Cảm ơn Mẹ

30/09/2008



Đinh Tấn Lực

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến những buổi cầu nguyện suốt nhiều tháng nay của chúng con và đã ban phước lành cùng nghị lực cho giáo dân Tổng giáo phận Hà Nội.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kến những buổi hiệp thông cầu nguyện với bà con Thái Hà và Tòa Khâm chúng con, từ miền Nam Việt Nam cho tới miền Nam nước Mỹ, nước Úc và tận châu Âu.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến sự đoàn kết, thương yêu của tất cả anh chị em chúng con, từ bất kỳ giáo phận nào trên đất nước này, đều một lòng sắt son gắn bó với nhau trước hoạn nạn chung.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến và rộng lượng tha thứ cho những hành động sốc nổi, vô học và vô luân của những lãnh đạo chính quyền đã lệnh cho giăng dây thép gai quanh chân Mẹ, tạt mỡ vào người Mẹ… mà tưởng rằng đó là tinh túy của chủ nghĩa chuyên chính vô sản.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến và rộng lượng thứ tha, như đã từng tha thứ cho những lãnh đạo chính quyền đã lệnh cho đập phá bức thánh tượng Đức Mẹ Sầu Bi ở Đồng Đinh, Ninh Bình trước đây mà tưởng rằng đó là hành động biểu hiện nét tinh anh của chủ nghĩa vô thần.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến, đã ban phước lành và những suy nghĩ tĩnh tâm cho toàn bộ anh chị em lực lượng an ninh chìm nổi các loại màu sắc phục đã đêm ngày chia ca công tác cực khổ tại linh địa Thái Hà và trước Tòa Khâm, giúp cho họ tự đáy lòng thấy ra sự yếu mềm và hèn hạ của bạo lực.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến và chuẩn lời cầu nguyện bình an của chúng con dành cho đoàn thanh niên áo xanh, và cả những đầu gấu du đảng đã vì lệnh trên mà đến nơi này quậy phá những buổi cầu kinh.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến và giúp cho cả nước thấy ra quy trình sử dụng xã hội đen để xây nhà nước đỏ ở đây là điều phi nhân bản, phản truyền thống, và hoàn toàn đi ngược lại mọi hướng dẫn hành thiện của các tôn giáo.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến và tha thứ cho sự khủng bố giáo dân Thái Hà & Tòa Khâm bằng một lượng ngân sách khổng lồ trong bối cảnh khủng hoảng lạm phát lịch sử với mức giá cả tiêu dùng tăng vọt vượt ngưỡng chịu đựng của nhân dân cả nước.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến lòng thành của Cha Vũ Khởi Phụng cùng các Cha khác đã kiên tâm và động viên các con của Chúa cùng thành ý kiên tâm cầu nguyện ngày này qua ngày khác.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến những nhục nhã mà Đức Cha Ngô Quang Kiệt đã vượt qua khi bị các lực lượng thế quyền dày công dàn dựng sự vu khống bằng cách huy động nguyên cả một hệ thống truyền thông quốc doanh.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến sự trưởng thành của một thế hệ bloggers đã hết lòng xiển dương niềm tin và soi sáng sự thật để cân bằng nỗ lực gian dối bầy đàn của dàn báo đài chính quy ở đây.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến lòng tự hào và niềm tin kiên cường của Đức Cha Ngô Quang Kiệt vào lẽ phải, vào sự thật, vào công bằng và vào công lý, cho dù những điều đó có đang bị quyền thế phủ mờ bằng những đe dọa, cảnh cáo và vu vạ ở đây.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến tinh thần vô úy của Đức Cha Ngô Quang Kiệt, và sau đó là của các Giám Mục khác, nguyện sẵn sàng đi tù cho những giáo dân ôn hòa cầu nguyện, khẳng định một lần nữa tinh thần vô úy của toàn thể nhân dân Việt Nam trong lúc đấu tranh cho lẽ phải và sự thật.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến và lắng nghe tâm tình của quý Giám mục và Linh mục từ Hà Nội đến Thái Bình đã nhắc nhớ cho cả nước một lời trần tình vang dội thấu trời xanh, được ghi rõ trên một nóc giáo đường ở Huế: “Tự Do Hay Là Chết!”.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến lá thư thấu tình đạt lý, những nhận định sáng suốt và những quan điểm rõ ràng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi cho UBND thành phố Hà Nội ngày 25-9-2008.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến lời xác định chí tình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là: Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng cùng với mọi người Việt Nam, dù không có chức năng làm chính trị, nhưng cũng nhất định không đứng bên lề xã hội.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến âm mưu khuất tất của lãnh đạo chính quyền Hà Nội trong việc di dời thánh tượng, gọi là “tịch thu tang vật vi phạm” mà không có biên bản với “bên vi phạm” là Tòa Giám Mục Tổng giáo phận Hà Nội.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến những quyết định lật lọng, văn bản vi luật, và quyết tâm cướp trắng của lãnh đạo và chính quyền Hà Nội đối với mảnh đất thiêng của những người con của Chúa ở đây.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến hai mảnh đất vẫn còn nguyên đó, mà ý định xà xẻo làm của riêng cho mục tiêu thương mại làm giàu của nhiều thế lực tư bản đỏ đã phải âm thầm thay đổi.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến toàn bộ nỗ lực của lãnh đạo Việt Nam đã bẻ ghi cho lệch hướng đối ngoại về vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa bằng cách tập trung sự chú ý của dư luận nhân dân vào sự kiện Thái Hà, rồi một lần nữa, làm lệch diện Thái Hà – Tòa Khâm bằng cách bẻ vụn lời nhận xét về tấm hộ chiếu của Đức Cha Kiệt làm điểm tấn công.

Xin cảm ơn Mẹ đã chứng kiến toàn bộ những chiến thắng lớn nhỏ của những con người rất đỗi Việt Nam trong toàn bộ diễn biến ngay tại các buổi lễ cầu nguyện trang nghiêm ở Thái Hà & Tòa Khâm, hay tấm lòng hiệp thông của nhân dân Việt Nam khắp nơi, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt quá khứ, không phân biệt tù trong-tù ngoài… Tất cả đều chỉ vì sự thật, niềm tin, công bằng và lẽ phải. Tất cả chỉ vì tương lai cất cánh của đất nước và thăng hoa của dân tộc . Đây mới chính thực là chiến thắng lớn nhất của đại khối người Việt Nam trong vụ việc “Tam Sa-Thái Hà-hộ chiếu” vừa qua, đối với một thiểu số chủ trương cường quyền bạo lực trên đất nước này.

Chúng con chân thành cảm ơn Mẹ.

28.9.2008 – đôi dòng hiệp thông cùng Ls Lê Quốc Quân & J.B. Nguyễn Hữu Vinh,

Blogger Đinh Tấn Lực


Thế nào là một nhà lãnh đạo mạnh?

30/09/2008

Lê Thanh

Tiếp theo những biến chuyển lớn lao vào cuối thế kỷ 20 với sự sụp đổ của thế giới cộng sản, sự chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh dai dẳng, sự bùng nổ của nền kỹ nghệ và văn minh tin học, sự hình thành những trật tự chính trị và kinh tế mới trong từng vùng và trên toàn cầu, nhân loại đã bắt đầu có những cái nhìn và đánh giá khác về những nhân vật lãnh đạo trên thế giới. Ngày hôm nay, tiêu chuẩn về một nhà lãnh đạo “mạnh” đã thay đổi rất nhiều so với nửa thế kỷ trước.

Nếu 50 năm trước một lãnh tụ mạnh được xem là người sẵn sàng sử dụng vũ khí, quân đội và các phương tiện bạo lực để đạt được điều mình mong muốn hoặc tiêu diệt điều mình không muốn, thì ngày hôm nay, nhân loại đã phân ra hai phạm vi hành xử tách bạch để đánh giá một nhà lãnh đạo: đó là đối ngoại và đối nội. Trong lãnh vực đối ngoại, các lãnh tụ mạnh là những người dám cưỡng lại các áp lực quốc tế khi quyền lợi quốc gia bị đe dọa và sẽ chống trả bằng biện pháp quân sự khi cần thiết. Ngược lại, trong việc đối nội, khi các lãnh tụ sẵn sàng sử dụng các phương tiện bạo lực hay thủ đoạn chính trị để đàn áp mọi thành phần đối lập hay quần chúng thì đều bị xem là chỉ dấu của yếu hèn chứ không phải là những người chỉ huy mạnh dạn hay can đảm. Thật vậy, thế giới ngày nay chỉ thấy sự khiếp nhược của cựu thủ tướng Mahathir của Mã Lai khi ông cho cảnh sát hành hạ và vu tội loạn dâm cho đối thủ chính trị; sự khiếp nhược của ban quân quản Miến Điện khi họ cho công an đàn áp và thực hiện những trò hạ cấp để cô lập lãnh tụ đối lập là bà Aung San Suu Kyi; sự khiếp nhược của cựu thủ tướng Lý Bằng ẩn núp đằng sau chiến xa và súng ống khi ra lệnh cho quân đội tàn sát hàng ngàn sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn, v.v…

Một thí dụ ngược lại xảy ra vào tháng 6 năm 2004 khi tổng thống Eduard Shavanaze của nước Cộng Hòa Georgia, với quân lính và công an hoàn toàn nằm trong tay, vẫn quyết định từ chức khi dân chúng biểu tình phản đối kết quả bầu cử tái nhiệm ông. Từng là bộ trưởng ngoại giao của Liên Bang Sô Viết dưới thời tổng bí thư Gorbachev, ông Shavanaze biết rõ và dư thừa khả năng sử dụng bạo lực, nhưng thay vào đó, ông để lại một câu nói được cả thế giới kính phục: “Dù một giọt máu của người dân phải đổ ra chỉ vì cái ghế của tôi thì cũng là một giọt máu bị lãng phí”.

Một lãnh tụ mạnh cũng phải là một lãnh tụ dám phục vụ nguyện vọng của nhân dân trong những trường hợp bị áp lực từ bên ngoài. Ông Đổng Kiến Hoa của Hồng Kông bị xem là loại thủ lãnh thừa thãi vì biết rất rõ ý dân nhưng không dám cãi lại những người bổ nhiệm ông từ Bắc Kinh. Ngược lại bà tổng thống Aroyo nhỏ bé của Philippines vẫn cương quyết rút đoàn quân 51 người của nước này ra khỏi Iraq bất kể những áp lực to lớn từ phía Hoa Kỳ và các nước trong Liên Quân. Lý do bà nhất định giữ quyết định này chỉ vì dân chúng tại Philippines muốn như vậy.

Một lãnh tụ mạnh cũng phải dám tiến hành các thay đổi cơ bản trong xã hội, sẵn sàng chấp nhận những giải pháp khó khăn nhưng đem lại lợi ích lâu dài cho dân tộc chứ không tuyên truyền và mị dân bằng những chính sách vá víu, nửa vời, qua loa để bám víu quyền lực. Như trường hợp của thủ tướng Megawati tại Indonesia. Cách đây vài năm bà được dân chúng ủng hộ hết lòng vì tin tưởng bà cũng theo bước thân phụ của bà và sẽ dám tạo nhiều thay đổi rộng lớn và mạnh bạo cho đất nước. Sau hai năm chờ đợi, dân chúng Indonesia đã kết luận bà không phải là một lãnh tụ mạnh mà chỉ là một chính khách sẵn sàng thỏa hiệp để giữ ghế cầm quyền.

