chứng cớ nào tổ chức này có liên quan tới các hành vi khủng bố.

Ông Ba, tên Mỹ là Leon Trương, và bà Vân đã được thả vào tháng 12.

Nhà cầm quyền Việt Nam có nói là Quân nhập cảnh vào Việt Nam với thông hành Cam Phu Chia giả.

Cộng sản Việt Nam không chấp nhận bất cứ hình thức bất đồng nào, vì họ coi đó là mối đe dọa tới sự tồn vong của chế độ độc đảng của mình.


Lại Thêm Một Sáng Kiến Dại Dột

11/05/2008

Vũ Thạch

Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam vừa tuyên bố sẽ đem ra tòa xử Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Somsak Khunmi, và ông Nguyễn Thế Vũ vào ngày 13 tháng 5 sắp tới đây theo khoản 3 điều 84, tức tội danh khủng bố tinh thần, nguyên văn như sau:

“Phạm tội trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”

Tưởng cần nhắc lại, các ông Quân, Khunmi, và Vũ bị bắt cách nay 6 tháng khi đang cùng 2 người khác nữa chuẩn bị quảng bá những tờ rơi giải thích các phương pháp ôn hoà, bất bạo động mà người dân có thể dùng để đòi hỏi các quyền lợi chính đáng của mình. Nhà Nước CSVN đã phải trả tự do cho ông Trương Văn Ba và ký giả Thanh Thảo sau khi bị phản đối kịch liệt bởi nhiều chính phủ trên thế giới từ tháng 12 năm ngoái.

Nhìn lại những gì đã xảy ra trong 6 tháng qua, có thể nói tội danh “khủng bố tinh thần” là một chọn lựa khó khăn của những người cầm đầu Bộ Công An. Trước hết, theo thói quen xưa nay kết án bằng báo và đài bất cần luật hay tòa, Bộ Công An đã dại dột tuyên bố ngay từ đầu đây là những người khủng bố để rồi không biết lùi lại bằng cách nào. Điều dại dột kế tiếp là gian manh dựng lên bằng cớ để cố vu khống họ tội khủng bố vũ trang. Toàn bộ việc công an nhét 1 khẩu súng lục và 13 viên đạn vào hành lý một cặp vợ chồng Việt kiều hoàn toàn vô can đã trở thành chuyện diễu cho cả thế giới. Kế đến, buộc họ tội danh tuyên truyền chống phá chế độ hay gây bạo loạn cũng không nuốt trôi vì toàn bộ nội dung các tờ rơi đã được chuyển ngữ và trình bày trước quốc tế và chẳng có đoạn nào khuyến khích bạo hành cả. Còn ý định buộc Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân tội dùng giấy tờ giả cũng không đi đến đâu vì như vậy chẳng những không cột được với tội danh khủng bố mà còn làm sáng thêm tấm lòng vì nước vì dân của Tiến Sĩ Quân.

Bí quá, Bộ Công An đành chuyển qua một điều khoản dính tới khủng bố mà họ nghĩ ít cần bằng chứng nhất, đó là tội danh “uy hiếp tinh thần”. Nhưng xem ra sáng kiến dại dột này còn tệ hơn cả sáng kiến nhét súng đạn vào hành lý để vu khống.

Câu hỏi hiển nhiên đầu tiên là “uy hiếp tinh thần” AI ? Trong vụ này, các ông Quân, Khunmi, và Vũ chỉ tiếp xúc trực tiếp với công an và dự tính ảnh hưởng gián tiếp lên dân chúng. Dĩ nhiên, các tờ rơi về phương pháp Đấu Tranh Bất Bạo Động chẳng mang một lời “uy hiếp tinh thần” nào đối với đồng bào và không có khả năng “đe dọa xâm phạm tính mạng” một ai. Như vậy chỉ còn 2 trường hợp.

Một là ba nhà vận động dân chủ không một tấc sắt trong tay này đã “uy hiếp tinh thần” những công an chìm theo dõi họ, những công an nổi xông vào bắt họ, và những cai tù đang giam giữ họ cho đến nay.

Nếu đây là lập luận của Bộ Công An thì người dân bây giờ mới hiểu lý do:

Công an giao thông đánh người dân ngay trên đường phố là chỉ vì cách lái xe của họ “uy hiếp tinh thần” công an.

Các trường đại học dọa đuổi các sinh viên đã biểu tình đòi Hoàng Sa – Trường Sa và ngăn cấm các dự tính kế tiếp là chỉ vì các sinh viên này “uy hiếp tinh thần” các cán bộ bảo vệ chính trị của trường.

Các công an khu vực bao vây kinh tế và cho đấu tố các bloggers là chỉ vì những bài viết trên mạng của họ “uy hiếp tinh thần” cả khu vực.

Các công an Hà Nội, SàiGòn và các tỉnh chặn bắt, đánh, giải tán dân oan là chỉ vì họ “uy hiếp tinh thần” các quan chức cướp trắng nhà đất của họ.

Các cán bộ an ninh lấy cả mật vụ Trung Quốc ra cảnh cáo các nhà dân chủ là chỉ vì những dự tính phản đối của họ chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa – Trường Sa đã “uy hiếp tinh thần” lực lượng công an cả hai nước.

Và hàng chục ngàn công an, bộ đội được điều về Sài Gòn để xua đuổi, đánh đập, và bắt giữ dân chúng trước, trong, và sau ngày rước đuốc là chỉ vì những người Việt này dám có ý định “uy hiếp tinh thần” Nhà Nước Bắc Kinh.

Nhưng chưa hết, còn một cách hiểu tội danh “uy hiếp tinh thần” nữa. Đó là nội dung các tài liệu giải thích với quảng đại quần chúng về phương cách đấu tranh bất bạo động để tháo gỡ độc tài đang “uy hiếp tinh thần” những kẻ cầm độc quyền trên đất nước hôm nay. Nếu đúng như vậy thì đây quả là một sự thú nhận vô cùng thành thật của lãnh đạo đảng CSVN.

