Một nhà kinh tế Mỹ lạc quan

04/01/2010

Vào dịp cuối năm, mọi người vẫn hay dự đoán về tương lai năm sắp tới. Năm 2010 kinh tế Mỹ sẽ ra sao? Giáo Sư Alan S. Blinder, thuộc Ðại Học Princeton, mới đưa ra một viễn tượng rất lạc quan, người nghi ngờ sẽ coi là quá lạc quan. Ông Blinder, đã từng làm phó chủ tịch Federal Reserve, tức ngân hàng trung ương Mỹ, thuộc loại “nhà kinh tế một bàn tay.”

Theo ông tính toán thì kinh tế Mỹ sang năm sẽ rất khá, ông đã thấy toàn dấu hiệu tốt lành!

Trong một bài viết tuần trước, Giáo Sư Blinder phân tích thấy cuộc khủng hoảng tín dụng đang dần dần nguôi và hệ thống ngân hàng sắp hoạt động bình thường trở lại. Ông đoán chỉ trong mấy tháng nữa thôi các xí nghiệp sẽ bắt đầu tuyển thêm người, tạo thêm công việc làm mới.

Đọc tiếp »


Muốn chống tham nhũng Tư pháp phải độc lập

21/12/2009

Ngày Thứ Tư, một tòa án ở Nam Hàn đã ra lệnh bắt giam cựu Thủ Tướng Han Myeong-Sook để truy tố về tội nhận hối lộ 50,000 đô la Mỹ vào năm 2007. Bà Han Myeong-Sook (Hàn Minh Thụ, đọc theo âm Hán Việt), bị tố cáo đã nhận số tiền trên để giúp đưa một người lên làm chủ tịch Công ty Ðiện lực Hàn Quốc. Bà là người phụ nữ đầu tiên làm thủ tướng Hàn Quốc, dưới thời cố Tổng Thống Roh Moo Huyn (Lư Vũ Huyền).

Tổng Thống Lư Vũ Huyền đã đắc cử năm 2003 nhờ đưa mục tiêu chống tham nhũng lên hàng đầu, và ông đã thực hiện những cải tổ nhằm giúp các cơ quan điều tra về hối lộ hoạt động có hiệu quả hơn. Chính vị cựu tổng thống này là đã tự tử vào Tháng Năm vừa qua để chứng tỏ mình trong sạch; sau khi ông được mời hỏi cung về một vụ tham nhũng nhỏ khác liên can tới gia đình của ông. Ông Lư Vũ Huyền công nhận bà vợ ông có nhận một triệu đô la từ một nhà kinh doanh sản xuất giầy, nhưng bà coi đó là một món tiền vay nợ chứ không phải tiền cho không. Ông chọn cái chết để đánh thức dư luận dân Nam Hàn về một tệ nạn chính trị ở xứ ông, là mỗi chính phủ mới lên lại bới móc để tố cáo các quan chức chính quyền cũ về tội tham nhũng. Sau khi ông qua đời, người Ðại Hàn đã khắp nước đã nhiệt liệt bày tỏ lòng kính trọng đối với ông. Nhưng điều đó cũng không ngăn cản được việc chính quyền mới điều tra và chuẩn bị truy tố bà Hàn Minh Thụ. Hiện nay bà đang làm cố vấn cho Ðảng Dân Chủ đối lập với vị tổng thống đương nhiệm, và bà tố cáo việc truy tố bà là một âm mưu bôi nhọ vì chính trị đảng phái.

Ðây là chuyện chính trị bên Hàn Quốc mà chúng ta không biết rõ nội tình để phê phán. Ðiều đáng chú ý đối với người Việt Nam là bộ máy chống tham nhũng ở Ðại Hàn Dân Quốc có hoạt động thật. Những người chống tham nhũng ở đó có thể đã lạm dụng quyền điều tra và truy tố vào mục tiêu chính trị phe đảng. Nhưng nhờ thể chế tự do dân chủ thật sự cho nên không đảng phái nào có thể nắm quyền mãi mãi để che giấu các vụ tham nhũng của phe đảng mình. Mỗi vụ tố cáo tham nhũng đều được điều tra và quyết định sau cùng là của tòa án. Trong ba lần bầu cử trong mười năm vừa qua, ba vị tổng thống đắc cử thuộc các đảng chính trị khác nhau, nhưng hệ thống tư pháp vẫn độc lập với những người nắm quyền hành pháp và lập pháp. Tuy thói quen bới móc những chính quyền tiền nhiệm để bêu xấu về chính trị là điều đáng trách, nhưng chính nhờ “thói xấu” đó mà những người đang cầm quyền sẽ phải lo bảo vệ thanh danh nhiều hơn, không những không được nhận hối lộ mà còn phải tránh đừng để bị hiểu lầm là mình tham nhũng. Việc truy tố một vị cựu thủ tướng về một mối nghi ngờ nhận 50,000 đô la cho thấy dù số tiền hối lộ nhỏ tới đâu pháp luật cũng không thể bỏ qua.