Nói tóm lại, các lãnh tụ mạnh được nể phục trong thế giới ngày nay mang hai cách hành xử khá đối ngược. Đó là khi đối ngoại thì dám đương đầu với các áp lực quốc tế, nếu cần thì bằng quân sự; nhưng đối với quốc dân đồng bào, họ lại phải có lòng can đảm không núp sau các phương tiện bạo lực mà còn dựa vào nguyện vọng của đa số người dân để mạnh dạn tạo những thay đổi cơ bản cho đất nước. Người ta thấy hình ảnh những lãnh tụ này không những ở những nước thịnh vượng, giàu có mà cả ở những nước nghèo như Ấn Độ, Philippines, v.v…

Tại đất nước ta, tiếc thay, chúng ta chỉ thấy những cách hành xử ngược lại. Sức mạnh lãnh tụ không đến từ bản lãnh, khả năng và lòng yêu nước của cá nhân những người cầm quyền, không đến từ sự chọn lựa dân chủ và tín nhiệm của nhân dân, mà lại được bao che, bảo vệ bằng cách tự ghi thành điều bốn hiến pháp, bằng nhà tù và súng ống, bằng sự tự khẳng định vai trò độc tôn tuyệt đối của đảng trong “sứ mệnh” lèo lái con thuyền quốc gia bất chấp kiến năng tụt hậu, kém cỏi. Trong lãnh vực đối ngoại, không biết các áp suất từ Bắc Kinh là bao nhiêu, nhưng đủ ba đời tổng bí thư của đảng đã sẵn sàng dâng nhượng cho Trung Quốc liên tiếp hàng trăm cây số vuông lãnh thổ Việt Nam, rồi hàng chục ngàn cây số vuông lãnh hải Việt Nam, rồi quyền lợi đánh cá của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ. Chưa kể đến thái độ câm nín và hèn hạ trước sự kiện Tam Sa và rước đuốc Bắc Kinh. Trong lãnh vực đối nội, các lãnh đạo đảng lại tỏ ra cực kỳ cương quyết, sử dụng đủ loại biện pháp bạo lực và thẳng tay trừng trị mọi thành phần quần chúng tay không nhưng có ý kiến khác với đảng. Lãnh tụ của nước ta bao năm nay thực chất chỉ là các lãnh chúa của một nền phong kiến nối dài.

Hơn bao giờ hết, đất nước Việt Nam ta cần những người lãnh đạo “MẠNH”, đúng nghĩa !

Lê Thanh.


TÒA KHÂM SỨ – HÀNH VI CƯƠP VÀ KHỦNG BỐ PHÁP LUẬT

26/09/2008

Nguyễn Thái Hà

Từ những sự kiện đã và đang xảy ra:

1.

[Theo quy định của pháp luật] Muốn đầu tư xây dựng phải xác định rõ chủ sở hữu hoặc sử dụng đất nếu dự án có sử dụng đất; Có chủ trương và có quyết định đầu tư với sự tham khảo rộng rãi của dân chúng trong khu vực. (Điều 32, Điều 70 Luật xây dựng, Điều 5, điều 19 của Pháp Lệnh về thực hiện quy chế dân chủ cấp xã phường)

[Thực tế tại 42 Nhà Chung] Tòa Tổng giám mục Hà Nội là chủ sở hữu mảnh đất. Tòa tổng giám mục có đầy đủ bằng chứng chứng minh sở hữu của mình. Tòa tổng giám mục Hà Nội chưa bao giờ có chủ trương và không biết về việc đầu tư xây dựng dự án.

2.

[Theo quy định của pháp luật] Khi đất đai đã được làm rõ và không có tranh chấp. Chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án, lập dự án đầu tư sau đó trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư theo trình tự của Luật Xây dựng và Nghị định 16/2005/CP về quản lý đầu tư và xây dựng.

[Thực tế tại 42 Nhà Chung] Khu vực đất đai tại 42 Nhà Chung, theo đúng hiện tượng xảy ra đang là khu vực tranh chấp do Nhà nước đã tiến hành chiếm đoạt phi pháp. Việc tranh chấp đã xảy ra liên tục từ khi đất đai bị chiếm và bùng phát kể từ ngày 25/1/2008. Sau đó Chính quyền đã có những lời trực tiếp và gián tiếp hứa hẹn về việc trao trả khu đất lại cho Tòa Giám Mục Hà Nội

3.

[Theo quy định của pháp luật] Quá trình lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế và tổng dự toán xây dựng công trình thuộc các dự án đầu tư. Phần này được chia thành các nhóm dự án khác nhau với những yêu cầu rất chặt chẽ từng bước (Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Nghị định 16/2005, Nghị định 112/2006/CP)

[Thực tế tại 42 Nhà Chung] Với tư cách là chủ khu đất, Tòa giám mục không được thông báo, tham khảo hoặc bàn bạc về bất cứ vấn đề gì liên quan đến dự án theo như quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đấu Thầu và pháp lệnh thực hiện quy chế dân chủ tại xã.

4.

[Theo quy định của pháp luật] Để thực hiện dự án đầu tư: Phải có quyền sử dụng đất, phải có giấy phép xây dựng, phải tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng; lựa chọn nhà thầu thi công, nhà thầu xây lắp, nhà thầu cung cấp thiết bị, máy móc…(Luật đầu tư, Luật xây dựng )

[Thực tế tại 42 Nhà Chung] Với tư cách là một chủ thể quan trọng của phường Hàng Trống, Tòa tổng giám mục, Dòng mến thánh giá và các công dân trong khu vực chỉ được thông báo khoảng 12 tiếng đồng hồ về quy hoạch, mọi việc xảy ra đều bất ngờ với cư dân trong khu vực.

5.

[Theo quy định của pháp luật] Theo thống kê hiện nay để tiến hành dự án cần 33 thủ tục và thời gian 3 năm có dự án kéo dài 10 năm. Việc xây dựng phải đảm bảo an toàn lao động, về môi trường xung quanh, trật tự, không ảnh hưởng đến các công trình liền kề…

[Thực tế tại 42 Nhà Chung] Ngay khi biết được tin về việc xây dựng những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đã bị cô lập, bao vây và ngăn chặn mọi hình thức lên tiếng; Nhà nước đưa công an, cảnh sát cơ động và cả chó nghiệp vụ đến hiện trường, hộ tống máy móc, thiết bị đến để tiến hành phá dỡ, xây dựng.

Tại sao như vậy và việc đó nói lên điều gì ?

Trước hết cần phải xác định rõ ràng rằng trong trường hợp này UBND Quận Hoàn Kiếm không phải là đơn vị chủ sở hữu khu đất và không có văn bản nào xác định mình là chủ sở hữu. Trong khi Nhà thờ có đầy đủ các văn bản pháp lý xác định chủ quyền khu đất. Mà dù cho chưa xác định của ai thì có một sự thật hiển nhiên rằng khu đất này hiện là nơi đang tranh chấp. Theo luật thì những khu vực đất đang tranh chấp thì không thể tiến hành các dự án đầu tư khi chưa giải quyết xong vấn đề.

Như trên chúng tôi đã trình bày, theo quy định của pháp luật thì dù đất đai đã có nguồn gốc rõ ràng, để một dự án được thông qua và thực hiện phải đi qua rất nhiều bước khác nhau với một thời gian rất dài bao gồm: Lập báo cáo đầu tư và xin phép đầu tư – Tư vấn thiết kế – Thẩm định dự án, Phê duyệt dự án, đấu thầu – mới sang giai đoạn thi công. Trong đó có khâu quan trọng nhất là xin giấy phép xây dựng. Trong giấy phép xây dựng phải ghi rõ nguồn đất đai. Tất cả những bước đó Nhà nước đều phải công bố để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan; tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng và việc đền bù đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Việc Nhà nước vội vàng xây dựng trên một mảnh đất đang tranh chấp mà Tòa Tổng giám mục Hà Nội có giấy chủ quyền là vi phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng.

Mặt khác, Pháp Lệnh về việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở quy định rất rõ các quyền của Nhân dân được biết, những điều nhân dân được bàn. Trong trường hợp này, theo điều 5, Chính quyền buộc phải cho Nhân dân biết các “dự án, công trình đầu tư, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết…” trong toàn khu vực. Điều 19 của Pháp Lệnh quy định rất rõ những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định bao gồm: “Dự thảo quy hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng đất; Dự thảo kế hoạch triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn”

Sự thật là Chính quyền quận Hoàn Kiếm và UBND Thành phố Hà Nội, cao hơn nữa là Chính phủ của Nước CHXHCN Việt Nam đã không tuân thủ các quy định của pháp luật do chính mình đặt ra. Một mặt muốn đặt ra thật nhiều bước tiến hành dự án đầu tư để tạo điều kiện cho các quan chức cửa quyền, trục lợi và tham nhũng nhưng khi cần tiến hành một việc làm để đàn áp và cướp bóc của Nhân dân hoặc tổ chức tôn giáo thì đã làm rất nhanh và bỏ qua các trình tự của thủ tục đầu tư. Một mặt họ đặt ra quy chế dân chủ cơ sở để lừa mị nhân dân và thỏa mãn yêu cầu của các nhà tài trợ nước ngoài nhưng luôn luôn “tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu…” của Đảng ở khắp mọi nơi. Mỗi một thôn xóm, khu vực chỉ có một số lượng rất ít đảng viên thế nhưng chi bộ của Đảng Cộng sản đã áp đặt sự lãnh đạo của mình lên số đông cộng đồng trong khu vực, cũng như chính điều 4 Hiến pháp đã thô bạo áp đặt sự lãnh đạo của Đảng lên toàn bộ Nhà nước và Nhân dân Việt Nam mà không hề qua một cuộc bỏ phiếu hay trưng cầu dân ý nào.

Quả thực là một hành vi ăn cướp. Một dạng khủng bố quốc gia:

Từ những hành vi trên, ta có thể rút ra kết luận rằng đây là một hành vi ăn cướp, một dạng khủng bố quốc gia của Chính quyền. Bởi việc họ làm là sai luật, lén lút và không minh bạch. Điều này kết hợp với việc gần đây hàng loạt các nhà đấu tranh dân chủ đã bị bắt mà không hề có một thông báo công khai và chính thức nào. Đó là hình thức của những cuộc bắt cóc và khủng bố. Thực tế thì theo luật, có người vi phạm pháp luật sẽ tiến hành bắt giữ một cách công khai về hành vi của mình và thông báo ngắn gọn, rõ ràng theo đúng trình tự quy định. Thế nhưng Nhà nước thường dùng 2 cách. Một là lén lút theo kiểu bắt cóc và cách thứ 2 là làm ầm ĩ, vu cáo, kết tội, mạ lị trước khi tiến hành các công việc đó. Cách thứ hai này đã được áp dụng rất triệt để trong trường hợp Thái Hà và đã áp dụng không xong đối với vụ Tòa Khâm sứ trước đây cho nên lần này họ đã áp dụng phương pháp lén lút ăn cướp, tiến hành thi công trộm vào ban đêm. Bằng quyết định xây dựng khu công viên, vườn hoa, Nhà nước đã công nhiên xác lập quyền sở hữu của mình và rõ ràng đây là một hành vi ăn cướp.

Một nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất của các việc làm mờ ám liên tục của Chính quyền là vì Nhà nước cộng sản Việt Nam đã không cho người công giáo và những người có tôn giáo nói chung các cơ hội bình đẳng trong tiếp cận thông tin và trong việc thực hiện các quyền lợi chính trị của mình. Với chủ thuyết vô thần của mình, họ liên tục tìm cách tiêu diệt các tôn giáo khác đặc biệt là Thiên Chúa Giáo. Suốt mấy chục năm qua, Chính quyền đã thu hẹp đất đai, biến hàng vạn đền chùa, miếu mạo thành nhà công, thành kho hợp tác xã, thành chỗ vui chơi giải trí. Chính quyền đã gạt bỏ những người có đạo ra ngoài vòng xã hội, họ khủng bố Thiên Chúa Giáo, tìm mọi cách khuất phục Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tiêu diệt đạo Cao Đài, Hòa Hảo và hạn chế quyết liệt sự phát triển của đạo Tin Lành. Chính quyền đã xem những người có tôn giáo là công dân loại hai trong một chiến lược biến tất cả trở thành vô thần theo như học thuyết Mác Lê Nin mà họ trang trọng ghi trong điều 4 Hiến Pháp. Chủ đích đó nằm bên trên những trò lừa mị và cởi mở mà dường như càng ngày càng có vẻ hợp lý.  Đó mới chính là mục tiêu thực sự của những người Cộng sản, một mục tiêu đã được Hiến định.


Bạch Tuộc Lộ Diện

25/09/2008

Tướng về hưu

Dưới sức ép của các phong trào dân sự đang ngày một lớn mạnh trong lòng xã hội, giới lãnh đạo Việt Nam gần đây đã buộc phải đưa ra những chỉ dấu về một cuộc cải cách sâu rộng như là một biện pháp giảm nhiệt “lò phản ứng xã hội”.