Tóm tắt lại, nhìn từ góc nào thì việc ghán cho 3 nhà dân chủ tội danh “khủng bố tinh thần” đều là một sáng kiến dại dột của Bộ Công An. Vì tội danh đó nhắc cả thế giới hãy tập trung vào bộ mặt thật — bộ mặt độc tài và bạo hành rất tệ hại — mà chế độ đã bỏ ra rất nhiều công sức che đậy bao nhiêu lâu nay.


Thư lên tiếng của 4 dân biểu Hoa Kỳ

11/05/2008

Quốc hội Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ
Washington DC 20515

Ngày 9 tháng 5 năm 2008

Kính gửi:
Đại sứ Lê Công Phụng
Đại sứ quán Việt Nam
1233 20th Street, NW#400
Washington, DC 20036

Thưa Đại sứ Phụng,

Nhân dịp Ngày Nhân quyền Việt Nam, chúng tôi viết thư này để bày tỏ mối quan tâm sâu sắc tới việc Chính phủ Việt Nam đã bắt và giam giữ công dân Hoa kỳ Nguyễn Quốc Quân. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân bị bắt giữ ngày 17 tháng 11 năm 2008 cùng với những nhà vận động dân chủ ôn hòa khác là Somsak Khunmi và Nguyễn Thế Vũ chỉ vì đã phổ biến những tài liệu dân chủ.

Chúng tôi đã được Bộ Ngoại giao Hoa kỳ thông báo rằng ba nhà dân chủ này sẽ bị đưa ra tòa xử và căn cứ vào các báo cáo truyền thông thì họ sẽ bị cáo buộc tội “khủng bố”. Chiếu theo các công ước quốc tế về nhân quyền mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một thành viên ký ước, việc bày tỏ chính kiến là một quyền tự do cơ bản, chứ không phải là một hành vi khủng bố. Những vị này đáng lẽ ra không thể bị bắt chỉ vì quảng bá dân chủ qua những hình thức ôn hòa và bất bạo động. Việc họ tiếp tục bị cầm tù là một dấu hiệu hết sức đáng quan ngại về những cam kết nhân quyền của chính phủ ông.

Chúng tôi cũng hết sức lo lắng về việc vụ xử án này sẽ tạo nên một tiền lệ đối với những công dân Hoa kỳ gốc Việt về thăm Việt Nam, đặc biệt về những người Mỹ gốc Việt đã phải trải qua những sách nhiễu do nhà chức trách Việt Nam gây ra mấy năm gần đây. Từ năm 2006 đến nay Chính phủ Việt Nam đã bắt giữ sáu công dân Mỹ với những cáo buộc tội danh sai trái.

Chúng tôi mong muốn rằng cuộc xử án ngày 13 tháng 5 năm 2008 sẽ được tiến hành một cách công bằng và công khai, với sự hiện diện của bè bạn và họ hàng của những người bị cáo buộc, của giới ngoại giao và truyền thông ngoại quốc.

Chúng tôi tin chắc rằng theo những tiêu chuẩn quốc tế – và luật pháp Việt Nam – việc bày tỏ chính kiến ôn hòa không phải là một cái tội.

Chúng tôi mong chờ Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Nguyễn Thế Vũ và ông Somsak Khunmi sẽ được thả ngay để họ có thể đoàn tụ với gia đình.


Quan điểm của luật sư bào chữa cho các thành viên đảng Việt Tân

11/05/2008

Thanh Quang, phóng viên đài RFA
2008-05-08

Theo những nguồn tin trong và ngoài nước, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, đảng viên Đảng Việt Tân, và 2 cộng tác viên của đảng là các ông Somsak Khunmi và Nguyễn Thế Vũ, sẽ bị tòa án ở Saigòn xét xử vào ngày 13 tháng 5 sắp tới.

Trong số những luật sư biên hộ cho 3 bị can đó, luật sư Phạm Quốc Hưng sẽ bào chữa cho TS Nguyễn Quốc Quân. Thanh Quang tìm hiểu tình hình với LS Phạm Quốc Hưng từ Sài Gòn, và ông Lý Thái Hùng, Tổng bí thư Đảng Việt Tân, ở Hoa Kỳ. Trước hết LS Phạm Quốc Hưng xác nhận về phiên tòa:

Luật sư chuẩn bị quan diểm

Luật sư Phạm Quốc Hưng : Toà sẽ xét xử vào ngày 13 tháng 5 là đúng rồi. Thì để biết vụ án như thế nào có lẽ là anh có thể đến tham gia. Toà xét xử công khai mà.

Thanh Quang : Thưa Luật Sư, theo Đảng Việt Tân và những người hoạt động cho dân chủ thì các thành viên này bị bắt bị bắt vào Ngày 17 Tháng 11 năm ngoái, chỉ vì họ tranh đấu bất bạo động cho nền dân chủ Việt Nam đó.

Trong khi phiên toà chưa diễn ra thì mọi nhận định sợ rằng chủ quan, phiến diện, sợ nó không chính xác. Có thể nói những tổ chức nhân quyền kia nếu quan tâm thì họ có thể cử người tới, báo chí cử người tới dự phiên toà, sau đó thì mới nhận xét.

Luật sư Phạm Quốc Hưng : Đó là họ nói vậy. Mỗi người nói một cách. Bây giờ họ nói một đàng trong khi đó nhà nước Việt Nam thì nói một cách khác, thì cái việc này để toà xét xử coi như thế nào. Tôi nghĩ là để cho nó rõ ràng, khách quan thì các anh cứ đến trực tiếp các anh nghe. Tôi bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Quân, tại phiên toà thì mọi chuyện sẽ được trình bày cho rõ ràng. Các anh phải đến dự phiên toà thì mới rõ được. Tất nhiên là mỗi người có quan điểm riêng của mình. Bản thân anh Quân có những suy nghĩ riêng, rồi anh Vũ, v. v… Nhưng mà Viện Kiểm Sát truy tố về tội là khủng bố.

Thanh Quang : Như Luật Sư đã biết là có nhiều tổ chức nhân quyền thế giới, như Human Rights Watch ở Mỹ, rồi Sán Hội Nhân Quyền Rafto ở Na Uy, rồi Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới ở Pháp, v.v… , rồi chính giới ở Hoa Kỳ, Châu, Úc yêu cần Việt Nam trả tự do cho những người vừa nói đó, thưa Luật Sư, chỉ vì họ tranh đấu ôn hoà.