Số tiền hối lộ mà bà Hàn Minh Thụ bị tố cáo, chỉ có 50 ngàn đô la, thật là nhỏ trong đời sống kinh tế Nam Hàn, nơi mà lợi tức bình quân là 18,000 đô la một năm. So với số tiền mà một công ty Nhật Bản đã đưa cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ, một viên chức ở Sài Gòn lên tới hơn hai triệu thì bà Hàn Minh Thụ “ăn quá ít.” Mà ở Việt Nam, lợi tức bình quân của người dân chỉ có 1,100 đô la một năm. Nhưng khi guồng máy công lý ở một nước dân chủ tự do chạy, thì số tiền nhỏ hay lớn không quan trọng, quan chức ăn bẩn một đồng cũng bị gọi là tên ăn cắp! Ở Mỹ, báo chí đang “bới móc” việc các nghĩ sĩ đã dùng công quỹ khi đi ra nước ngoài, trong đó ngoài công vụ còn có mục đích du lịch. Những vụ “lạm dụng” này, nếu có thật, cũng chỉ đáng dưới 10,000 đô la! Trong một nước tự do dân chủ báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các hành động lạm quyền, không khác gì các cơ quan tư pháp độc lập.

Ngày hôm qua, một tin sôi nổi hơn là phán quyết của Tòa án Tối cao Pakistan khiến đương kim Tổng Thống Asif Ali Zardari không còn được miễn chấp về những tội hối lộ mà ông từng bị truy tố rồi đã được vị tổng thống trước tạm xóa bỏ trước đây hai năm. Năm 2007, dưới áp lực của Hoa Kỳ và Anh Quốc, cựu Tổng Thống Pervez Musharraf đã ký một nghị định “ân xá” khoảng 8 ngàn chính trị gia và công chức trong những vụ truy tố về hối lộ, tham nhũng, mang tên là quyết định hòa giải dân tộc. Mục đích của quyết định này là mở đường cho nhiều chính trị gia đối lập đang lưu vong được trở về nước. Ông Zardari đã từng ở tù 11 năm trong lúc bị truy tố mà chưa đem xử; ông và vợ là bà Benazir Bhutto đã được hồi hương để tham dự vào sinh hoạt chính trị. Bà Bhutto đã từng làm thủ tướng Pakistan hai lần, họ phải sống lưu vong vì hai vợ chồng đã bị truy tố nhận hối lộ hàng tỷ đô la, nếu về nước sẽ bị bắt. Sau khi về nước được hai tháng nhờ quyết định ân xá trên, trong lúc đang đi vận động chính trị bà Bhutto đã bị ám sát.

Năm 2008 ông Zardari đắc cử, trở thành tổng thống Pakistan sau khi Tướng Musharraf từ chức. Tuy nhiên, ngay lúc đó phe đối lập đã nộp đơn khiếu kiện tính chất hợp pháp của quyết định ân xá ông Zardari và bà Bhutto. Chính phủ Mỹ trước đây đã hết sức ủng hộ Tướng Musharraf nhưng sau vẫn ủng hộ ông Zardari, vì ông được Quốc Hội bầu lên theo thể thức dân chủ. Hơn nữa, ông Zardari được coi là ủng hộ chính sách chống khủng bố của chính phủ Mỹ khi quân đội Pakistan mở các cuộc tiễu trừ nhóm Taliban ở vùng Bắc xứ này. Ngày hôm qua, Ðô Ðốc Michael Mullen, tham mưu trưởng quân đội Mỹ đang thăm viếng Pakistan để bàn việc gia tăng phối hợp quân sự để chống phe Taliban là tàn quân al Qaeda đang lập chiến khu trong vùng biên giới Pakistan với Afghanistan. Nhưng hôm Thứ Tư, Chánh thẩm Tòa án Tối Cao, ông Iftikhar Mohammed Chaudhry, cùng tất cả 17 vị Thẩm phán tối cao đã kết luận rằng quyết định năm 2007 của cựu Tổng Thống Musharraf là bất hợp pháp, trở thành vô hiệu ngay lập tức. Tổng Thống Zardari, cùng với nhiều nhà chính trị khác, trong đó có hai vị bộ trưởng Quốc Phòng và Nội Vụ có thể sẽ bị truy tố trở lại về những vụ tham nhũng mà họ bị tố cáo trước khi có quyết định ân xá. Ông Zardari, 54 tuổi, tuyên bố ngay rằng ông tôn trọng quyết định của tòa án. Tuy nhiên theo Hiến Pháp thì trong khi còn đang giữ chức tổng thống ông có thể được miễn ra tòa về những vụ truy tố như vậy.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Pakistan được giới luật gia nước này xuống đường hoan nghênh vì tinh thần thượng tôn pháp luật, mặc dù sẽ khiến cho bàn cờ chính trị xứ này thêm rắc rối và chính phủ Mỹ lo ngại việc chống khủng bố sẽ bị sao lãng trong khi ông tổng thống bận lo các vấn đề pháp lý của riêng mình. Tuy nhiên, ông tổng thống đã nhường rất nhiều quyền quyết định cho ông thủ tướng; và chính sách chống khủng bố của Mỹ tùy thuộc vào bộ máy quân sự nhiều hơn là các nhà chính trị.