Việc hợp tác và học hỏi về tư pháp với đối tác Anh Quốc, việc bầu thứ trưởng bộ giáo dục, việc để người dân tự lựa chọn chủ tịch xã…là những chỉ dấu cải cách mang tính tích cực trong một số bộ ngành. Tuy nhiên đối với ngành công an, mọi cải cách dường như vẫn đóng băng. Ngành công an vẫn đóng cửa im ỉm, thách thức mọi ý định cải tổ xâm nhập.

Một vài bình luận gia rỉ tai nhau rằng việc thay chuyển một loạt tướng lĩnh trong quân khu thủ đô vừa qua là một sự thay đổi mang tính đối trọng và cũng để khắc chế những bất chắc từ sự thay đổi nhân lực trong ngành công an xảy ra hồi đầu năm.

Dẫu lãnh đạm với những cải tổ, ngành công an vẫn phải đối mặt với những dấu hiệu cho thấy cần phải có một cuộc canh tân:

1. Dấu hiệu trật hướng nhiệm vụ: ngoài nhiệm vụ chính là bảo trì tình trạng an ninh, tại nhiều địa phương công an đã thao túng cả đời sống dân sự. Sự can thiệp quá sâu này vô hình chung làm cho nhiều công an trở thành đối tượng phạm pháp. Một trong những vi phạm nghiêm trọng tại nhiều địa phương là công an trở thành lực lượng bảo kê cho nhiều tổ chức và cá nhân làm ăn bất hợp pháp. Câu châm tục: “Vào trong Đảng để làm quan – Quen công an để làm càn” đã trở thành câu tục ngữ thời hiện đại.

Vũ trường New Century ở sát  ngay Tòa Giám Mục Hà Nội là một ví dụ điển hình về vai trò bảo kê của công an phường. Vũ trường này chỉ bị phá án khi có sự đột kích không hẹn mà đến của công an từ trung ương về điều tra. Bên cạnh đó không ít các vụ án buôn lậu, vận chuyển ma túy, tẩu tán tài nguyên quốc gia…có sự tham gia của công an, tỉ như vụ buôn bán ma túy của Vũ Xuân Trường ở Nam Định.

2. Khuynh hướng “chính phủ trong chính phủ”: Ngành công an có vẻ đang tách riêng ra khỏi sự quản lý của chính phủ và hành động riêng lẻ.

Sự can thiệp sâu sắc của công an trong vụ tranh chấp đất Thái Hà và Tòa Khâm Sứ thể hiện rõ khả năng hoạt động kiểu “tiểu chính phủ” của ngành công an. Từ sự huy động viện kiểm sát, tòa án để hình sự hóa một tranh chấp dân sự thông thường, tới việc chỉ đạo báo chí, truyền hình địa phương cũng như truyền hình quốc gia tập trung công kích giáo xứ Thái Hà… cho thấy khả năng ảnh hưởng của ngành công an mang tầm vóc “tiểu chính phủ”.

3. Công cụ của chính phủ hay của Đảng ? Trong nhiều quốc gia pháp quyền, cảnh sát là một công cụ quản lý trực thuộc chính phủ, không liên kết với bất kì đảng phái nào. Điều này không được áp dụng với ngành công an của Việt Nam. Tính đảng xâm thực quá sâu trong ngành an ninh. Khẩu hiệu của ngành công an là: “Trung với Đảng – Hiếu với dân”, cho thấy công an đặt Đảng cộng sản lên trên dân, giống như chế độ phong kiến cũ đặt đức “trung quân” (trung thành với Vua) lên trên hết, điều này khiến cho người dân thấy rõ chế độ cộng sản thực ra là chế độ phong kiến hiện đại.

Qua ba dấu hiệu cơ bản trên cho thấy, công an Việt Nam đã và đang bộc lộ tính chất mafia. Nhiệm vụ bảo trì an ninh cho dân mà bấy lâu nay khéo léo ngụy trang đã lộ rõ thành nhiệm vụ đàn áp nhân dân. Cách thức đánh tỉa các nhà hoạt động dân chủ là một điển hình cho phong cách thanh trừng kiểu mafia. Nhìn rộng hơn, thay vì là công cụ của chính phủ để phục vụ cho nền cộng hòa, công an đã trở thành một công cụ đặc quyền đặc lợi cho Đảng cộng sản, một lực lượng mù quáng bảo vệ quyền lợi Đảng cộng sản. Điều này khiến một số bình luận gia Việt Nam liên tưởng Đảng cộng sản như một tổ chức mafia trá hình, gần đây con bạch tuộc lộ nguyên hình, và công an chỉ là một vòi trong tám vòi khác của con bạch tuộc này.

Đối pháp với bạch tuộc: Trước hết để đối phó với bạch tuộc người đấu phải từ bỏ ý định thuần hóa bạch tuộc. Bạch tuộc là loài động vật bất khả phục và Đảng cộng sản là đảng bất khả thi. Những thành viên trong Đảng không thể và cũng không bao giờ là những người cộng sản đích thực.

Cải tổ chính trị không thể thành công nếu chỉ mang ý nghĩa cải cách hay dung hòa sự toàn trị của Đảng cộng sản với một thể chế mới. Bạn nên nhớ rằng bạch tuộc dù có thay đổi màu sắc theo môi trường xung quanh thì nó vẫn là con bạch tuộc. Hay dù bạn có nhốt nó trong bể kính thì nó cũng thoát ra ngoài dù chỉ với một lỗ thủng rất nhỏ, vì cơ thể bạch tuộc là nhuyễn thể không xương.

Chỉ có một đối sách duy nhất để khuất phục bạch tuộc là làm tê liệt các vòi của nó trước hết. Cũng thế để triệt thoái sự độc trị của Đảng cộng sản, cách tốt nhất và dễ nhất là phong trào tẩy chay cộng sản bởi chính những đảng viên cộng sản và bởi quần chúng nhân dân.

Trong nội bộ Đảng cộng sản đang ngày càng đua nở những nhà chính trị cấp tiến và cởi mở, những người đảng viên này đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của Đảng phái, họ là những chính trị gia nắm bắt được xu thế hội nhập đa nguyên và toàn cầu hóa của thế giới. Làn sóng ngầm tẩy chay dần tính Đảng thực ra đã phát xuất và lan tỏa từ rất lâu giữa những người trong Đảng. Có hai xu thế tẩy chay tính Đảng: xu thế “tự chặt gãy” và xu thế “tự bẻ cong.”

Xu thế “tự chặt gãy” biểu hiện bằng hiện tượng “từ quan” của nhiều công nhân viên chức, công an, và ngay cả đảng viên. Xu thế này gần đây đã được chính thức thừa nhận từ các phương tiện truyền thông quốc doanh.

Xu thế “tự bẻ cong” khó bị định vị hơn bởi xu thế này được triển khai bởi các đảng viên, nhân viên nhà nước có trình độ. Những người này thay vì thoái vị trách nhiệm lại sử dụng chính vị trí của mình để triệt thoái và tẩy chay tính Đảng trong các tổ chức của mình. Nếu các bạn chú ý sẽ thấy rõ xu thế này đang ngày càng lồ lộ trên nhiều trang báo in cũng như bản điện tử, ngay cả các tờ báo được trực tiếp điều hành bởi chính phủ. Các bạn có thể thấy rõ điều này qua vụ tước thẻ của bảy nhà báo chuyên nghiệp của các tờ báo lớn. Các đảng viên cấp tiến này là những người đã thực hiện phong trào “tự bẻ cong” tính đảng trong vị trí lãnh đạo của mình.

Đối với người ngoài đảng là quần chúng nhân dân rộng khắp, họ là những người trực tiếp đối đầu với Đảng cộng sản. Trong những năm gần đây chứng kiến một sự nở rộ chưa từng có của các tổ chức và phong trào đòi dân chủ, phong trào đa nguyên, và phong trào bài trừ Đảng cộng sản.

Các phong trào dân chủ này đang ngày càng mang dáng dấp một cuộc cách mạng.

Có thể lấy mốc khởi đầu là năm 1997 với sự nổi dậy bộc phát của người nông dân Thái Bình. Cuộc nổi dậy này nhắc nhở mọi người quy luật của cách mạng: những người bị trà đạp và mất mát nhất bao giờ cũng là người nổi dậy trước nhất. Tiên đề chính trị phương tây này cũng được diễn tả qua câu thành ngữ “con giun xéo mãi cũng oằn” của dân gian.

Tiếp sau giai tầng nông dân là giai tầng công nhân. Trong ba năm trở lại đây, tình trạng công nhân đình công xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống với tần xuất năm sau tăng vọt hơn so với năm trước. Các vụ đình công đang có xu hướng chuyển từ mục đích đơn thuần đòi tăng lương sang mục đích chính trị tẩy chay công đoàn bù nhìn của Đảng.

Cũng như các cuộc cách mạng trước đây, giới trí thức nhập cuộc luôn trễ hơn một chút so với các nhóm xã hội khác. Nhưng đặc điểm của giai tầng này là trẻ trung, nhiệt huyết, luôn cập nhật hóa thông tin, có trình độ kỹ năng tin học, có khả năng tổ chức và lãnh đạo. Ý tưởng tổ chức một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc bằng truyền đơn rải trong một loạt các trường đại học lớn ở Hà Nội vừa qua cho thấy màn nhập cuộc khá ngoạn mục của giới trí thức trẻ. Nhiều sinh viên tiến bộ đã thổ lộ sẵn sàng trở thành một “chính trị gia kiểu Bill Gate” – sẵn sàng chấp nhận nhà trường đuổi học.

Viễn ảnh chính trị Việt Nam:

Chính phủ đương nhiệm đã buộc phải đưa ra nhưng dấu hiệu cải tổ để giảm nhiệt “lò phản ứng xã hội.” Tuy nhiên, phương pháp cải tổ tiệm tiến của chính phủ vốn đã chậm chạp lại bị nhiều ngáng trở từ các lực lượng bảo thủ. Phe bảo thủ trong Đảng cộng sản đang ngày càng mất phương hướng và lái Đảng trở thành một tổ chức “bạch tuộc” hay tổ chức mafia phục vụ cho các đặc quyền đặc lợi của giới chóp bu bảo thủ.

Sắp tới đây, chính phủ sẽ bắt đầu một cuộc cải tổ chính trị sâu sắc. Bước đi chiến thuật của cuộc cải cách này mở đầu bằng việc đổi tên Đảng cộng sản thành Đảng lao động. Hiện đã có nhiều đảng viên tán thành việc này như một sự giải thoát họ khỏi trở thành mục tiêu công phá của phe cấp tiến cũng như phong trào dân chủ đang lên như diều gặp gió trong quần chúng.

Chắc chắn những bước đi này không khỏi vấp phải sự phản kháng của phe bảo thủ trong Đảng cộng sản. Sự thành công của những người cấp tiến trong đảng phụ thuộc rất nhiều vào sự hậu thuẫn của phong trào dân chủ trong một xã hội đang chuyển mình dần sang xã hội dân sự.

Để phân hóa chính khách nhã ý và đặt sự hậu thuẫn đúng chỗ, đòi hỏi người dân quan sát kết quả tác vụ của các chính trị gia trong chính phủ thay vì chỉ nghe ngóng những phát biểu kiểu công thức, hay chỉ nhìn ngó những xuất hiện mang tính sân khấu kịch trường của họ.

Viễn tượng chính trị Việt Nam có sáng sủa hay không là phụ thuộc vào ý thức cộng đồng của người dân. Người dân đang ngày càng đóng vai trò chủ động chính trị.

Nhiều người đã bắt đầu tự hỏi về thời điểm ra mắt của một lời hiệu triệu quần chúng.

Lời cuối: Tôi xin chân thành cám ơn và tỏ lòng kính phục những người công giáo đã dám đứng lên vì sự thật và công bằng trong xã hội. Các bạn cũng không ngại “đổ máu” bảo vệ những điều mà mình đang sống cho.

Mục tiêu đòi đất của các bạn trong thế sự hiện tại vô tình đã trở thành mục tiêu kép: đòi lại quyền sở hữu và vạch trần bản chất mafia của Đảng cộng sản một cách rộng đường dư luận nhất, tổ chức mà tôi đã từng sai lầm tín cẩn và mong ước xả thân phục vụ.