Luật sư Phạm Quốc Hưng : Chuyện đó thì tôi cũng không được biết. Tôi chỉ biết những người này bị (…) Thành ra cái chuyện này, ngay cả những tổ chức đó, theo tôi, thì cũng nên đến dự phiên toà xử xem sao. Bây giờ một số ý kiến cho là thế này thế kia, thì vấn đề là nên đến dự phiên toà để xem phiên toà này diễn biến thế nào, sau đó nhận định thì mới chính xác. Trong khi phiên toà chưa diễn ra thì mọi nhận định sợ rằng chủ quan, phiến diện, sợ nó không chính xác. Có thể nói những tổ chức nhân quyền kia nếu quan tâm thì họ có thể cử người tới, báo chí cử người tới dự phiên toà, sau đó thì mới nhận xét.

Thanh Quang : Thưa Luật Sư, có dư luận đề cập tới tình trạng 3 nghi can ấy có thể bị ép cung, bị công an dàn dựng cho mọi phát biểu thì tình trạng này có thể ra sao?

Luật sư Phạm Quốc Hưng : Không. Cái này theo tôi thì, tức là mấy bị can kia thì tôi không được biết, riêng anh Quân thì tôi đã gặp rồi. Anh có làm việc với tôi và anh rất là thoải mái, vui vẻ về cái chuyện này. Anh không có chuyện gì cảm thấy bị này kia gì cả. Tức là trong khi làm việc với tôi thì anh rất vui vẻ, thoải mái, khoẻ mạnh, tự nhiên, không có vấn đề gì. Anh gặp tôi, ăn mặc quần áo đàng hoàng, chỉnh tề như sắp đi dự hội nghị vậy. Vâng, mặc áo dài đóng thùng, tự nhiên, vui vẻ như là nói chuyện ngoài quán cà phê vậy.

Thanh Quang : Hiện có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng ngành tư pháp của Việt Nam chưa hoạt động độc lập, thường xuyên bị đảng và nhà nước chi phối cho nên có thể có những án quyết sắp tới dành cho 3 nhân vật này đã bị định đặt trước

Luật sư Phạm Quốc Hưng : Cái đó theo tôi thì lại một lần nữa nên đến phiên toà xem sao, xem diễn biến xem sao, rồi sau đó án như thế nào, nhận xét sau vậy. Các anh xem phiên toà diễn biến như thế nào. Viện Kiểm Sát tức là công tố buộc tội như thế nào. Luật sư bào chữa như thế nào. Bản án ra sao. Sau đó các anh nhận xét thì có lẽ nó sẽ chính xác hơn.

Thanh Quang : Cảm ơn Luật sư Phạm Quốc Hưng.

Đảng Việt Tân e ngại bản án đã định sẵn

Đài Á Châu Tự Do cũng đã liên lạc với ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư của Đảng Việt Tân để tìm hiểu về tình hình này:

Ông Lý Thái Hùng : Đúng là sau gần 6 tháng giam giữ thì Cộng Sản Việt Nam nay đang xúc tiến để mà đưa Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Somsak Khunmi và ông Nguyễn Thế Vũ ra toà. Và phiên toà sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ sáng 13-5-2008, tức là ngày Thứ Ba, tại địa điểm gọi là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tức là gần Chợ Bến Thành.

Toà án của CSVN kết án 3 người này về cái gọi là tội khủng bố. Chúng tôi nghĩ rằng là mình không cần chờ xem phiên toà diễn ra như thế nào, nhưng mà nhìn vào cái lối quy chụp về cái tội danh “khủng bố” của công an. Mình đặt ra nghi vấn về vấn đề cái giá trị của phiên tòa này, bởi vì trước khi luận tội hay là trước khi ra toà để trình bày về những sự kiện mà những người bị bắt đã làm gì, thì công an CSVN đã quy chụp thành cái tội rồi, thì mình thấy rằng là trước khi xét xử là đã có bản án rồi, thưa anh.

Điều này cho thấy rằng trong chế độ cộng sản Việt Nam những người bị bắt là đương nhiên có tội, mà ra toà thì họ buộc là phải nhận tội thì đó là một sự phi lý của các phiên toà CSVN đó, thưa anh.

Thanh Quang : Về các luật sư biện hộ, chẳng hạn như Luật sư Trần Vũ Hải bào chữa cho Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân và ông Somsak Khunmi, Luật sư Phạm Quốc Hưng biện họ cho Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, và Luật sư Nguyễn Đăng Trừng bào chữa cho ông Nguyễn Thế Vũ, thì liệu dư luận có an tâm với sự bào chữa đó hay không, nhất là khi 3 nhà dân chủ vừa nói bị cáo buộc là khủng bố?

Ông Lý Thái Hùng : Thưa anh, trong các phiên toà của CSVN luật sư biện hộ cho những người bị bắt không có chức năng là bào chữa mà thường là chỉ dựa vào những tội trạng quy chụp của công an để rồi tìm cách xin giảm án, nghĩa là luật sư trong chế độ cộng sản Việt Nam họ không có nhằm bào chữa trắng ánh cho thân chủ của mình mà chỉ là dựa vào sự quy chụp của công an để mong toà xử nhẹ tay.

Cho nên sự kiện một số những luật sư hiện nay coi như là nhằm bào chữa cho một số những người đảng viên Việt Tân hoặc là cộng tác viên của Đảng Việt Tân thì nó chỉ mang hình thức của một phiên toà chứ còn thực sự thì chúng tôi không nghĩ rằng những người luật sư này có thể bào chữa hoặc là thực hiện cái chức năng giống như những chức năng của những luật sư ở các phiên toà của những quốc gia tự do dân chủ. Chính vì lý do đó mà chúng tôi nghĩ rằng phía luật sư biện hộ cũng không làm được gì khi mà bản án của CSVN họ đã có sẵn trước khi họ đưa ra toà.