Chánh Án Tối Cao Iftikhar Mohammed Chaudhry là nhân vật tượng trưng cho cuộc tranh đấu giữ quyền tư pháp độc lập ở Pakistan từ nhiều năm qua. Tuy được cựu Tổng Thống Musharraf bổ nhiệm vào chức vụ này, nhưng ngay từ đầu ông Chaudhry đã tỏ ra có tinh thần độc lập, pháp bất vị thân. Nhiều phán quyết của ông đi ngược lại với quyền lợi của chính quyền quân phiệt nên ông được giới luật gia ngưỡng mộ. Khi Tướng Musharraf cảm thấy Tòa án của Chánh Án Chaudhry có thể sẽ theo đúng hiến pháp phán quyết không cho phép ông ứng cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa, Tướng Musharraf đã cách chức ông chánh án. Vụ này gây phẫn nộ trong dân chúng, các luật sư và thẩm phán trẻ đã xuống đường biểu tình phản đối, họ coi ông Chaudhry là một thần tượng. Những cuộc biểu tình này đã làm 49 người thiệt mạng vì xô xát. Sau đó, Tòa án Tối cao đã họp xử và tuyên bố việc cách chức của ông Musharraf là bất hợp pháp. Ông tướng này đã phải nhượng bộ, tuyên bố sẽ tôn trọng quyết định của tòa án tối cao. Từ khi trở lại chức vụ, ông Chaudhry vẫn giữ óc độc lập, trọng pháp, vượt lên trên chính trị đảng phái, ông trở thành một biểu tượng của tinh thần tự do dân chủ ở Pakistan.

Chúng ta không biết chắc chính trị xứ Pakistan sẽ biến chuyển ra sao trong những ngày sắp tới; nhưng điều đáng chú ý là quốc gia này đang được thúc đẩy để tiến hành công cuộc dân chủ hóa. Lực lượng làm công việc thúc đẩy này bắt đầu từ trong ngành tư pháp, mà đa số là các luật sư.

Biến cố ở Pakistan cũng giống như ở Nam Hàn, cả hai đều dính đến những tội về tham nhũng, hối lộ. Ông Zardari và bà Bhutto đã từng bị tố cáo là tích lũy tài sản 1.5 tỷ Mỹ kim, tuy nhiên chính phủ Pakistan chỉ biết họ có 60 triệu Mỹ kim trong trương mục ở các ngân hàng Thụy sĩ. Tại Thụy Sĩ, một tòa án đã phạt hai ông bà mỗi người 50,000 mỹ kim vì tội rửa tiền, liên can đến số hoa hồng mà hai công ty Thụy sĩ đã trả cho họ. Tòa án Thụy sĩ cũng bắt họ phải hoàn lại 12 triệu cho chính phủ Pakistan mà họ đã nhận từ các công ty này. Quyết định ân xá của ông Musharraf năm 2007 đã tha cho ông Zardari và bà Bhutto về món nợ đó. Nhưng nay, Tòa Án Tối Cao Pakistan cho phép mở lại những hồ sơ tương tự, liên hệ đến hàng ngàn nhà chính trị khác, nhiều người đang nắm quyền! Ðây là một thắng lợi của tinh thần dân chủ, và của công tác chống tham nhũng!

Muốn chống tham nhũng cần phải có một hệ thống tư pháp độc lập. Phải có những cơ quan truyền thông tự do. Việt Nam hiện nay đang thiếu cả hai điều kiện đó. Khi một đảng độc quyền cai trị thì không thể nào chống tham nhũng có hiệu quả được.