Mục tiêu đòi đất chưa ngã ngũ nhưng sớm muộn các bạn cũng sẽ dành lại được. Còn mục tiêu vạch trần bản chất vô nhân đạo của chính thể cộng sản đã và đang thành công rực rỡ. Các bạn đang giúp người dân vượt qua nỗi sợ hãi bấy lâu đè bẹp sức sống của người dân.

Qua đây tôi cũng xin bầy tỏ lòng ái mộ đối với đức tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt. Cám ơn ông vì đã nói lên những điều thiết thực. Tôi cũng đã vài lần ra nước ngoài học tập cũng như tác nghiệp và cũng không khỏi tự ti khi bạn bè hỏi chuyện về đời sống chính trị, cũng như an tình xã hội của người dân. Một trong những điều làm tôi ngại bộc bạch nhất là về tự do ngôn luận của người dân, tôi thường phải phàn nàn với bạn bè rằng ngay cả các top ten chính trị gia của chính phủ tôi còn không có tự do ngôn luận vì sợ Đảng thì nói chi tới người dân chân đất mắt toét. Vâng, tự do ngôn luận là dám nói lên những điều mình nghĩ, dẫu là những điều gây phản ứng nhưng nếu là những điều thực tế và làm thức tỉnh thì cũng đáng nói lắm chứ. Tôi hy vọng các chính trị gia Việt Nam có nhiều người bản lãnh như vậy, thật quý hóa biết bao.

Tôi cũng xin nhắn nhủ các bạn rằng dẫu Đảng cộng sản là đảng bất khả thi, nhưng trong đảng cũng không thiếu những người có lương tâm và nhiệt huyết với vận mạng dân tộc. Các bạn sẽ nhận được sự trợ giúp đúng lúc.

Chúc các bạn thành công.

Tướng về hưu


Phỏng Vấn ông Trần Anh Kim

22/09/2008

Hoàng Hà thực hiện
http://www.radiochantroimoi.com

Hoàng Hà: Kính thưa quí thính giả, kính mời quí thính giả theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Trần Anh Kim tại Thái Bình. Thưa anh Trần Anh Kim, anh có những suy nghĩ như thế nào về cuộc tranh chấp giữa Hoàng Sa và Trường Sa cũng như là cách nhượng đất, nhượng biển cho Trung Quốc dưới thời ông Lê Khả Phiêu. Thưa anh, với tư cách là một người trong quân đội, anh nghĩ gì về vấn đề nhà cầm quyền CSVN hèn nhát không dám lên tiếng để phản đối nhà cầm quyền CS Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, thưa anh?

Trần Anh Kim: Thưa anh Hoàng Hà, và thưa tất cả quí vị thính giả nghe đài hôm nay, tôi là một sỹ quan đã từng chỉ huy chiến đấu đánh quân Trung Quốc xâm lược, và tôi vẫn nói rằng, nếu như không có tiểu đoàn của chúng tôi chặn đứng được những trung đoàn bộ binh của địch, thì nó sẽ thực hiện đúng được ý đồ chiến lược của nó là “Ăn cơm sáng ở Lạng Sơn và ăn cơm trưa ở Hà Nội” thì lúc bấy giờ, tôi nghĩ là nó tàn phá đất nước đến như thế nào. Và thực tế mà nói, trong thâm tâm của chúng tôi, là những người lính và những người sỹ quan thì chúng tôi vẫn cứ nói với nhau: thực ra mà nói, Mỹ xâm lược Việt Nam, nhưng không phải, chính Tầu mới là xâm lược mà chúng ta phải sống với Tầu một nghìn năm Bắc thuộc. Ta đau lắm chứ, nó giết phu, nó giết phụ, chúng ta đau lắm chứ. Ngày xưa các cụ còn để lại, lịch sử còn lại, cho nên chúng tôi rất căm, cho nên chúng tôi không thể chung sống với Tầu được, và coi Tầu là kẻ thù số một, chúng tôi hoàn toàn nhất trí.

Thế thì ngay thời gian chiến đấu tháng 2 năm 1979 ở trên biên giới Lạng Sơn, lúc bấy giờ có Nga giúp đỡ, thì chúng tôi có nói với nhau rằng ông Nga chỉ “miệng hùm, gan sứa” thôi. Tầu đánh như vậy, ổng chẳng ủng hộ được cái gì, vũ khí ổng ủng hộ thì toàn các loại sản xuất từ những năm 39, 42 thôi. Cho nên bắn không đúng gu, đúng liều, có khi nó sai, nó lại bắn vào chính ta đấy. Đấy là về vấn đề Tầu, nói về sự căm thù thằng Tầu thì chúng tôi đã có lòng căm thù thằng Tầu ngay từ đó rồi. Chứ còn sau vụ Trường Sa từ sau năm 1988 nó đánh Trường Sa thì tôi đã đi nói chuyện ở cả một huyện, như huyện Thanh Hà, tôi nói chuyện về Trường Sa. Thế nhưng mà lúc đó hạm đội Tầu nguyên tử của Nga nằm ở cảng Cam Ranh, thế nhưng mà khi Tầu nó đánh Trường Sa của ta, nó giết bao nhiêu là sỹ quan như vậy, thế mà cuối cùng là ông Nga không thay đổi gì cả.

Thế ngay lúc đó, tôi đã suy nghĩ rồi, tôi nói chuyện với các anh em, tôi nói là nếu như tôi là người được quan hệ, và được phát biểu cái chính kiến của mình thì tôi sẽ thân Mỹ, bởi vì khi Mỹ đứng ở Việt Nam thì tôi tin là Tầu không giám làm như vậy. Cho nên là tôi đã coi những người chiến sỹ, sỹ quan của quân đội VNCH giữ quần đảo Hoàng Sa đều là những anh hùng cả, đều là những anh hùng của dân tộc Việt Nam cả, bởi vì người ta còn anh hùng hơn cả Quân đội Nhân dân Việt Nam, người ta còn giữ được quần đảo Hoàng Sa, và lúc đó, tôi lại càng thấy cái ý nghĩa của việc để cho Tầu nó đánh Hoàng Sa, Trường Sa, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đau đớn. Thực tâm mà nói, là những sỹ quan không đuổi được quân Tầu ở ngoài Hoàng Sa, chúng tôi thấy nhục. Chúng tôi nhục lắm anh ạ. Cho nên chúng tôi nói lúc bấy giờ, kể cả anh em sỹ quan, chiến sỹ VNCH và kể cả Quân Đội Nhân Dân VN, chức năng của lực lượng vũ trang chúng ta là gì? Là chiến đấu bảo vệ tổ quốc, chứ không bảo vệ đảng. Chúng tôi bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân chứ không bảo vệ đảng. Cái đó phải nói rõ như thế. Cho nên chúng tôi vẫn tôn vinh những anh, trong năm 1974, của quân đội VNCH giữ quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi vẫn tôn vinh các anh là những anh hùng và chúng tôi vẫn khâm phục các anh ấy. Chỉ có một lực lượng nhỏ như vậy mà phải chống một lực lượng lớn như vậy, mà trong khi đó, chính đảng CSVN lại đem bán nó cho Tầu. Đau lắm! Sau này chúng tôi mới biết, nó bưng bít lắm anh ạ, lúc đó không biết đâu!

Cho nên về quan điểm Hoàng Sa, Trường Sa thì bây giờ tôi hoàn toàn thống nhất với các sỹ quan trẻ bây giờ. Người ta nhận thức, người ta nói là cái đảng CSVN này, cái nhà nước VN này hèn nhát. Nhưng quân đội chúng tôi không hèn. Đấy, vừa rồi, sau khi bị cách chức toàn bộ Bộ Tư Lệnh Quân khu Thủ đô, thì tôi nghe một sỹ quan nói mà tôi sung sướng lằm. Tôi thấy anh em sỹ quan trẻ nhận thức rất là tốt, còn riêng bản thân tôi thì tôi nghĩ như thế này, thực ra mà nói, bản thân chúng tôi thì chúng tôi không bao giờ hèn nhát, chúng tôi không bao giờ chịu nhục trước kẻ thù Trung Quốc, thế mà cái đảng này nó chịu nhục, cái đảng này nó đem nó bán, rõ ràng là cái đảng này nó đem nó bán nước! Bán Hoàng Sa, bán Trường Sa cho Tầu, bán đến biên giới cho Tầu, bán biển cho Tầu, thế thì coi như là bán nước rồi!

Thì tôi đã nói rằng trong lịch sử dân tộc Việt Nam qua các triều đại, chưa có triều đại nào khốn nạn như triều đại Đảng CSVN, đem bán nước. Ngày xưa, ông cha ta, mặc dù có đánh Tầu, sau đó, vì nó là nước mạnh thì vẫn đem cống nó, cống nạp nó, nhưng không bao giờ nhường cho nó một tấc đất. Đấy là cái thái độ của ông cha ta rất rõ, đáng nhẽ ra, cái đảng CS này phải học ông cha ta từ trước, đừng để cho thằng Tầu nó chiếm một tấc đất, thì tại sao bây giờ để cho nó chiếm Hoàng Sa, chiếm Trường Sa như vậy.

Thế nhưng mà tôi thấy có một điều khốn nạn nữa là như vầy: Khi thằng Tầu nói chiếm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của ta, nhân dân, những người yêu nước, nhất là lực lượng sinh viên xuống đường biểu tình thì đảng lại cho lực lượng đàn áp người ta, không cho người ta biểu tình chống quân Tầu. Người ta chống Tầu, có chống đảng đâu? Thế thì tại sao lại cấm? Thế thì rõ ràng đã lột trần bộ mặt của chế độ CSVN này, đã thân Tầu rồi. Cho nên bác Giang, bác viết là hãy cảnh giác với Lê Chiêu Thống, tôi nói là có khả năng Nông Đức Mạnh đã trở thành Lê Chiêu Thống rồi.

Cho nên bản thân tôi, tôi thưa với anh là tôi suốt đời ở quân ngũ, tôi 10 năm ở chiến trường miền Nam, nhưng ở chiến trường miền Nam, tôi tham gia chiến đấu thì ít, tôi vận tải thì nhiều, nhưng mà ra chiến trường ngoài Bắc đánh quân Trung Quốc là tôi tham gia đánh từ đầu cho tới cuối, đánh từ đầu cho tới phút chót. Mười hai năm tôi lăn lộn trên chiến trường, ở trên biên giới phía Bắc, cho nên tôi rất căm thù Tầu, và cho đến bây giờ tôi cũng rất căm thù Tầu và tôi nói rất rõ quan điểm của tôi với đảng CSVN là gì: Thằng Tầu phát triển được như ngày hôm nay là nhờ Việt Nam. Đáng lẽ nó phải cảm ơn Việt Nam, bởi vì Việt Nam ngu không để Mỹ ở đây, cho nên thằng Tầu nó mới lấn tới, và bây giờ nó mới phát triển như vậy. Đấy là cái suy nghĩ của tôi, cho nên tôi mới viết bài “Lối Ra”. Lối ra là gì? Tôi bảo là bây giờ, trong thời buổi hiện nay, cả thế giới người ta đi theo một chiều rồi, chỉ còn có 4 nước, trong đó có Việt Nam, là cứ đi theo riêng mình một hướng. Thà là hồi đó, chúng tôi nghe theo lực lượng chiêu hồi của VNCH, đi theo chế độ VNCH, thì bây giờ, chúng tôi sướng hơn nhiều, chúng tôi không bị khổ như thế này.