Thanh Quang : Theo như ông vừa nhận xét thì có lẽ là cái diễn biến sắp tới chũng chẳng có gì gọi là khả quan, tức là 3 nhà dân chủ đó không thật sự hưởng được công lý. Như vậy thì Đảng Việt Tân và những người hoạt động cho dân chủ nói chung có tiếp tục vận động ra sao cho 3 nhà dân chủ ấy?

Ông Lý Thái Hùng : Dạ vâng. Thưa anh, đương nhiên chúng tôi xem cái phiên toà của CSVN nó không phải là cái nơi để chúng tôi mong mỏi CSVN sẽ nhẹ tay hay là như thế này thế kia; chúng tôi nghĩ cái toà án đó cũng là nơi mà chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu để vạch trần tội ác của chế độ độc tài cộng sản, làm sáng tỏ ý nghĩa đấu tranh của chúng tôi là vì dân tộc, vì tự do.

Và chính vì lý do đó mà trong những ngày vừa qua, sau khi chúng tôi được biết CSVN đưa anh Quân, ông Somsak Khumni và ông Nguyễn Thế Vũ ra toà thì chúng tôi cũng đã thông báo sự kiện này cho chính giới ở các quốc gia cũng như dư luận thế giới để mà lên tiếng về cái phiên toà này. Và chúng tôi mong rằng qua phiên toà này để giúp cho mọi người nhìn thấy cái tính chất vô giá trị của nền pháp lý CSVN và cũng như đây là một cơ hội để chúng ta vận động tạo sự chú ý của dư luận để hỗ trợ cho những người đang đấu tranh ở Việt Nam.

Và thưa anh, trong việc vận động để tranh đấu cho những người của chúng tôi, chúng tôi không chỉ vận động để CSVN phải phóng thích vô điều kiện Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Somsak Khumni và ông Nguyễn Thế Vũ, mà chúng tôi còn vận động để tranh đấu làm sao cho CSVN phải chấm dứt tình trạng đàn áp cũng như bắt giữ những nhà dân chủ khác, như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Luật sư Lê Thị Công Nhân, và những nhà dân chủ khác, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng CSVN trong cái tình trạng đàn áp đối với người dân, những tiếng nói dân chủ hoặc là những nguyện vọng của người dân trong nước, thì những phiên toà mà họ kết án đó là nó không có giá trị.

Và chính vì lý do đó mà chúng ta bắt buộc phải tích cực tranh đấu để vận động áp lực của quốc tế mà đòi CSVN phải phóng thích hay là trả tự do cho tất cả mọi người Việt Nam mà hiện nay đang bị họ giam giữ đó.

Thanh Quang : Cảm ơn ông Lý Thái Hùng – Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam_Reform_party_members_head-to_trial_TQuang-05082008163519.html


Dân biểu Pháp Françoise Hostalier can thiệp cho ông Somsak Khunmi

11/05/2008

Ngay sau khi nhận được thông cáo báo chí của đảng Việt Tân cho biết là các ông Nguyễn Quốc Quân, Somsak Khunmi và Nguyễn Thế Vũ sẽ bị đưa ra tòa xét xử vào ngày 13 tháng 5, nữ dân biểu thuộc vùng Bắc Pháp Françoise Hostalier đã viết thư cho đại sứ Thái và Việt Nam tại Pháp để yêu cầu họ quan tâm đến phiên xử này, đặc biệt là trường hợp của ông Somsak Khunmi, cộng tác viên của bà Nguyễn Thị Thanh Vân tức ký giả Thanh Thảo, một công Pháp gốc Việt.

Bà Hostalier cho rằng sau khi xảy ra vụ bắt bớ một số đảng viên và cộng tác viêncủa đảng Việt Tân vào ngày 17/11/2007 vừa qua, với áp lực mạnh mẽ của thế giới, một số người đã được trả tự do thì điều này phải được áp dụng cho tất cả mọi người.

Bà Hostalier cũng viết thư cho ông Bernard Kouchner, Ngoại Trưởng Pháp, ca ngợi nỗ lực của Bộ Ngọai Giao Pháp và các cơ chế trực thuộc đã tích cực can thiệp buộc chính quyền CSVN trả tự do cho bà Thanh Vân. Bà yêu cầu ông Kouchner tiếp tục can thiệp để mọi người bị bắt cùng lúc với bà Thanh Vân được trả tự do và trở về đoàn tụ với gia đình.


Sau đây là lá thử của bà Hostalier :

Kính gửi ông Thana Duangratana
Đại Sứ Thái tại Pháp

Paris, ngày 9 tháng 5 năm 2008

Kính gửi ông Đại Sứ,

Tôi đã liên lạc với ông hồi tháng giêng để nhờ ông can thiệp đòi trả tự do cho một người đồng hương của ông là ông Somsak Khunmi bị bắt giam ở Việt Nam từ tháng 11 năm 2007.

Ông Somsak Khunmi là người phụ tá của bà Nguyễn Thị Thanh Vân và họ đã bị bắt cùng với năm người khác khi họ chuẩn bị làm phóng sự về dân oan khiếu kiện tại TP HCM.

Nhờ sự vận động mạnh mẽ trên toàn thế giới, 4 trong những người này đã được trả tự do, trong khi ông Somsak Khunmi và 2 người khác vẫn còn bị tiếp tục giam giữ.

Tôi được biết là họ sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 13 tháng 5 sắp tới.

Vì vậy, xin yêu cầu ông hãy can thiệp với chính quyền Việt Nam để ông Somsak Khunmi – người đồng hương của ông được trả tự do trong thời gian sớm nhất.

Xin trân trọng kính chào ông trong niềm tin tưởng rằng ông sẽ ủng hộ lời yêu cầu này

Françoise Hostalier
Cựu bộ trưởng
Dân biểu vùng Bắc Pháp
BP 97
59850 Nieppe – France


Dân biểu tiểu bang California Văn Trần và Dave Jones viết thư cho Nguyễn Tấn Dũng

11/05/2008

Ngày 8 tháng 5 năm 2008
Kính Gửi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng
c/o Sứ quán Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
1233 20th Street, NW
Suite 400
Washington, DC 20063

Thưa Thủ Tướng,

Hôm nay chúng tôi viết thay cho ba cá nhân, trong đó có một công dân Hoa Kỳ, lá thư này để chuyển đến Thủ Tướng. Ba cá nhân này là những người vận động cho nền dân chủ tại Việt Nam một cách ôn hoà, họ đã bị bắt cầm tù, và bây giờ ra tòa vào ngày 13 tháng 5 năm 2008.