Ngô Nhân Dụng


Chính trị cũng là kinh tế

07/12/2009

Các chế độ chuyên quyền độc đoán thường dựng lên một ảo tưởng, là chính quyền độc tài giữ cho xã hội được ổn định, do đó kinh tế phát triển nhanh hơn.

Nhiều người đã nêu ra các chứng cớ và lý luận bác bỏ suy nghĩ sai lầm đó. Muốn so sánh hệ quả kinh tế của độc tài và dân chủ thì chỉ cần so sánh Nam Hàn với Bắc Hàn. Hoặc Ðông Âu với Tây Âu trong 40 năm sau Ðại Chiến Thứ Nhất. Ngay trong số các nước Tây Âu, kinh tế các nước Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha cũng chậm phát triển nhất, vì bị các chính quyền độc tài ngự trị suốt mấy chục năm. Hai nước đó thua cả nước Ý dân chủ, mà nước Ý thì đảng phái phân liệt, chính phủ thay đổi liên miên, lộn xộn nhất trong số các nước dân chủ.

Có thể thấy rõ là chính thể dân chủ tự do tạo nhiều cơ hội cho kinh tế phát triển, hơn hẳn các chế độ độc tài. Khi được tự do hơn, người lao động lập công đoàn tranh đấu cho quyền lợi của họ, họ sẽ làm việc hăng hái hơn. Ðược tự do, nhà kinh doanh dám chấp nhận đầu tư vào những dự án mới nhiều rủi ro, vì biết nếu thành công sẽ được hưởng các thành quả. Chính trị quyết định kinh tế, điều này đã hiển nhiên khi cả khối Liên Xô sụp đổ, chỉ vì chính trị độc tài nên kinh tế thất bại.

Tuy vậy, vẫn có người nêu lên trường hợp hai nước Ấn Ðộ và Trung Hoa để kết luận rằng Trung Quốc hiện nay tiến nhanh hơn về kinh tế là nhờ họ theo chế độ độc tài, còn Ấn Ðộ vì dân chủ nên vẫn chưa đuổi kịp. Nếu không nghiên cứu kỹ thì nhiều người sẽ mắc bẫy mà tin theo lối suy nghĩ sai lầm này. Hai nước Ấn Ðộ và Trung Quốc có lịch sử khác hẳn nhau, điều kiện văn hóa, xã hội, chủng tộc khác hẳn nhau từ gốc rễ, không thể đem so sánh được. Nếu muốn nhìn thấy ảnh hưởng của chính trị trên kinh tế, hãy so sánh Trung Quốc với Ðài Loan, Ấn Ðộ với Pakistan.

Giáo Sư Hoàng Á Sinh năm ngoái mới xuất bản cuốn “Kinh tế tư bản với đặc tính Trung Hoa, Capitalism with Chinese characteristics” và đang soạn một cuốn sách khác so sánh kinh tế Trung Quốc với Ấn Ðộ. Ông là người Trung Quốc, chỉ sang Mỹ sau khi đã tốt nghiệp đại học, cho nên hiểu biết về nước Trung Hoa sâu xa hơn nhiều nhà nghiên cứu ngoại quốc.

Hoàng Á Sinh nêu lên một nhận xét mà hầu hết các người nghiên cứu về kinh tế thường không nhìn thấy, mà các du khách cũng như các nhà báo cũng không thể thấy. Kinh tế hai nước Trung Quốc và Ấn Ðộ đều có lúc lên lúc xuống, nhưng Hoàng Á Sinh nhận ra là những lúc thành công và những khi thất bại của cả hai nước đều do những nguyên nhân tương tự. Ông nói rõ hơn: “Kinh tế hai nước đều khá hơn khi chế độ chính trị ở các nước này được tự do hơn. Ngược lại, kinh tế của họ bị trì trệ khi chính trị độc tài hơn.” Ðây là một nhận xét đáng tìm hiểu, để xóa đi những ảo tưởng và ngụy biện.

Ấn Ðộ mới trở thành một quốc gia năm 1947 (khác với Trung Quốc đã lập quốc từ 2000 năm trước). Từ khi mới độc lập, Ấn Ðộ đã chọn theo đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa mặc dù chính thể là dân chủ. Nhưng tình trạng kinh tế nước này đã trở nên trì trệ hơn vào thời gian chính quyền Ấn Ðộ quay sang lối chính trị độc tài; mà hậu quả còn di hại cho tới ngày nay. Và từ khi chính phủ nước này trở lại với cung cách dân chủ, nhờ mấy lần thay đổi đảng cầm quyền, thì kinh tế mới bắt đầu khá.