Đấy, nó như thế, cho nên là riêng về cá nhân tôi, tôi tin là tất cả những sỹ quan, tất cả những đồng đội của tôi rất căm thù thằng Tầu đã chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta. Ở ngoài miệng thì nó nói 16 chữ vàng, nhưng thực tế, việc làm của nó là như vậy. Nó chiếm Hoàng Sa, nó chiếm hải đảo của ta, nó chiếm biên giới của ta, nó chiếm vùng trời, vùng biển của ta. Xong rồi nó lại làm cho dân tộc ta, nhất là lực lượng thanh niên bây giờ nghiện hút, rồi nhảy, rồi thuốc lắc,…tất cả đều là của Tầu nó đưa sang cả. Nó làm cho con người thanh niên của chúng ta bây giờ không còn tư cách nữa. Thưa với anh, trở thành thân tàn, ma dại hết thôi. Bây giờ cảnh của Việt Nam, tôi nói là nó suy đồi hơn chế độ phong kiến, thực dân ngày xưa cơ. Bây giờ nghiện hút rất là nhiều, rồi cái cảnh là ông bà cúng con, cha mẹ cúng con. Hỏi làm sao vậy? Bởi chúng nó nghiện, chúng nó chết cả anh ạ. Đấy, cái thôn tôi ngày xưa đến tám xóm mới nghe đến nghiện, còn bây giờ, cả xóm nghiện rồi. Đấy, tất cả đều do Tầu dồn sang, Tầu đưa sang thôi. Thế thì cái thằng Việt Nam này, thưa với anh, là nó ham tiền, cái thằng đội trưởng chống ma túy thì lại đi buôn ma túy.

Cho nên tôi đã nói là cái đảng CSVN đã đạt đến đỉnh cao của sự ngu xuẩn rồi. Bởi vì sao? Bởi vì cả thế giới, người ta vất cái chủ nghĩa Mác Lenin vô sọt rác rồi, thế mà bây giờ, nó vẫn trương cái chủ nghĩa Mác Lenin và tư tưỡng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưỡng, làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Cho nên thưa với anh Hoàng Hà, thưa với tất cả quí vị nghe buổi hội đàm ngày hôm nay là bản thân tôi, tôi đứng ra đấu tranh thẳng với cái thể chế này, đấu tranh thẳng với cái đảng này. Và tôi từ bé cho đến bây giờ, tôi đặc sệt chính trị, tôi chỉ làm công tác chính trị thôi. Cho nên bây giờ, cái đảng CSVN, ông Nguyễn Minh Triết là một, ông Nguyễn Tấn Dũng là hai, sang Mỹ khẳng định rằng không có tù chính trị. Để tôi làm chính trị đi, coi nó có bắt tôi vào tù để tôi chứng minh với thế giới rằng đây, tù chính trị đây. Cho nên là tôi sẽ đấu tranh đến cùng về cái chuyện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và tôi sẽ có lời kêu gọi đến tất cả các sinh viên, tất cả các sỹ quan trẻ, tất cả các lực lượng trong quân đội, chúng ta hãy kiên quyết đứng lên đấu tranh, đòi nhà cầm quyền Bắc Kinh hãy trả lại Hoàng Sa và Trường Sa cho dân tộc Việt Nam. Bởi vì dân tộc Việt Nam đã đổ quá nhiều máu trong khu vực ấy rồi. Cho nên phải trả lại, và có như thế thì 16 chữ vàng tôi mới chấp nhận. Còn nếu không làm như vậy, trả lại tất cả những đất ở biên giới, nó đã chiếm,….

Hoàng Hà: Thưa anh Anh Kim, lời kêu gọi của anh là lời kêu gọi tất cả quân đội đứng lên chống lại Trung Quốc, nhưng mà thưa anh, việc mà anh kêu gọi quân đội đứng lên chống Trung Quốc đó, thì tại sao chúng ta không đưa cho quân đội thấy rằng nhà cầm quyền CSVN đang hèn mạc đã dâng đất nước của mình cho người khác?

Trần Anh Kim: Thưa anh, nó như thế này ạ, bây giờ chúng tôi vẫn nói với nhau là “sống trong chăn mới biết chăn có rận”. Cái mánh khóe của đảng CSVN là người ta cài cắm từ đội thiếu niên trở lên, cho nên tất cả các lực lượng, trong đó đều có đảng cả. Ví dụ như bây giờ, trong quân đội biên chế, thì từ tiểu đội trở lên thì tiểu đội trường phải là đảng rồi. Thế thì anh bảo làm sao mà làm được? Tất cả của đảng cả, và bây giờ quân đội ta là phải trung với đảng cơ mà. Đáng lẽ quân đội ta là phải trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì nhân dân. Thế mà bây giờ lại nói quân đội ta trung với đảng, trung với đảng có nghĩa là trung với ba triệu người thôi. Thế cho nên nó cài cắm, cài cắm từ tiểu đội trưởng trở lên, cho đến bí thư quân ủy trung ương là Nông Đức Mạnh. Thế nhưng cái nguy hiểm nhất của nó là như thế này anh ạ, nguy hiểm nhất là từ vô sản, bây giờ chúng nó đã trở thành hữu sản, và chúng nó đã trở thành những tư sản đỏ, địa chủ đỏ, chúng nó rất giàu, cho nên chúng nó phải thân với Trung quốc để bảo vệ chính cái ngai vàng của nó. Và chính quân đội bây giờ cũng đã thoái hóa, biến chất rồi. Các sỹ quan vào đảng là mục tiêu của nó là để trấn áp anh em, trấn áp lính để làm giàu cho nó, cho nên nó cũng thoái hóa, biến chất cả rồi anh ạ. Cho nên tôi bảo là quân đội bây giờ cũng đã thoái hóa, biết chất cả. Nó là đảng cả mà.

Chỉ bao giờ quân đội không dưới sự lãnh đạo của đảng nữa. Quân đội phải độc lập, quân đội phải giữ đúng chức năng của nó là bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân thôi. Tôi rất mừng, cái mừng thứ nhất là sỹ quan trẻ đã nhận ra, cái mừng thứ hai là các cháu sinh viên đã nhận ra, cái đó là tôi rất mừng đã nhận ra điều đó. Cho nên quân đội chúng ta phải tách khỏi hẳn, quân đội chúng ta không thể bảo vệ đảng được. Quân đội chúng ta phải bảo vệ tổ quốc, thế thì bây giờ tổ quốc chúng ta đang mất mà quân đội chúng ta không làm thì tôi cho là quân đội chúng ta cũng hèn luôn! Quân đội Nhân Dân Việt Nam bây giờ hèn luôn.

Thế nhưng tôi đã nghe một câu rất sâu sắc là khi ông Phan Văn Khải sang Thái Lan, ông khoe với ông Thaksin là nước Việt Nam chúng tôi rất tự hào là đánh hết đế quốc này đến đế quốc khác. Ông Thaksin đã trả lời một câu rất ngắn ngọn là: “Thưa ông, đất nước chúng tôi không được vinh hạnh là đánh thắng những thứ đó!” Nếu giả sử như tôi là người sâu sắc, tôi nghĩ cái đó, nó nhục quá. Thế nhưng mà tôi tin rằng đến khi mà anh em sỹ quan trẻ và các lực lượng đã nhận ra thì lúc đó nó sẽ khác. Tôi tin rằng nó sẽ có cái bước ngoặc. Lúc này đang tích lũy về lượng và khi cái lượng nó đủ rồi, nó chuyển thành chất rồi, thì tôi tin là lúc đó, nó chuyển thành sức mạnh. Tôi có cái niềm tin như vậy anh ạ.

Thưa với tất cả quí vị nghe buổi hội luận hôm nay, tôi có một suy nghĩ như thế này: trước sau, cái lực lượng trẻ này, nó cũng sẽ phát huy truyền thống của ông cha ta. Trần Hưng Đạo, Quang Trung. Khi nó đã nhận đúng ra vấn đề rồi thì đảng CSVN có cản cũng không được nữa. Dứt khoát nó sẽ đứng đúng vào vị trí, đúng vào chức năng của nó là gì? Là lượng lượng vũ trang phải bảo vệ tổ quốc. Khi tổ quốc chúng ta mất, kiên quyết chúng ta phải chiến đấu để dành lại. Và chúng ta phải dành độc lập trọn vẹn, dân chủ thực sự, tự do thực sự, đúng nghĩa của nó.

Tôi thấy là ông Thiệu, ông ấy nói một câu rất hay là: “Đừng nghe những gì CS nói, hãy nhìn những gì CS làm”, thì trách nhiệm của chúng tôi là những người đi trước, chúng tôi phải làm cho lực lượng trẻ nhận ra vấn đề đó. Và sau khi nhận ra vấn đề đó, thì từ chỗ người ta nhận thức rồi, người ta triển [khai] ra cái chất khác rồi, thì cũng như có lần tôi trả lời cho đài BBC đấy, bây giờ nó đang là sóng ngầm, nhưng khi nó trở thành sóng thần rồi, thì thưa với anh, là nó sẽ dập tắt. Tôi tin rằng cái đó sẽ có, vấn đề chỉ còn là thời gian thôi, thưa anh Hoàng Hà.

Hoàng Hà: Dạ vâng, xin cảm ơn anh Trần Anh Kim rất là nhiều, xin kính chào anh.


CSVN bắt giam 2 nhà dân chủ: Cô Phạm Thanh Nghiên và Nhà Giáo Vũ Hùng

18/09/2008

Như chúng tôi đã loan báo trong bản tin ngắn ngày hôm qua, vào khoảng 14 giờ 30 ngày 18/9/2008, CA đã xông vào nhà chị Phạm Thanh Nghiên đọc lệnh bắt khẩn cấp với tội danh là điều 88 Luật Hình Sự và đã còng tay chị dẫn đi.

Và mới đây theo bản tin của Nhóm phóng viên tự do Khối 8406, thì vài tiếng sau (khoảng 17 giờ) công an Hà Tây cũng đã đưa thầy giáo Vũ Hùng về nhà, khám xét nhà và đọc lệnh bắt khẩn cấp… Hiện ông cũng bị bắt theo điều 88 và giam giữ tại trại B14, Hà Nội.

Cũng xin nói thêm là trong 4 ngày qua chị Phạm Thanh Nghiên đã bị bắt vào đồn Công An hạch hỏi đến 3 lần, Công an lục xét, đập phá đồ đạc 2 lần. Tình trạng này khiến chị Nghiên mất sức trầm trọng đến nỗi bác sĩ phải tới nhà truyền nước biển, nhưng công an vẫn đến nhà ép buộc chị phải lên đồn cho họ xách nhiễu. Cách hành xử phi nhân này diễn ra trước sự chứng kiến của mẹ chị Nghiên và nhiều bà con lối xóm.

Được biết ngay trước khi bị bắt đi vào ngày 13/9, chị Phạm Thanh Nghiên đã viết một bức tâm thư phản đối bức công hàm bán nước của cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 14/9/1958, công nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Trước tình trạng nhà cầm quyền CSVN tiếp tục gia tăng đàn áp các nhà dân chủ, khủng bố tinh thần sinh viên thanh niên, bịt miệng mọi hình thức biểu lộ lòng yêu nước và sự uất ức trước hành động xâm lấn của Bắc Kinh, chị Phạm Thanh Nghiên kêu gọi mọi người Việt Nam hãy bày tỏ thái độ bằng cách ngồi tọa kháng ngay trước cửa nhà mình cùng với hàng chữ lớn “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”.

Lời kêu gọi tha thiết của chị Phạm Thanh Nghiên đang được đón nhận trong niềm quí mến, cảm phục của các nhà dân chủ, tập thể anh chị em thanh niên sinh viên, và mọi người Việt Nam thiết tha với giang sơn đất nước.

*****

Tâm Thư

Trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, hàng hàng lớp lớp các thế hệ tiền nhân cống hiến cuộc đời, mạng sống của mình cho sự nghiệp cứu nước và dựng nước. Giải giang sơn gấm vóc mà chúng ta có được ngày hôm nay đã nhuộm thắm mồ hôi, xương máu của biết bao công dân Việt Nam đầy lòng ái quốc. Trong trách nhiệm của một con dân Việt Nam, trong sự biết ơn và trân quý những hy sinh xương máu của tổ tiên, tôi tự cho mình có bổn phận phải tiếp nối truyền thống bảo vệ và gìn giữ đất nước. Sự gìn giữ và bảo vệ không chỉ đơn thuần ở từng mét vuông lãnh thổ mà còn là danh dự và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Sự gìn giữ và bảo vệ này nằm trong tinh thần Tổ Quốc trên hết, đứng trên mọi bất đồng về ý thức hệ, chính kiến, tổ chức và đảng phái.