Tên các cá nhân đó như sau:

• Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân: Công dân Hoa Kỳ
• Ông Nguyễn Thế Vũ: Công dân Việt Nam
• Ông Somsak Khunmi: Công dân Thái Lan

Những cá nhân này bị bắt giam 171 ngày mà không được xét xử. Theo như luật sư của tiến sĩ Quân thì thân chủ của ông ta sẽ bị kết tội vi phạm điều khoản 84 của Việt Nam, đó là “khủng bố và tuyên truyền chống lại chính phủ”. Tiến sĩ Quân và các người bị giam khác chỉ vận động một cách ôn hoà cho các sinh hoạt dân chủ và chỉ làm công việc quảng bá các tài liệu giới thiệu về dân chủ khi họ bị bắt.

Chúng tôi thỉnh cầu việc trả tự do lập tức cho Tiến sĩ Quân cùng các vị bị bắt khác để họ sớm đoàn tụ với gia đình và các ngươì thân yêu của họ. Các cá nhân này chỉ là những người vận động ôn hoà cho các sinh hoạt dân chủ nên không thể nào bị đối xử hay gán ghép cho là khủng bố. Chúng tôi kiên quyết nhận định rằng các căn bản về nhân quyền được mọi quốc gia công nhận đã bị vi phạm trầm trọng trong vụ này.

Bản Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền, mà Việt Nam là một quốc gia ký tên, đã bảo đảm quyền cho mọi cá nhân được tự do bầy tỏ mọi bất đồng chính kiến một cách ôn hào. Hiến pháp Việt Nam cũng cam kết tôn trọng và bảo vệ các quyền căn bản này. Sự đối xử dành cho tiến sĩ Quân và các người bị giam khác rõ ràng đã vi phạm những nguyên tắc và cam kết nêu trên.

Chính phủ Mỹ và nhiều nhân vật chính giới Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu việc trả lại tự do cho Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân nhưng những yêu cầu này cho tới nay vẫn không được tôn trọng. Vì vậy một lần nữa chúng tôi yêu cầu việc trả tự do lập tức cho Tiến sĩ Quân và các đồng sự của ông.

Xin cám ơn Thủ Tướng đã cứu xét giải quyết nội vụ, nhân viên văn phòng của chúng tôi là cô J’aime Rosales tại số điện thoại (916) 319 2068 của Văn Phòng Dân Biểu sẽ sẵn sàng cung cấp mọi chi tiết bổ túc nếu quý vị cần tới.

Kính thư,

Văn Trần						Dave Jones
Dân biểu địa hạt 68				Dân biểu địa hạt 9

Bản sao kính gửi: Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush


Dân Biểu Úc Châu Michael Keenan Lên Tiếng

10/05/2008

Ngày 9 tháng 5 năm 2008
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Số 2 Hoàng Văn Thụ
Hà Nội Việt Nam

Thưa Thủ Tướng

V/v Các ủng hộ viên của Đảng Việt Tân

Tôi nhận đuợc sự trình bầy của các lãnh đạo cộng đồng người Úc gốc Việt trong địa hạt bầu cử của tôi về tình trạng liên quan đến đảng viên Việt Tân, những người bị bắt khi sửa soạn phân phối truyền đơn đấu tranh cho dân chủ một cách bất bạo động.

Tôi biết là một vài người trong các người bị bắt giam đã được thả, nhưng tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân (công dân Hoa Kỳ), ông Somsak Khunmi (công dân Thái) và ông Nguyễn Thế Vũ (công dân Việt Nam) vẫn bị bắt giam và sẽ ra toà ngày 13 tháng 5 năm 2008.

Mục đích của lá thư này là trình bày để ông cho phép giới truyền thông quốc tế được tham dự buổi xử án để người Úc và thế giới được coi phiên toà, để các vị này có được một cuộc xử công bình. Đó là cái quyền của bất cứ công dân nào bất kể quốc gia nguyên thủy của họ.

Thưa thủ tướng, đây là cơ hội thực sự để chính phủ của ông chứng tỏ với thế giới là Việt Nam là một quốc gia giống như các nước hành sử theo lề lối công bằng, dân chủ và sẽ không khoan thứ những kẻ có đường lối bạo động.

Thay mặt mọi công dân Úc, bất kể quốc gia nguyên thủy của họ, tôi mong ông biểu lộ lòng trắc ẩn về vấn đề này và thu xếp nhanh chóng tha họ sau ngày xử. Tôi xác nhận là họ chỉ hoạt động theo đuổi dân chủ một cách ôn hoà.

Trân trọng
Michael Keenan MP


Phỏng Vấn Dân Biểu Zoe Lofgren

09/05/2008

Radio TNT: Tiếp nối chương trình, kính mời qúy thính gỉa theo dõi buổi hội thoại với nữ Dân Biểu liên bang Zoe Lofgren, đại diện cho khu vực San Jose, California – thành phố có đông cư dân VN đứng thứ nhì trên thế giới – ngoài Việt Nam, chỉ sau Westminister của nam California. San Jose cũng là thành phố lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Dân Biểu Lofgren, một chính giới kỳ cựu của Hoa Kỳ, đã luôn sát cánh cạnh cạnh dân tộc Việt Nam trong nỗ lực tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ.

Minh Thi: Kính chào bà Dân Biểu Lofgren, chúng tôi rất hân hạnh được tiếp chuyện cùng bà trong chương trình hội thoại hôm nay.

Dân Biểu (DB) Lofgren: Vâng, xin cám ơn bà, rất vui được tiếp chuyện với bà trong Ngày Nhân Quyền Việt Nam.