Bà Indira Gandhi và đảng Quốc Ðại nắm quyền trong hầu hết thời gian từ 1966 đến 1984. Bà không những áp dụng chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa theo lối Liên Xô bằng cách quốc hữu hóa các ngân hàng và nhiều xí nghiệp lớn, mà bà còn tìm cách cai trị dân theo lối một nhà độc tài, mặc dù vẫn còn Hiến Pháp. Trong Hiến Pháp Ấn Ðộ có điều 356 cho phép gia tăng quyền hành của chính phủ liên bang và lấn quyền các tiểu bang. Trong 10 năm từ 1966 đến 1976, Indira Gandhi đã sử dụng điều khoản đó tổng cộng 36 lần! Từ 1980 đến 1984 bà Indira Gandhi lại sử dụng quyền khẩn trương này thêm 13 lần nữa, tính ra mỗi năm 3 lần! Trước đó, từ 1950 đến 1965 các chính phủ Ấn Ðộ chỉ dùng điều này có 9 lần, khi phải đối phó với những vụ bạo động vì tôn giáo, chủng tộc hay ngôn ngữ – mà ở quốc gia tân lập này đó là một vấn đề thường xuyên xảy ra.

Một chính quyền kiểu Indira Gandhi không thể gọi là dân chủ. Bà Gandhi còn gây tai hại cho cơ cấu đảng Quốc Ðại mà thân phụ bà để lại. Bà không kính trọng hệ thống tổ chức trong đảng, dựng lên một mạng lưới chia chác quyền lợi cho đám đàn em trung thành với bà. Hậu quả là các tay chân của bà, và tay chân của bọn tay chân đó, khi cầm quyền không ai cảm thấy họ chịu trách nhiệm với các đảng viên Quốc Ðại cũng như với các cử tri.

Khi một guồng máy chính quyền không cảm thấy chịu trách nhiệm với cử tri mà chỉ lo được lòng cấp trên, thì họ không lo tính đến những kế hoạch kinh tế ích quốc lợi dân lâu dài nữa. Vì vậy, trong những năm bà Gandhi cai trị, kinh tế Ấn Ðộ đã xuống dốc. Ðiều đáng khen bà Indira Gandhi là bà vẫn kính trọng bản Hiếp Pháp, có lẽ vì đã nhiễm quen nếp sống tôn trọng luật pháp trong nền nếp giáo dục Anh Quốc, nhờ thế thể chế dân chủ nước Ấn Ðộ vẫn tồn tại. Khi đảng Quốc Ðại bị cử tri bất tín nhiệm bà đã lẳng lặng trở về đời sống thường dân để đợi thời, và chấp nhận bị đưa ra tòa.

Nhưng ảnh hưởng tai hại của thời kỳ Indira Gandhi độc tài còn lưu họa đến ngày nay: Khi các nhà chính trị không còn chịu sự kiểm soát của cử tri bỏ phiếu, mà chỉ tùy thuộc vào guồng máy tay chân do bà Gandhi cầm đầu, thì họ không chăm lo các nhu cầu thiết yếu cho việc phát triển kinh tế. Hai lãnh vực bị bỏ quên trong thời gian đó là giáo dục và y tế, đến nay nước Ấn Ðộ còn đang cố gắng chạy nhanh hơn sau những năm thụt lùi. Chính trị sai lầm không những làm kinh tế chậm phát triển mà còn để lại những hậu quả tai hại lâu đời khiến đời sau phải mất công sửa chữa. Mà các chế độ độc tài chính là những chế độ lơ là với giáo dục và y tế.

Sau khi “triều đại Gandhi” bị gạt bỏ, chính phủ mới đã bắt đầu cải tổ theo kinh tế thị trường. Sau đó, khi đảng Quốc Ðại được tái cử họ vẫn theo chính sách đổi mới đó, vì giấc mộng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô cũng đã tan vỡ. Nhưng điều quan trọng hơn là không khí chính trị đã cởi mở và dân chủ hơn. Người cầm quyền, dù thuộc đảng Quốc Ðại hay đảng khác, đều biết lo đến tương lai. Các chính phủ mới đã đầu tư vào giáo dục và y tế, nhất là ở nông thôn, vì biết đó là chìa khóa mở cửa tương lai. Năm 2007, trong khi kinh tế dự phóng sẽ tăng 9%, chính phủ thuộc đảng Quốc Ðại đã tăng ngân sách giáo dục thêm 34% và ngân sách y tế tăng 22%. Trong khung cảnh đó, kinh tế Ấn Ðộ mới bắt đầu cất cánh. Giáo Sư Hoàng Á Sinh quan sát quá trình đổi mới ở Trung Quốc, ông thấy có hai giai đoạn khác nhau, chứng tỏ chính trị cởi mở giúp kinh tế hưng thịnh. Thập niên 1980 là giai đoạn Trung Quốc phát triển sâu và rộng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nâng mức sống của hàng trăm triệu người lên cao. Nhiều người phân tích giai đoạn này thường chỉ chú trọng đến chính sách nông nghiệp tự do, nhưng Hoàng Á Sinh còn khám phá ra một lãnh vực sản xuất công nghiệp mà các nhà kinh tế phương Tây không thấy. Số sản xuất ở Trung Quốc trong thập niên 1980 lên cao là nhờ hệ thống những xí nghiệp tư nhân ở khắp các vùng nông thôn, khi người dân được tự do hơn. Những xí nghiệp hương thôn này thường được các nhà kinh tế ngoại quốc coi là quốc doanh, nhưng ông Hoàng Á Sinh nghiên cứu tận gốc nên thấy rõ đại đa số là của tư nhân, chính lớp doanh nhân nông thôn này vực nền kinh tế cả nước dậy.