Cách đây đúng 50 năm, vào ngày 14 tháng 9 năm 1958, ông Phạm Văn Đồng đã đại diện đảng Cộng sản Việt Nam ký bản công hàm chấp nhận và tán thành bản Tuyên bố của đảng Cộng sản Trung Quốc về bề rộng lãnh hải của Trung Quốc trong đó bao gồm các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vốn tự nghìn đời thuộc vào lãnh thổ Việt Nam. Đây là một hành động cúi đầu bán nước của đảng cầm quyền CSVN đối với ngoại bang, chưa kể là ông cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thời điểm đó không có thẩm quyền ấy, vì 2 đảo Trường Sa và Hoàng Sa lúc ấy thuộc về quyền trách nhiệm sở hữu của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa. Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chấp nhận sự dâng hiến này của đảng CSVN. Hoàng Sa và Trường Sa muôn đời vẫn là lãnh thổ của Việt Nam.

50 năm trôi qua, mối nhục mất đất mất biển lại bị tiếp nối bởi nhiều sự dâng hiến khác, vì quyền lợi riêng tư, của thiểu số cầm quyền. Điển hình là Hiệp định về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung quốc vào ngày 30-12-1999 và Hiệp định phân định lãnh hải Việt Nam-Trung quốc ngày 25-12-2000. 789 cây số vuông dọc biên giới Trung Việt, trong đó có thác Bản Giốc và Ải Nam Quan cùng một phần lãnh hải của dân tộc, lại bị dâng hiến cho ngoại bang. Thêm một lần nữa, độc lập của Việt Nam lại bị xâm phạm, danh dự của dân tộc Việt Nam lại bị chà đạp. Trong khi đó, mọi tiếng nói, hành động bày tỏ quan điểm của công dân Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, mọi thái độ thể hiện lòng yêu nước và bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ cha ông của người dân đã bị thẳng tay đàn áp, bắt bớ hoặc giam cầm.

50 mươi năm trôi qua nhưng chúng ta không thể quên. Vì một phần thân thể của đất mẹ vẫn còn bị cắt đứt. Chúng ta không thể cúi đầu. Vì danh dự và tự hào dân tộc vẫn là một vết nhục chưa được xóa nhòa. Chúng ta không thể im lặng. Vì im lặng là đồng ý với hành động bán nước. Chúng ta không thể buông xuôi. Vì mọi sự thờ ơ và buông xuôi sẽ dẫn đến những hành động bán nước tiếp diễn trong tương lai. Chúng ta, không những phải nỗ lực lấy lại những gì đã mất, mà còn phải ngăn chận những gì sẽ mất trong tương lai. Một người, chúng ta sẽ không thành công. Một ngày, một tháng, một năm là quá ngắn để đạt được mục đích. Nhưng với nhiều công dân Việt Nam, bằng trách nhiệm, lương tâm và lòng yêu nước, bằng chiều dài cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ thành công trong việc tiếp nối sự nghiệp cứu nước và giữ nước của tiền nhân.

Trong sự ý thức về trách nhiệm của một công dân Việt Nam, trong tinh thần Tổ Quốc trên hết, tôi quyết định sẽ tọa kháng ngay trước nhà của tôi khởi từ ngày 14 tháng 9 năm 2008 trở đi để phản đối hành động bán nước, dâng hiến Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc cách đây 50 năm. Lý do tôi phải chọn hình thức đấu tranh này là vì tôi đã từng nộp đơn xin phép nhà nước để được biểu tình, để được làm theo đúng pháp luật quy định của nhà nước, hầu không bị công an vô cớ đàn áp và vu khống như những lần tham dự biểu tình trước, nhưng đơn xin phép của tôi cũng đã bị bác bỏ, và bản thân tôi lại bị hành hung. Tôi khiếu tố và đơn khiếu tố ấy cũng bị tòa từ chối không giải quyết. Tôi không còn lựa chọn nào khác trừ phương thức đấu tranh tọa kháng ngay tại nhà tôi để thể hiện quyền bày tỏ thái độ của tôi, một quyền mà chính hiến pháp nhà nước trong điều khoản 69 cũng đã ghi rõ. Và lần này, nếu nhà nước đàn áp, sách nhiễu hay xử dụng bạo lực với tôi, hay thậm chí án tù với tôi, thì ít ra tôi cũng đã thể hiện qua chính sự an nguy của tôi cho cả thế giới được biết sự thật của đất nước này là không hề có tự do ngôn luận, cho dù là ngay tại chính nhà mình sở hữu.

Tôi cũng tọa kháng để phản đối mọi hành động khiếp nhược của nhà nước này trước ngoại bang phương bắc nhưng lại hung hãn đàn áp mọi tiếng nói, mọi thái độ bày tỏ lòng yêu nước của công dân Việt Nam. Đây chỉ là một việc làm nhỏ bé mà cá nhân tôi có thể làm được trong lúc này. Nhưng dù là một hành động nhỏ bé, nhưng với tinh thần đất nước là của chung, tôi xin kính khẩn kêu gọi mọi tầng lớp công dân Việt Nam, quý bác, quý chú đã từng hy sinh cuộc đời của mình cho nền độc lập của đất nước, các anh chị và các bạn trẻ đang mong ước đất nước Việt Nam sẽ ngẩng cao đầu với cộng đồng nhân loại, hãy cùng với tôi bày tỏ thái độ và lòng yêu nước của mình ngay tại chính nhà của quý vị, bất cứ ngày nào khởi từ ngày 14 tháng 9 này trở đi, nếu như quý vị cũng như chúng tôi bị ngăn cấm, không thể đến được nơi biểu tình ở Hà Nội vào 14/09 trước sứ quán Trung Quốc.

Mục đích duy nhất của hành động tọa kháng của tôi là bày tỏ lòng yêu nước và nhắc nhở cho chính tôi và đồng bào của tôi về mối nhục mất đất, mất biển và tôi mong mỏi được sự hỗ trợ và đồng thuận của nhiều người qua những hành động cụ thể. Nếu tôi bị bắt giam thì chắc chắn “tội” của tôi và đó là là tội duy nhất của tôi, là đã dám công khai bày tỏ lòng yêu nước của mình. Và nếu vì yêu nước mà bị giam cầm thì tôi rất sẵn sàng và hãnh diện đón nhận bản án tù ấy bất cứ lúc nào.  Và nếu như tôi bị bắt giam trước khi tôi có cơ hội toạ kháng tại nhà như ước muốn, thì tôi sẽ tọa kháng phản đối trong nhà tù. Đối với tôi những khó khăn này rất là nhỏ bé so với những hy sinh của các bậc tiền nhân, của các vị cha chú đi trước tôi đã trải qua trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Kính mong,

Ngày 13 tháng 09 năm 2008
Công dân Phạm Thanh Nghiên
17 Phương Lưu 2, Phường Đông Hải, Quận Hải An, Hải Phòng


Kiến nghị hủy bỏ công hàm Phạm Văn Đồng

16/09/2008

Cập nhật ngày 12/09/2008
Quí đồng bào muốn ký tên vào Kiến Nghị này, xin gởi tên họ và địa chỉ tại Việt Nam về hộp thư kiennghi1409@gmail.com

KIẾN NGHỊ HỦY BỎ CÔNG HÀM 14 THÁNG 9 NĂM 1958 CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG

Kính gửi:  Ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam
– Ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
– Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng Chính Phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
– Ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Quốc Hội Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Thưa các ông

Từ nhiều năm nay, Chính phủ ta đã khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy phía chính quyền Trung Quốc đã không những không tôn trọng điều khẳng định của Chính phủ ta mà còn liên tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của ta:

Tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Tháng  5 năm 1988, Trung Quốc đã xâm chiếm nhiều đảo ở Trường Sa.

Tháng 11 năm 2007, Trung Quốc đã cho thiết lập huyện Tam Sa để trực tiếp quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong lúc hai quần đảo này còn trong vòng tranh chấp giữa ta và chính quyền Trung Quốc.

Tháng 7 năm 2008, Trung Quốc đã cảnh báo và yêu cầu tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Hoa Kỳ rút khỏi hợp đồng khai thác mỏ dầu với chính phủ ta. Trước đó, vào tháng 6 năm 2007, nhà cầm quyền Trung Quốc cũng đã phản đối và yêu cầu ngưng hợp đồng giữa Chính phủ ta với tập đoàn dầu khí BP của Anh nhằm nghiên cứu dầu khí gần khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khiến cho tập đoàn BP đã phải tạm ngưng kế hoạch xúc tiến.

Mới đây, trong khi chuẩn bị Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, nhà cầm quyền Trung Quốc đã vẽ lại bản đồ Trung Quốc trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ta. Giữa tháng 8 năm 2008, hải quân Trung Quốc trang bị dàn hỏa tiễn tối tân xâm nhập vào khu vực lãnh hải của Việt Nam.

Những hành động nói trên cho thấy là nhà cầm quyền Trung Quốc coi thường công luận và tiếp tục xâm phạm hải đảo của Việt Nam, trong khi Chính phủ ta chỉ lên tiếng phản đối một cách quá dè dặt. Một trong những văn bản bị Trung Quốc lợi dụng để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa là Công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho thủ tướng Chu Ân Lai vào ngày 14 tháng 9 năm 1958 xác nhận rằng: “Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc”. ( Bản Tuyên bố của Trung Quốc khẳng định hải phận 12 hải lý của họ, trong đó bao gồm chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ). Sau này, chính phủ ta có giải thích về lý do ra đời của Công hàm vào năm 1958 là hoàn toàn mang tính ngoại giao không ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc không đếm xỉa gì đến giải thích này.

Nhiều thế hệ Việt Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ giang sơn tổ quốc. Chúng ta trong thế hệ này không những tiếp tục bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của cha ông để lại mà còn phải can đảm sửa sai những lầm lẫn của quá khứ để không tiếp tục trao gánh nặng lại cho thế hệ tương lai. Những sai lầm của ta xuất phát từ niềm tin trong sáng vào họ khi cùng họ đấu tranh cho một ý thức hệ mà ta tưởng là lý tưởng. Nay chính họ đã phản bội lại tất cả và ngày càng biểu lộ dã tâm xâm lăng đất nước ta, bởi vậy, ta không thể không có thái độ dứt khóat và hành động mạnh mẽ để đáp trả đích đáng dã tâm của đối phương.

Ngày 14 tháng 9 năm nay là vừa tròn nửa thế kỷ đã trôi qua đối với bản công hàm do cá nhân thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký mà không thông qua Quốc hội, không trưng cầu ý kiến toàn dân. Bởi vậy, nhân dịp này chúng tôi khẩn thiết đề nghị Nhà nước ta chính thức tuyên bố hủy bỏ Công hàm mà cá nhân thủ tường Phạm văn Đồng đã ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 gửi cá nhân thủ tướng Chu Ân Lai.

Chúng tôi hoàn toàn tin rằng đây là sở nguyện của toàn dân Việt Nam và làm được như vậy mới có thể chuộc lỗi cùng Tổ quốc và Nhân dân, từ đó sẽ cứu vãn được lòng tin.