Minh Thi: Cám ơn bà đã hết lòng ủng hộ cho nhân quyền tại Việt Nam, và đặc biệt, bà đã tranh đấu cho tự do của những nhà đấu tranh dân chủ người Mỹ gốc Việt khi họ bị chính quyền Hà Nội cầm tù tại Việt Nam chỉ vì đã lên tiếng cổ võ cho dân chủ một cách ôn hòa. Cách đây hai năm, bà đã tranh đấu thành công cho ông Đỗ Thành Công, và hiện tại, một công dân Mỹ gốc Việt khác là tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, cư dân thuộc vùng Bắc California, đang bị giam giữ tại Việt Nam từ tháng 11 năm ngoái cũng vì đã tranh đấu cho mục tiêu cao cả tương tự, đó là tự do dân chủ cho Việt Nam. Xin bà chia xẻ cảm nghĩ về vụ bắt giữ này?

DB Lofgren: Tôi nghĩ rằng sự bắt giữ Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân là một điều vô cùng sai trái, không thể chấp nhận được. Ông chỉ cổ súy một cách ôn hòa cho mô hình dân chủ đa nguyên và nhân quyền tại Việt Nam. Rõ ràng là ông đã bị gán tội khủng bố, và đây là một điều lố bịch. Thật đáng phẫn nộ khi công dân Mỹ này đã bị giam giữ như vậy. Như quý vị cũng biết, chúng tôi đang có những nỗ lực tại Hạ Viện để đòi trả tự do cho ông. Chúng tôi đã đệ nạp Nghị Quyết 1084 để tranh đấu cho ông được trả tự do. Tôi là người đồng bảo trợ khởi thủy cho Nghị Quyết này. Chúng tôi đã viết thư đến Ngoại trưởng Rice để nói lên sự quan tâm của chúng tôi, và lá thư đó đã được tôi ký tên cùng Dân biểu Sanchez và Dân biểu Abercrombie. Chúng tôi cũng đã gửi thư đến Thủ tướng Việt Nam bày tỏ sự quan tâm về người công dân Mỹ này; lá thư do tôi ký cùng với một số các dân biểu của cả lưỡng đảng Dân Chủ và Cộng Hoà. Chúng tôi cũng đã gửi nhiều thư đến Tổng thống Hoa Kỳ, nhưng tôi phải nói rằng phản ứng của chính quyền chúng ta – chính quyền Hoa Kỳ – đáng lẽ phải mạnh hơn nữa. Tôi thất vọng là chính quyền Hoa Kỳ đã không nỗ lực hơn nữa để Tiến sĩ Quân được trả tự do, nhưng hiển nhiên kẻ sai phạm trong vụ này chính là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Một điểm mà cá nhân tôi – trong cương vị của một thuyết trình viên – đã nhấn mạnh trong buổi họp công nhận Ngày Nhân Quyền Việt Nam là khi ông Đỗ [Thành Công] được trả tự do, Hiệp Ước Thương Mại với Việt Nam chưa thực sự hoàn tất, và tôi nghĩ rằng ông Đỗ được thả ở thời điểm đó vì nhà cầm quyền cộng sản lo sợ rằng nếu họ bắt giam công dân Mỹ một cách sai trái họ sẽ không đạt được Hiệp Ước mà họ rất ao ước này. Bây giờ thì đương nhiên họ đã được cái Hiệp ước ấy rồi, cho nên họ không đáp ứng [về trường hợp Tiến sĩ Quân]

Tôi đã đệ nạp một Nghị Quyết rút lại Hiệp Ước Thương Mại với Việt Nam, đó là Nghị Quyết 506. Nghị quyết này được đồng bảo trợ bởi các dân biểu khởi thủy là Tom Davis, Loretta Sanchez, Chris Smith và Frank Wolf. Căn bản của bản Nghị Quyết này đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam nếu muốn làm đối tác thương mại với Hoa Kỳ thì phải trả tự do cho các tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo cũng như phải thay đổi cách hành xử, phải cải thiện nhanh chóng và mạnh mẽ vấn đề nhân quyền, và sau đó – chỉ có sau đó – mới có thể có Hiệp Ước mà họ mong muốn.

Minh Thi: Điều đề nghị đó thật tuyệt vời, bởi vì những chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thường cho đi củ cà rốt nhưng lại ít khi dùng đến cây gậy

DB Lofgren: Đúng vậy, chúng ta có củ cà rốt và đã cho đi rồi mà không nhận được lại gì cả. Đó là một sự sai lầm lớn, và tôi cũng đã nói với chính quyền Bush như vậy, dĩ nhiên họ đã không lắng nghe, và Bà cũng biết rồi – câu “Tôi đã nói mà…” không phải lúc nào cũng làm mình thoả mãn (cười); chúng ta cần phải thay đổi điều này

Minh Thi: Vâng, thay đổi bằng những đạo luật! Hiện nay Nghị Quyết 1048 đã đi đến đâu rồi, thưa bà?

DB Lofgren: Dự luật đã được đệ trình nhưng chưa được thi hành. Tôi không thể bảo đảm bản dự thảo có thể thành luật nhưng nếu chúng ta có thể vận động để có được nhiều dân biểu ủng hộ thì điều này sẽ chắc chắn tạo được quan tâm của giới cầm quyền Việt Nam. Vì vậy, việc mà các thính giả có thể hỗ trợ là thúc giục các vị dân biểu của mình bảo trợ cho dự luật. Chính quyền Cộng sản Việt Nam sẽ phải quan tâm khi họ trông thấy có thể bị thiệt hại.

Minh Thi: Vâng, chúng tôi hy vọng là cộng đồng người Việt sẽ đẩy mạnh nỗ lực tranh thủ các dân biểu đồng bảo trợ cho Nghị Quyết 1048. Theo tin tức loan tải thì TS NQQ và hai người bạn đấu tranh dân chủ của ông là ông Nguyễn Thế Vũ và ông Somsak Khunmi sẽ bị đưa ra tòa xét xử vào ngày 13 tháng 5 sắp tới đây, bà sẽ phản ứng ra sao nếu nhà cầm quyền CSVN xử tù những nhà hoạt động này dưới tội danh khủng bố?