Hoàng Á Sinh khẳng định lý do chính của sự phát triển trong thời gian này là nhờ những thay đổi trong không khí chính trị. Chính trị tự do hơn giúp kinh tế mạnh hơn. Ðặng Tiểu Bình lên, sau khi đã bị Mao Trạch Ðông đầy đọa mấy lần, dân Trung Hoa nhìn thấy ông như một người dám đoạn tuyệt với các tư tưởng và chủ trương của Mao. Người dân Trung Hoa cảm thấy được cởi trói, họ chấp nhận đổi mới cơ cấu, làm việc hăng hái và dám thí nghiệm những lối làm việc mới. Giáo Sư Bùi Mẫn Hân, một người Trung Quốc khác, cũng nhận xét rằng hầu hết các thay đổi chính trị quan trọng ở Trung Quốc đã diễn ra trong thập niên 1980. Thí dụ quyết định buộc các nhân viên nhà nước và Quốc Hội đến hạn tuổi phải về hưu, cải tổ hệ thống tư pháp, gia tăng quyền lực cho Quốc Hội, thí nghiệm cho dân bàu trực tiếp chính quyền hương thôn, đều được đưa ra trong giai đoạn này, tạo nên một không khí phấn khởi. Cùng lúc đó, nông dân được vay vốn dễ dàng hơn, do đó những xí nghiệp hương thôn mở ra khắp nơi giảm bớt nạn khiếm dụng, 10 triệu trong số 12 triệu xí nghiệp đó hoàn toàn do tư nhân làm chủ, sản năng của họ cao gấp bội các doanh nghiệp nhà nuớc.

Ðiều khiến hai nhà nghiên cứu người Trung Quốc là Hoàng Á Sinh và Bùi Mẫn Hân lo ngại nhất là từ thập niên 1990, đầu tư vào giáo dục và y tế ở Trung Quốc không tăng mà còn giảm. “Trong khi Thượng Hải xây thêm 3,000 nhà chọc trời thì trong dân chúng Trung Hoa tăng thêm 30 triệu người mù chữ!” Người tiêu thụ trước kia được hưởng gần 50% tổng sản lượng nội địa thì hiện nay chỉ được hưởng 33%, chỗ sai biệt đưa vào túi các cán bộ điều khiển các công ty.

Nước giầu hơn, nhưng dân nghèo đi, người nghèo kém xa người giầu hơn trước. Chỉ vì chế độ vẫn là độc tài đảng trị. Chính trị chắc chắn ảnh hưởng đến phần chia chiếc bánh kinh tế của tầng lớp dân nghèo!

Ngô Nhân Dụng


Sinh vì kinh tế, diệt cũng vì kinh tế

09/11/2009

Chủ nghĩa Cộng Sản ra đời từ những phân tích về kinh tế tư bản của Karl Marx. Sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Âu Châu xóa tan giấc mộng hão huyền do Marx gợi ra và được Lenin cùng Stalin xây dựng, cũng bắt nguồn từ lý do kinh tế. Khi các người theo chủ nghĩa cộng sản chỉ tìm cách thủ tiêu lẫn nhau thì chủ nghĩa đó vẫn còn sinh khí. Khi các đồng chí quay ra hối lộ, mua chuộc nhau bằng tiền mặt, thì tòa lâu đài trên cát đã sụp ngay từ nền tảng.