Hà Nội ngày 2 tháng 9 năm 2008

Những người ký tên kiến nghị :
(Tính đến ngày 12/9/2008)

Quí đồng bào muốn ký tên vào Kiến Nghị này, xin gởi tên họ và địa chỉ tại VN đến hộp thư kiennghi1409@gmail.com

Cựu chiến binh ( theo thứ tự tên gọi)
1. Phan Anh – thương binh, giáo viên trường PTTH Quang Trung, tp Hà Đông
2. Phạm Quế Dương – đại tá QĐND VN, 37 Lý Nam Đế, Hà Nội
3. Lê Điệp – CCB, 17 Hàng Quạt, Hà Nội
4. Lê hữu Điệp – CCB, 40, phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Ha Nội
5. Lý Anh Kim – CCB, 87, Phường Phúc Xá, Ba Đình, Ha Nội
6. Trần Anh Kim – Trung tá QĐNDVN, biên tập viên tập san Tổ Quốc
7. Nguyễn Trọng Lâm – CCB, 46 Trần Hưng Đạo, Hà Nội
8. Nguyễn văn Miến – đại tá QĐNDVN, 30 đường Nguyễn Cao, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
9. Nguyễn Kim Nhàn – CCB, số nhà 1413, khu 34, thành phố Bắc Giang
10. Nguyễn Thanh Nhàn- thương binh chống Mỹ, gv trường PTTH Quang Trung, tp Hà Đông
11. Phạm văn Phiếu – cụu quyết tử quân Trung đoàn Thủ đô, 8/28 Hương viên, Hai Bà Trưng, Hà Nội
12. Trịnh Khả Phức – Cựu chiến binh chống Pháp – số 6, nhà P9, khu lắp ghép Trương Định, Hanoi
13. Vũ Cao Quận – CCB, Hải Phòng, biên tập viên tập san Tổ Quốc
14. Lê Anh Sơn – CCB, 17 Nguyễn Du, Hà Nội
15. Đỗ Việt Sơn – lão thành cách mạng, 4/21. Nguyễn Cao, Hà Nội
16. Trần Đức Thạch – CCB, Hội viên Hội Văn Nghệ Nghệ An
17. Nguyễn Thế – CCB, Thanh Xuân, Hà Nội
18. Đỗ văn Thỉnh – CCB, Văn Phú, Phú La, Hà Đông
19. Chu văn Thưởng – CCB, 18 Ngõ Quỳnh, Bạch Mai, Hà Nội
20. Cao Bá Trữ – thiếu tá QĐNDVN, Đống Đa, Hà Nội

Nhân Dân Việt Nam (theo thứ tự tên gọi)
1. Tiêu Dao Bảo Cự – nhà văn, Thành phố Đà Lạt
2. Kim Văn Duy – sinh viên ĐH Kiến Trúc, tp HCM
3. Ninh Thị Định – 3/20/215 Lê Lai, Ngô Quyền, Hải Phòng.
4. Nguyễn Thanh Giang – tiến sỹ Địa Vật lý, số 6, tập thể Địa Vật lý Máu bay, Hà Nội
5. Lê Văn Giắt – Phòng 7b, số nhà 41, đường số 20, khu phố 4, phường hiệp bình chánh, quận thủ đức, Tp. HCM
6. Nguyễn Quốc Hải (Somsak Khunmi) – đảng viên Đảng Việt Tân, Ninh Hòa, Khánh Hòa
7. Vi Đức Hồi – Cựu hiệu trưởng Trường Đảng Hữu Lũng, Lạng Sơn khu An Thịnh, Hữu Lũng, Lạng Sơn.
8. Vũ Hùng – cựu giáo viên vật lý trường PTCS Bích Hòa, Hà Tây
9. Vũ Mạnh Hùng – Cán bộ quản lý khu nội trú Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thương mại, Hà Nội
10. Trần Lâm – luật sư, Thành phố Hải Phòng
11. Mai Thái Lĩnh – cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Đà Lạt, Lâm Đồng
12. Nguyễn Thượng Long – nhà giáo, Văn La, Văn Khê, Hà Đông
13. Nguyễn thị Lợi – ( thân mẫu cô Phạm Thanh Nghiên)
14. Nguyễn Văn Lượng –    33 Ngô Thế Lân, Tây Lộc, Huế
15. Hoàng Thái Mầu – 33 Ngô Thế Lân, Tây Lộc, Huế
16. Nguyễn Tiến Nam, tổ 24, phường Yến Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
17. Võ văn Nghệ – 277A, đường Nguyễn Trãi, phường Tây Sơn, tp Thanh Hóa
18. Nguyễn Xuân Nghĩa – nhà văn, số nhà 828, đường Trường Chinh, Kiến An, Hải Phòng
19. Phạm Thanh Nghiên, số nhà 17, Phương Lưu 2, phường Đông Hải, quận Hải An, Hải Phòng.
20. Hà Sỹ Phu – tiến sỹ sinh vật học, 4E Bùi thị Xuân, thành phố Đà Lạt
21. Lê Minh Phúc – Cựu Tổng giám đốc Liên hiệp Địa Vật lý Máy bay Việt Nam
22. Nguyễn Tấn Phúc (Việt Dân) – Long Xuyên, An Giang
23. Phạm Thị Phượng – Cầu Tre, Ngô Quyền, Hải Phòng.
24. Lê Quang, giáo sư đại học, Thanh Xuân, Hà Nội
25. Nguyễn Hồng Quang – mục sư, C5/1H Trần Náo, Quận 2, Sài Gòn
26. Lê Quốc Quân, luật sư, Cầu Giấy, Hà Nội
27. Bùi Minh Quốc – nhà văn, 3 Nguyễn Thượng Hiền, Đà Lạt
28. Ngô Quỳnh – Hiệp Hòa, Bắc Giang
29. Phạm Hồng Sơn – bác sĩ, 72B Thụy Khuê, Hà Nội
30. Nguyễn văn Tính (tức Hoàng Hải Minh) Quán Chữ, Hải Phòng, mobile 0984 414479
31. Lưu thị Thu – 282, Lê Lai, Ngô Quyền, Hải Phòng
32. Trần Khải Thanh Thủy – nhà văn, biên tập viên tập san Tổ Quốc
33. Huỳnh Ngọc Tuấn – Tổ 16 , Phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ – Tỉnh Quảng Nam
34. Vũ như Ý – nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Giao thông vận tải, phường Vĩnh Tuy, Hà Nội
35. Phạm Thanh Yến, lô A1, Thái Phiên, Cầu Tre, Ngô Quyền, Hải Phòng

… Và thư ủng hộ ngày 9 tháng 9 năm 2008 của 70 Mục Sư, Truyền Đạo, Sinh Viên Thần Học Tin Lành độc lập tại Việt Nam, đính kèm


70 mục sư, nhân sự, sinh viên Tin Lành ủng hộ kiến nghị hủy bỏ công hàm PVĐ

16/09/2008

“ Chớ dời ranh giới cũ, đoạt đất của kẻ mồ côi, Vì Đấng Cứu Chuộc họ là Thượng Đế năng quyền, Sẽ biện hộ cho họ và khép tội con” (Châm ngôn 23:11-12. Bản diễn ý. International Bible Society 1994 .)

Sài Gòn Ngày 09/09/2008

Hòa bình, công lý cho vấn đề Hoàng sa &Trường sa

Sáng và chiều tối ngày 08/09/2008 trên loa phát thanh phường Bình khánh, Quận 2, Sài Gòn khẩn thiết kêu gọi thanh niên tòng quân bảo vệ tổ quốc. Khác như mấy lần kêu gọi nhập ngũ trước, lần nầy như linh cảm đất nước phải đối diện với một cuộc chiến tranh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Thêm vào đó là trên các trang mạng toàn cầu và đặc biệt là dư luận lan tỏa khắp Việt Nam về cuộc chiến tranh với Trung Quốc là rất có thể xảy ra nếu như Trung Quốc cứ khư khư xem Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của họ!

Hòa bình tốt hơn chiến tranh, Công lý tốt hơn tiến công vũ trang gây máu đổ thương đau cho người dân hai nước Trung – Việt.

Do đó chúng tôi là các Mục Sư, Truyền Đạo, Sinh Viên Thần Học Tin Lành độc lập tại Việt Nam cũng là công dân nước Việt nên rất quan tâm sâu xa về quyền lợi của dân tộc và hòa bình cho quê hương theo đúng luật Thượng Đế trong Thánh kinh, tôn trọng công lý đề cao đấu tranh pháp lý để có nền hòa bình xứng đáng cho nhân dân hai nước!

Bởi đó Chúng tôi minh định sự thật lịch sử được diễn tiến như sau:

1. Từ thế kỷ 15 đến nay Việt Nam đã có chứng cứ lịch sử và pháp lý chắc chắn về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

2. Chính quyền Việt Nam nhiều trăm năm qua các thời kỳ luôn thực hiện chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mang tính liên tục, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thông lệ lẫn công pháp Quốc Tế trong việc xác lập chủ quyền của mình trên hai quần đảo  nói trên.

3. Ngót 500 năm trước, vào thế kỷ 15, nhân dân Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung đã biết Vạn Lý Hoàng Sa hay Đại Trường Sa là lãnh thổ nằm trong địa lý hành chính của Việt Nam.

4. Mãi cho tới năm 1909 nhà cầm quyền Trung Hoa mới manh nha mang 170 lính thủy đến Hoàng Sa bằng hai pháo thuyền nhỏ lén lên vài đảo nhỏ của Hoàng Sa rồi vội vã rút lui sau một ngày đêm.

  • Hai mươi lăm năm sau, khoảng năm 1925 thì  tham vọng Trung Hoa trong tập “Trung Quốc Phân tỉnh tâm đồ” xuất bản ở Thượng Hải mới mơ màng về “Tây Sa” và “Nam Sa” quần đảo.
  • Cuối năm 1946 Trung Hoa Dân Quốc đưa tàu chiến đem quân đổ bộ lên Hoàng Sa và Trường Sa bị Pháp lên án vội rút đi, quân Pháp tái lập quân đồn trú tại Hoàng Sa.
  • Ngày 01/12/1946 Tổng Thống Tưởng Giới Thạch lần đầu tiên ký sắc lệnh mang tính pháp lý đặt tên Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thành Tây Sa và Nam Sa.
  • Ngày 13/01/1947 Pháp phản kháng Trung Hoa Dân Quốc âm mưu chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa . Pháp cho tàu Le Tonkinois đổ bộ Trung đội hỗn hợp Việt – Pháp trấn giữ gồm 27 binh sĩ (10 binh sĩ Pháp và 17 binh sĩ Việt Nam)
  • Năm 1950 Trung Hoa Dân Quốc thất trận và rút luôn quân đồn trú bất hợp pháp ở một số đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về Đài Loan.
  • Ngày 15/08/1951 Ngoại trưởng Trung cộng là Chu Ân Lai mới yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa qua tuyên bố: “Tây Sa và Nam Sa lúc nào cũng là lãnh thổ của Trung Quốc”.
  • Năm 1956 lợi dụng quân Pháp rút, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chưa kịp thay thế quân Pháp nên Trung Quốc chiếm nhóm đảo phía đông Hoàng Sa, Đài Loan chiếm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.
  • Tối 20 rạng sáng 21/02/1959 Trung Quốc cho quân đội giả làm ngư dân đổ bộ lên đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa hòng chiếm nốt các đảo phía Tây Hoàng Sa nhưng bị các chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đồn trú tại Hoàng Sa kịp thời ứng phó bắt giữ 82 lính giả dạng ngư dân làm tù binh và cùng lúc bắt giữ 5 chiếc tàu dùng để xâm lấn Hoàng Sa.
  • Ngày 15/01/1974 Trung Quốc đổ quân cắm cờ trên nhóm đảo phía tây Hoàng Sa, tàu tuần tiểu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dùng loa và đèn hiệu yêu cầu lính Trung Quốc rút khỏi đảo nhưng họ làm lơ không chịu rút.
  • Ngày 16/01/1974 chính phủ Miền Nam Việt Nam ra tuyên bố phản đối Trung Quốc, và công bố chứng cứ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
  • Ngày 17/01/1974 Trung Quốc huy động tàu chiến đến khiêu khích tàu của quân lực Việt Nam Cộng Hòa làm nhiệm vụ tuần tra đảo.
  • Ngày 18/01/1974 Trung Quốc  tuyên bố như tuyên chiến rằng: có quyền làm mọi hành vi cần thiết để “tự vệ”!
  • Hồi 8 giờ 30 phút ngày 19/01/1974 tàu chiến Trung Quốc bắt đầu nổ súng vào tàu HQ4 của Việt Nam Cộng Hòa làm 2 binh sĩ chết và 2 binh sĩ bị thương nhưng quân đội VNCH vẫn kiềm chế không nổ súng, trên biển chiến hạm Trung Quốc húc mũi vào tàu Hải quân VNCH và khiêu chiến, đến 10 giờ 25 phút, cuộc hải chiến ác liệt nổ ra QLVNCH chiến đấu chống lại quân Trung Quốc quyết liệt, bắn cháy 1 chiến hạm và bắn hư 3 chiến hạm khác của Trung Quốc. Quân Trung Quốc có máy bay ném bom hỗ trợ và hàng trăm lượt máy bay hoạt động liên tục đã áp đảo quân VNCH.
  • Ngày 20/01/1974 QLVNCH rút khỏi Hoàng sa trước sức tấn công với hỏa lực hùng hậu từ phía Trung Quốc.
  • Ngày 24/01/1974,  3 chiến hạm của hải quân QLVNCH mang theo thi hài 4 binh sĩ chết, 20 binh sĩ bị thương về tới cảng Đà Nẵng.Trung Quốc bắt 48 binh sĩ làm tù binh  (có 1 cố vấn Mỹ) và  có hơn 100 binh sĩ mất tích trong trận hải chiến oanh liệt nầy. Sau nầy tổng kết có khoảng 50 người tử trận.