DB Lofgren: Tôi hy vọng điều ấy không xẩy ra. Điều tôi trông đợi là: chúng ta đã tạo đủ thứ nhức nhối về chuyện này, do đó chính phủ Việt Nam sẽ thả họ sau khi đã kết tội -cho dù việc kết tội là không đúng, nhưng sẽ thả vì họ đã phải trải qua một thời gian bị giam cầm. Ít nhất điều này sẽ giúp họ được trở về với gia đình. Điều kết tội này tuy bất công nhưng ít ra cũng là một lối thoát, và chúng ta chào mừng quyết định trả tự do này. Nếu họ giải quyết cách khác, nếu một bản án tù nặng được giáng xuống những người này chỉ vì đã cổ võ dân chủ một cách ôn hoà, thì tôi nghĩ chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải trả đũa mạnh mẽ về ngoại giao và kinh tế.

Minh Thi: Thứ Sáu vừa qua, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đã đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách Các Quốc Gia cần quan tâm đặc biệt vì đã vi phạm tự do tôn giáo. Quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?

DB Lofgren: Tôi phản đối khi họ bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách Quốc Gia Đáng Quan Tâm. Tôi nghĩ là Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao làm vậy chỉ để mở đường cho vấn đề giao thương. Thực tế ra Hà Nội đã không cải tiến tình trạng tự do tôn giáo. Họ không xứng đáng được bỏ ra khỏi danh sách. Chính trị của chính quyền Bush cố gắng cho là họ có tiến bộ để tiến hành ngoại thương. Tôi đồng ý với Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế là CSVN nên bị bỏ lại vào danh sách CPC, đúng ra họ chưa bao giờ xứng đáng được bỏ ra khỏi danh sách này.

Minh Thi: Tôi còn nhớ Việt Nam được bỏ ra khỏi danh sách CPC ngay trước thềm hội nghị Thượng Đỉnh APEC khoảng 2 năm về trước mặc dù chưa cải thiện tự do tôn giáo, và quyết định này đã khiến cho những người có lương tâm thực sự thất vọng

Như bà cũng đã biết, dự luật Nhân Quyền cho VN đã được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua với số phiếu áp đảo và hiện đang chờ để được Thượng Viện HK thông qua. Hiện các diễn tiến gì đang xảy ra tại Thượng Viện và chúng ta phải làm gì để dự luật này được thông qua?

DB Lofgren: Tôi không biết, nhưng tin đồn rằng có hai thượng nghị sĩ đã tạo vấn đề cho dự luật này tại Thượng Viện, đó là TNS McCain và TNS Kerry. Tôi nghĩ điều này là sai trái. Bà cần hiểu là tôi không thể thực sự làm gì khác hơn vì đó là Thượng Viện. Tôi nghĩ TNS Kerry đã thay đổi và không còn là vấn đề vì đã có nhiều thảo luận với ông ta.

Minh Thi: Vâng, và như vậy thì từ phía cộng đồng người Việt, chúng tôi cần phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy các vị dân cử thực thi lẽ phải, đúng không thưa bà?

DB Lofgren: Tôi rất đồng ý

Minh Thi: Cám ơn bà rất nhiều về lòng quan tâm cũng như những nỗ lực đem lại công lý và nhân quyền cho VN. Kính chúc bà mọi điều tốt đẹp và cám ơn thì giờ qúy báu của bà.

DB Lofgren: Xin Cám ơn và tôi sẽ tiếp tục cuộc tranh đấu. Xin kính chào

Qúy thính gỉa vừa theo dõi buổi phỏng vấn nữ dân biểu liên bang Zoe Lofgren, một người luôn ủng hộ những nỗ lực đấu tranh cho nhân quyền của dân tộc VN. Qua lời chia xẻ của nữ dân biểu Zoe Lofgren thì chính những nỗ lực vận động của đồng bào chúng ta tại Hoa Kỳ sẽ giúp cho các dự luật nhân quyền Việt Nam được thông qua cũng như những nỗ lực để bảo vệ các nhà đấu tranh dân chủ và tạo áp lực lên chế độ CSVN, ngăn chặn những đàn áp của chế độ và giúp đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Âm thanh: Phỏng vấn dân biểu Zoe Lofgren


Dân Biểu Úc Châu Luke Simpkins Lên Tiếng

09/05/2008

Ngày 9 tháng Năm năm 2008

Ngài Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Số 2 Hoàng Văn Thụ
Hà Nội
Việt Nam
(Đại sứ quán Việt Nam tại Canberra)

Thưa Thủ tướng,

Tôi viết lá thư này đại diện cho những cử tri gốc Việt thuộc khu vực bầu cử Liên Bang Cowan. Những cử tri trong khu vực Cowan của tôi đang hết sức lo lắng về việc bắt giữ những người sau đây tại Việt Nam:

1) Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, công dân Hoa Kỳ (hiện đang còn bị giam giữ).
2) Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, công dân Pháp (đã được tự do ngày 12 tháng 12 năm 2007).
3) Ông Trương Leon (Văn Ba), công dân Hoa Kỳ (đã được tự do ngày 11 tháng 12 năm 2007).
4) Ông Somsak Khunmi, công dân Thái Lan (hiện đang còn bị giam giữ).
5) Ông Nguyễn Thế Vũ, công dân Việt Nam (hiện đang còn bị giam giữ).
6) Ông Nguyễn Viết Trung, công dân Việt Nam (đã được tự do ngày 4 tháng 4 năm 2008).

Tôi được biết rằng họ đã bị bắt giữ vào ngày 17 tháng 11 năm 2007 do tham gia vào việc thảo luận và in ấn các tài liệu quảng bá các giá trị dân chủ. Tôi cũng biết rằng Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Somsak Khunmi và ông Nguyễn Thế Vũ sẽ bị đưa ra tòa vào ngày 13 tháng 5 năm 2008.

Thay mặt cho các cử tri của tôi, tôi yêu cầu những vị này phải được xóa trắng án.

Trong trường hợp nếu Chính phủ Việt Nam vẫn thực hiện việc xử án, tôi đòi hỏi rằng việc xử án này phải được sự giám sát của truyền thông quốc tế.