Cuộc chạy đua giữa hai khối tư bản và cộng sản chấm dứt vào năm 1989 không phải vì các tư tưởng tự do đã chinh phục được mọi người và thắng ý thức hệ Mác xít. Cũng không phải vì hệ thống chính trị dân chủ đã đánh bại hệ thống độc tài đảng trị. Thế thắng bại sau cùng được quyết định trong cuộc chạy đua giữa hai lối tổ chức kinh tế khác nhau. Cuối cùng thì mô hình tổ chức xã hội từ trên xuống dưới kiểm soát toàn dân đủ mọi mặt, với nền kinh tế hoạch định tập trung, đã chịu thua cách tổ chức xã hội theo lối tự do dân chủ với quyền lực phân phối tản mạn, cân bằng và kiểm soát lẫn nhau, và nền kinh tế thị trường năng động. Ðặc tính quan trọng nhất là trong thế giới gọi là tự do, hoặc gọi là tư bản, quyền quyết định sau cùng là từ dưới lên trên. Hàng triệu người tiêu thụ, hàng triệu các cử tri vô danh có khả năng ảnh hưởng trên những người nắm quyền cao nhất trong các xí nghiệp và các guồng máy nhà nước. Họ được bảo đảm có khả năng và cơ hội sự dụng quyền gây ảnh hưởng này, trong việc mua bán và hành động bỏ phiếu. Có người gọi mô thức đó là “xã hội mở” (open society). Có người gọi đó là một hệ thống bảo đảm sự “tham dự đồng đều” (equal access). Chính nhờ tính chất cởi mở và mọi người tương đối có cơ hội bằng nhau đó cho nên kinh tế ở các nước tư bản đã phát triển, trong khi các nước cộng sản thì trì trệ. Nếu hệ thống kinh tế chỉ huy và tập quyền có khả năng phát triển lâu dài thì chắc chế độ độc tài đảng trị vẫn còn tồn tại rất lâu. Nikita Kruschev tin vào khả năng đó khi ông đe dọa năm 1961 rằng, “Chúng tôi sẽ chôn vùi các anh!” Khi Liên Xô đưa tiền nuôi các đảng cộng sản đang thành hình, vũ trang các phong trào giải phóng khắp thế giới, viện trợ cho các nước chư hầu, và khi họ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên, tất cả đều là cảnh phô trương sức mạnh kinh tế của hệ thống cộng sản. Nhưng cuối cùng, niềm tin đó bị sự thật kinh tế phủ nhận.

Bởi vì, trái với hình ảnh “như Marx nói hàng hóa phải nhiều như nước chảy ra,” kinh tế các nước cộng sản ngày càng suy yếu vì sau khi các nhà máy và đồng ruộng được tập thể hóa, những người lao động, người nông dân không còn động cơ tự nhiên để tìm cách sử dụng tài nguyên theo lối có hiệu quả cao nhất nữa. Bây giờ, nhiều người cộng sản ở nước ta giải thích rằng hệ thống chỉ huy tập trung của họ “trái với các quy luật kinh tế.” Thực ra, chỉ nhìn qua cũng thấy là nó trái với bản tính của con người.

Yegor Gaidar, một nhà kinh tế đã giữ các chức vụ bộ trưởng và thủ tướng ở Nga sau khi chế độ xô viết sụp đổ đã giải thích sự sụp đổ của chế độ với hai nguyên nhân chính: Lúa và Dầu lửa. Ông viết cuốn sách với nhan đề “Sự sụp đổ của một đế quốc” sau khi tìm trong văn khố những tài liệu cho thấy sự tan rã của đế quốc Liên Xô là do bế tắc kinh tế. Giới lãnh đạo Liên Xô phải bỏ mặc cho các nước Ðông Âu tự giải thoát và những người làm đảo chính Tháng Tám năm 1991 sau cùng đành chịu quy hàng, tất cả đều vì kinh tế không lối thoát.

Trước hết là vấn đề thực phẩm. Trước cuộc Ðại Chiến Thứ Nhất, Nga là nước xuất cảng lúa mì. Chính sách tập thể hóa lúc đầu nâng cao sản xuất nhưng sau đó đã giảm dần so với dân số các thành phố tăng lên. Từ năm 1963 Kruschev đã phải ngưng bán rẻ thóc lúa cho các nước chư hầu, vì chính Liên Xô hàng năm phải nhập cảng thực phẩm. Nhu cầu nhập cảng ngày càng tăng lên mà ngoại tệ mạnh không có vì hàng chế hóa phẩm chất thấp quá không thể xuất cảng được, trừ khi đem trao đổi với các nước chư hầu. Một điều may mắn cho chế độ là nước Nga có một tài nguyên quý giá là dầu lửa. Từ giữa thập niên 1970 giá dầu lửa trên thế giới tăng bốn lần, trở thành nguồn ngoại tệ mạnh giúp Nga mua thực phẩm. Cũng giống như ở các nước chỉ sống nhờ xuất cảng nguyên liệu, giới lãnh đạo Nga ỷ lại vào nguồn tài nguyên đó và không cần nghĩ đến việc cải thiện hệ thống sản xuất ngày càng trì trệ. Nhưng dầu lửa là một món hàng giá cả thất thường, tăng lên tới 140 đô la một thùng rồi lại xuống có khi chỉ còn 20 đô la. Năm 1985, khi Á Rập Sau Ði quyết định bơm dầu lên không hạn chế, giá dầu tụt xuống khiến mỗi năm Nga thiệt mất 20 tỷ Mỹ kim, ngoại tệ sở hữu dần dần đi tới khánh kiệt, phải vay các ngân hàng Tây phương càng ngày càng nhiều. Ðồng thời, Nga bắt đầu bắt các nước chư hầu ở Ðông Âu khi mua dầu phải trả theo giá thị trường quốc tế. Mối liên hệ kinh tế quan trọng nhất trong đế quốc Liên Xô bị cắt đứt.