Trân Trọng,

(Đã ký)
Luke Simpkins MP
Dân Biểu Liên Bang Úc Châu, khu vực Cowan


Dân biểu Ed Royce kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 14

09/05/2008

Washington DC. Hôm nay dân biểu Ed Royce, thành viên của Ủy Ban Á châu-Thái Bình Dương và Ủy Ban Môi Sinh Toàn Cầu, tham dự buổi kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 14. Ông đã có những lời phát biểu như sau:

Thật vui mừng được hiện diện trước quý vị. Dù vậy, tôi có mong mỏi rằng chúng ta có mặt hôm nay trong hoàn cảnh khác. Thay vì đón mừng những cải thiện nhân quyền cần có của Việt Nam, chúng ta phải tiếp tục tạo áp lực lên Hà Nội.

Thật đáng thất vọng, Hà Nội vẫn tiếp diễn sự đàn áp tự do tôn giáo và nhân quyền… y như họ đã làm hàng chục năm nay. Trong Ủy ban Ngoại giao của Quốc hội – mà tôi là một thành viên – chúng tôi đã có một số cuộc điều trần về những vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam. Tình trạng vẫn như vậy, và chúng tôi tiếp tục phải nghe những lời điều trần về vi phạm tự do tôn giáo, đàn áp đối kháng và vi phạm nhân quyền.

Tôi thấy cụ thể trường hợp một công dân Hoa Kỳ, một đảng viên đảng Việt Tân, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân là hết sức đáng quan ngại. Như chúng ta đã biết, Tiến sĩ Quân bị bắt giữ ngày 17 tháng 11, 2007 cùng với 5 nhà hoạt động dân chủ khác chỉ vì họ quảng bá các tài liệu kêu gọi dân chủ. Chỉ với việc làm ôn hòa này mà ông đã bị giam. Ngày hôm nay Tiến sĩ Quân vẫn đang bị tù mà không có tội danh nào và đang chờ ngày ra tòa. Chỉ với “tội” phân tán các tài liệu in giấy. Chính phủ Việt Nam sẽ có thể cáo buộc ông tội danh “khủng bố”. Tôi xin nhấn mạnh them một lần nữa rằng Tiến sĩ Quân đã không vào Việt Nam với súng đạn. Ông đã về với vũ khí tư tưởng mà thôi. Rõ ràng, chế độ độc đảng tại Việt Nam cho rằng việc này nguy hiểm như súng đạn vậy.

Thật dễ hiểu, vợ Tiến sĩ Quân, bà Hương Ngô, rất lo lắng cho sự an nguy của chồng bà. Trong một cuộc gặp gỡ gần đây, bà có chia sẻ những khó khăn của bà khi tìm cách thăm nuôi chồng. Lúc đầu bà được cấp hộ chiếu nhập cảnh từ phía Việt Nam, sau đó chính quyền Việt Nam biết được bà là ai và chiếu khán này đã nhanh chóng bị vô hiệu hóa. Ngày hôm kia, bà Ngô Mai Hương đã viết thư cho tôi bày tỏ mối ưu tư về phiên tòa xử chồng bà tới đây. Bà lo lắng là đúng.

Hệ thống pháp lý tại Việt Nam hoàn toàn nằm dưới sự điều khiển của chính quyền và các phán quyết tòa thường xuyên được định đoạt trước. Ai muốn biết về tình trạng hệ thống tòa án này, chỉ cần xem bức hình nổi tiếng Cha Lý bị công an bịt miệng tại tòa. Bức ảnh đó nói rõ tất cả. Chúng ta không thể để việc này tái diễn đối với Tiến sĩ Quân. Trước hết vì ông là một công dân Hoa Kỳ, nhưng quan trọng hơn nữa, ông là một nhà dân chủ ôn hòa đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Chúng ta không thể để Tiến sĩ Quân bị giam cầm khổ sở trong chốn lao tù tại Việt Nam. Chúng ta sẽ tiếp tục cất tiếng nói, không chỉ vì đó là chính nghĩa phải thực thi, mà còn vì chúng ta hiểu rằng sức ép chính trị có tác dụng.

Khi tôi gặp các vị Thích Quảng Độ và Lê Quang Liêm tại Sài Gòn, tôi đã ngay lập tức bị (chính phủ Việt Nam) bôi nhọ. Điều này chứng tỏ họ theo dõi những gì chúng ta nói – và điều đó có sự ảnh hưởng.

Tại Quốc hội, một điều hết sức quan trọng là chúng ta tiếp tục bày tỏ sự phản đối đối với những đàn áp nhân quyền của (chính phủ) Việt Nam, nhưng chúng ta còn có thể làm được nhiều hơn thế. Rất hệ trọng nếu Thượng viện thông qua Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam. Không may rằng hành động của một vài thành viên trong một số bộ phận khác đã làm ngưng trệ tiến trình này. Điều này là không thể chấp nhận được, và nếu Thượng viện thực sự coi trọng vấn đề này, thì cần phải hành động.

Một trong những điều khoản có ý nhĩa nhất của Dự luật này là tập trung áp lực xóa bỏ việc (chính quyền) Việt Nam phá sóng các đài phát thanh vào Việt Nam cũng như ngân khoản duy trì cho việc phát sóng. Với Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam, Đài Á Châu Tự Do sẽ có điều kiện tốt hơn để đem lại những thông tin trung thực tới người dân Việt Nam.

Một nhà đối kháng lâu năm, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, đã nói thật đúng mấy năm trước đây rằng: “Nhà nước cố gắng bám giữ lấy quyền lực bằng cách bưng bít người dân thông qua sự kiếm duyệt chặt chẽ và cung cách quản lý lỗi thời đối với lãnh vực thông tin và những gì người dân nhận được.” Việc chính quyền Việt Nam vẫn cố ngăn chặn Đài Á Châu Tự Do không chỉ cho tôi thấy rằng việc phát sóng của đài là có tác dụng hữu ích nhằm hoá giải sự tuyên truyền, một chiều của chính quyền (Việt Nam), mà còn biểu hiện rằng Hà Nội đang cảm nhận được sự gia tăng áp lực chính trị từ bên ngoài.

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn các quý vị đã không mệt mỏi đóng góp nhằm đem tới những thay đổi thực sự cho Việt Nam. Để kết thúc, tôi xin khẳng định rằng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể tại Quốc hội để giúp đỡ người dân Việt Nam.

Xin cảm ơn.