Năm 1989, Mikhail Gorbachev được ngân hàng Deutsche Bank báo cho biết không thể cho vay nữa vì kinh tế Nga hầu như tê liệt. Chỉ còn một cách là hỏi trực tiếp các chính phủ Tây phương để họ giúp bảo đảm các món nợ của ngân hàng nước họ. Nếu không vay được 100 tỷ Mỹ kim thì nước Nga, nhất là ở các thành phố sẽ có nạn đói.

Biết tình trạng suy yếu kinh tế ở Nga cho nên giới lãnh đạo cộng sản ở Ba Lan, rồi đến Ðông Ðức và Tiệp Khắc đã thay đổi, không còn cương quyết đàn áp dân chúng như cũ nữa. Họ biết rằng Hồng Quân Nga không thể đến cứu họ được khi dân nổi dậy như ở Hungary năm 1956, ở Tiệp năm 1968. Liên Xô không thể đem thiết giáp qua “dẹp loạn” ở các nước chư hầu, vì sợ một hành động như vậy sẽ chấm dứt luôn hy vọng vay được 100 tỷ Mỹ kim để nhập cảng lúa gạo.

Trong tình thế đó, Phong Trào Công Ðoàn Ðoàn Kết ở Ba Lan đã vùng lên, giới trí thức ở Tiệp Khắc công khai đòi dân chủ tự do, người Ðông Ðức chạy tị nạn sang phía Tây ào ạt. Và trong Tháng Mười 1989, khi hàng trăm ngàn dân chúng thành phố Leibzig từ nhà thờ Thánh Nikolai kéo ra xuống đường, chính đám công an xung phong đã buông súng, không bắn vào người dân nữa. Khi Chủ Tịch Gorbachev gặp Tổng Thống Bush ở Malta Tháng Năm, năm 1989, một đề tài chính là vay nợ. Sáu tháng sau, không còn một chế độ cộng sản nào ở Ðông Âu nữa. Có thể nói, việc các ngân hàng như Deutsche Bank từ chối không cho chính phủ Liên Xô vay đã góp phần giải phóng các dân tộc ở Ðông Âu khỏi ách cộng sản.

Khi tiên đoán một xã hội mới sẽ ra đời sau khi giới vô sản chiếm chính quyền, Karl Marx dùng một thước đo để quả quyết tính chất ưu việt của chế độ mới, là “năng suất lao động” sẽ lên cao nhờ các công nhân làm chủ tập thể các phương tiện sản xuất. Cộng sản sẽ chôn vùi Tư bản chính vì phép mầu“năng suất lao động.” Nhưng Marx chỉ quan tâm đến quyền sở hữu mà nói gì về phương pháp quản trị các phương tiện sản xuất. Ông sống trong một thế giới kinh tế trừu tượng. Trong cả cuộc đời, ông không bén mảng đến các nhà máy, càng không biết gì về phương pháp quản trị sản xuất. Môn quản trị học đến thế kỷ sau mới ra đời, sau những thí nghiệm của Henry Ford. Cho nên Marx không quan tâm nghiên cứu xem làm như thế nào để tăng “năng suất lao động.” Các lãnh tụ cộng sản từ Lenin đến Fidel Castro cũng đều như vậy. Họ nghĩ rằng cứ bãi bỏ quyền sở hữu tư nhân, thay thế bằng sở hữu công cộng là xong hết.

Những con người lơ mơ không tưởng đó chỉ gỏi nghề cướp chính quyền và kiểm soát chặt chẽ người dân bằng bạo lực và dối trá. Cuối cùng, cả hệ thống cộng sản đã sụp đổ vì lối làm kinh tế đó không chạy.

Ngô Nhân Dụng