Vậy Hoàng Sa mất vào tay Trung Quốc trong một cuộc chiến không cân sức bởi mưu kế của chính Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ Tướng Chu Ân Lai giao cho phó Thủ Tướng Đặng Tiểu Bình và Tướng Diệp kiếm Anh trực tiếp chỉ huy cuộc tiến công. Hai lần QLVNCH yêu cầu Hạm đội 7 của Hoa Kỳ tiếp cứu nhưng họ đều từ chối lạnh lùng, làm ngơ cho Trung Quốc đánh phủ đầu QLVNCH! (Theo tin của Hãng AP – Sài gòn ngày 21/01/1974.Báo Le soir 22/01/1974).

  • Ngày 30/07/1977 Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố “ khi thời cơ đến chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) chứ không thương lượng gì hết”.
  • Tháng 2/1979 Trung Quốc mở cuộc tiến công quân sự đẫm máu 6 tỉnh phía Bắc nước ta gây thiệt hại nhân mạng và tài sản rất lớn cho nhân dân Việt Nam.
  • Ngày 30/01/1980 Bộ ngoại giao Trung Quốc ra văn kiện viện cớ rằng trước kia chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH ) “công nhận” Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, họ có viện dẫn:
    +. Công hàm 14/09/1958 của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng.
    +. Tuyên bố ngày 09/05/ 1965 của chính phủ VNDCCH.
  • Năm 1981 hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc thăm dò trinh sát vùng Vịnh Bắc Bộ.
  • Năm 1983 hai tàu chiến  trinh sát Trường sa và tàu đánh cá vũ trang hoạt động vùng biển nầy.
  • Tháng 6 /1984 Quốc Hội Trung Quốc phê chuẩn sát nhập Hoàng Sa & trường Sa trực thuộc Quảng Đông.
  • Ngày 05/09/1987 Trung Quốc thành lập Hải Nam là tỉnh thứ 30 của Trung Quốc.
  • Từ 16/05/1987 đến tháng 11/1987 Hải quân Trung Quốc liên tục tập trận vùng biển Trường Sa và chuyển thủy quân lục chiến đến Hoàng Sa.
  • Tháng 01/1988 Tàu khu trục mang tên lửa, cùng nhiều tàu chiến tập trung vùng Trường Sa và chiếm 6 đảo của Việt Nam tại Trường Sa.
  • Ngày 14/03/1988 Trung Quốc tấn công vũ trang vào hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa làm 2 tàu chìm 3 binh sĩ chết,74 binh sĩ bị bắt, một số mất tích, sau nầy tin có hơn 70 người bị chết.
  • Từ năm 1988  đến nay Trung Quốc tiếp tục xây dựng căn cứ, tồ chức các hạm đội, tàu ngầm, các đơn vị tác chiến trên biển, củng cố thế lực quân sự hùng mạnh vùng biển đông, uy hiếp trực tiếp nước ta và muốn tấn công quân đội Việt Nam đồn trú tại Trường Sa.
  • Năm 1990 Trung Quốc chiếm thêm 2 đảo của ta tại Trường sa. Nay họ đã chiếm tổng cộng 10 đảo.
  • Tháng 05/1992 Trung Quốc hợp tác với công ty Crestone của Hoa kỳ thăm dò dầu khí tại vùng biển ngoài khơi Trung  phần nước ta.
  • Tháng 08/1992 Trung Quốc cho 2 tàu với danh nghĩa nghiên cứu khoa học tiến sâu vào vịnh Bắc bộ nước ta, tàu Nam Hải tiến sâu vào vùng biển Hải phòng.
  • Thập niên 90 Trung Quốc ngang nhiên đưa nhiều tàu khoa học dò tìm dầu hỏa ngay trong vùng biển Việt Nam có lần vào sát cửa biển Thái bình có 37 hải lý!
  • Năm 1992 Trung Quốc ban hành đạo luật tuyên bố sẽ đánh chìm tàu nào qua lại vùng biển đông mà không xin phép ( máy bay Việt Nam cũng không được bay qua không phận Hoàng Sa ).
  • Năm 2001 vùng biển thuộc đia phận Quãng Bình bị “ngư dân “ Trung Quốc xâm phạm cả ngàn lần!
  • Năm 2002 có hơn 1000 vụ vi phạm từ phía Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của ta, Trung Quốc xem vùng vịnh Bắc bộ là ngư trường của họ.
  • Ngày 08/01/2005 ba tàu chiến Trung Quốc bắn chết 9 ngư dân Việt Nam và bắt giam một số ngư dân khác, cũng thời điểm 2005 Trung Quốc vẫn còn giam giữ 85 ngư dân của ta khi họ kiếm sống trên vùng biển quen thuộc của cha ông mình bao đời nay mà không hề có chuyện gì!
  • Ngày 18/08/2005 Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Trì Hạo Điền thuyết trình cho quân đội Trung Quốc về đề tài: Chiến tranh không xa chúng ta… dù phải hy sinh ½ dân số Trung Hoa!
  • Vào tháng 06/2006 Trung Quốc lại phổ biến bản đồ mới bộc lộ tham vọng bá quyền bất biến của họ khi vẽ ranh giới Trung Quốc sát bờ biển Quãng Ngải 70 hải lý, sát bờ biển Cam Ranh 45 hải lý chiếm phần thềm lục địa Việt Nam.Trong khi đó lãnh hải nước ta theo công ước quốc tế  về biển qui định là 200 hải lý.
  • Tháng 04/2007Trung Quốc vẫn bắn vào ngư dân Việt Nam trên biển.
  • Ngày 14/ 06/2007 Trung Quốc cản trở tập đoàn dầu khí BP. Anh Quốc đang thực hiện hợp đồng  khảo sát dầu khí với Việt Nam tại vùng Hoàng Sa và Trường Sa.
  • Ngày 09/07/2007 Hải quân Trung Quốc tiếp tục bắn chìm ngư thuyền của ngư dân Việt Nam trên biển làm 1 người chết và nhiều người bị thương
  • Tháng 11/2007 Trung Quốc chính thức thiết lập đơn vị hành chánh quản lý và khai thác Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta.
  • Tháng 07/2008 Trung Quốc cảnh báo, ngăn cản tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Hoa Kỳ ngưng hợp đồng khai thác dầu khí ở vùng biển nước ta.
  • Trước Thế Vận Hội Olympic Bắc Kinh 2008, Trung Quốc vẽ lại bản đồ và họ vẽ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung quốc.
  • Giữa tháng 08/2008 mới đây, mặc dầu đang bận Thế Vận Hội nhưng Trung Quốc vẫn cho tàu trang bị vũ khí hiện đại xâm nhập vùng biển Trung phần nước ta.
  • Đồng thời trên các báo Trung Quốc họ còn hăm dọa “Quân đội Trung Quốc còn nợ vùng biển Tam Sa một cuộc chiến tranh!” và cũng trên các trang báo mạng Trung Quốc đều xuất hiện quan điểm hiếu chiến đòi tấn công quân sự Việt Nam!

Với những diễn tiến như vậy chứng minh rất rõ rằng nhà cầm quyền Trung Quốc hiện vẫn muốn dùng vũ lực chiếm cứ lâu dài hai quần đảo Hoàng Sa Và Trường Sa của nước ta, họ khai thác tài nguyên một cách bất hợp pháp, coi thường tình hữu nghị Việt –Trung, họ tiếp tục có những hoạt động quân sự uy hiếp nước ta. Vì lẽ đó chúng tôi có những tuyên bố sau:

1. Ủng hộ  thư kiến nghị ngày 02/09/2008 của những công dân Việt Nam yêu nước tại Hà Nội khẩn thiết đề nghị chính phủ Việt Nam chính thức tuyên bố hủy bỏ Công hàm 14/09/1958 và làm mọi cách để đính chính lại tính pháp lý cũng như hoàn cảnh lịch sử ra đời tuyên bố ngày 09/05/1965 của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, không để cho Trung Quốc viện dẫn để hợp pháp hóa việc xâm lược của họ.

2. Yêu cầu chính phủ Việt Nam nhanh chóng đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Án Quốc Tế, tranh thủ mọi diễn đàn quốc tế và Liên Hiệp Quốc để tuyên truyền sâu rộng về các chứng cứ lịch sử và pháp lý chắc chắn của Việt Nam về chủ quyền của mình trên hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

3. Yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng hiến pháp, tôn trọng những cuộc biểu tình yêu nước của sinh viên học sinh và nhân dân lên án Trung Quốc xâm lược, nghiêm cấm bất kỳ ai cản trở, nên khích lệ toàn dân tham gia biểu tình lên án xâm lược và thu hút sự đoàn kết dân tộc trong và ngoài nước để một lòng cùng bảo vệ giang sơn.

4. Yêu cầu chính phủ Việt Nam thực thi điều 14 Hiến pháp 1992 của nước CHXHCNVN mạnh dạn hợp tác quân sự, chính trị, xã hội hơn nữa với các quốc gia tự do dân chủ văn minh như Khối Các Quốc Gia Thịnh Vượng Âu Châu, Khối Bắc Mỹ,  Khối Úc Châu – Asean, để dân chủ hóa đất nước, nâng cao sức mạnh dân tộc, bảo vệ hữu hiệu hòa bình và công lý đúng nghĩa cho quốc gia.

5. Yêu cầu chính phủ có điều kiện nên vận động mọi cách đến mọi tầng lớp nhân dân, quân đội Trung Quốc chống chiến tranh, mở trang Web cung cấp chứng cứ lịch sử, pháp lý cho toàn dân hai nước Việt -Trung biết để hai dân tộc cùng nhau bảo vệ hòa bình, tránh một cuộc đối đầu bằng chiến tranh thảm khốc!

Các Mục Sư, Nhân Sự và Sinh Viên Tin Lành Mennonite gồm 70 người có mặt

Đồng ký tên


Tâm thư của cô Phạm Thanh Nghiên

15/09/2008

Nghe âm thanh của cô Phạm Thanh NghiênTâm thư Phạm Thanh Nghiên

Tâm Thư Trước Giờ Bị CSVN Bắt Giam!!!!!

Trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, hàng hàng lớp lớp các thế hệ tiền nhân cống hiến cuộc đời, mạng sống của mình cho sự nghiệp cứu nước và dựng nước. Giải giang sơn gấm vóc mà chúng ta có được ngày hôm nay đã nhuộm thắm mồ hôi, xương máu của biết bao công dân Việt Nam đầy lòng ái quốc. Trong trách nhiệm của một con dân Việt Nam, trong sự biết ơn và trân quý những hy sinh xương máu của tổ tiên, tôi tự cho mình có bổn phận phải tiếp nối truyền thống bảo vệ và gìn giữ đất nước. Sự gìn giữ và bảo vệ không chỉ đơn thuần ở từng mét vuông lãnh thổ mà còn là danh dự và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Sự gìn giữ và bảo vệ này nằm trong tinh thần Tổ Quốc trên hết, đứng trên mọi bất đồng về ý thức hệ, chính kiến, tổ chức và đảng phái.

Cách đây đúng 50 năm, vào ngày 14 tháng 9 năm 1958, ông Phạm Văn Đồng đã đại diện đảng Cộng sản Việt Nam ký bản công hàm chấp nhận và tán thành bản Tuyên bố của đảng Cộng sản Trung Quốc về bề rộng lãnh hải của Trung Quốc trong đó bao gồm các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vốn tự nghìn đời thuộc vào lãnh thổ Việt Nam. Đây là một hành động cúi đầu bán nước của đảng cầm quyền CSVN đối với ngoại bang, chưa kể là ông cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thời điểm đó không có thẩm quyền ấy vì 2 đảo Trường Sa và Hoàng Sa lúc ấy thuộc về quyền trách nhiệm sở hữu của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa. Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chấp nhận sự dâng hiến này của đảng CSVN. Hoàng Sa và Trường Sa muôn đời vẫn là lãnh thổ của Việt Nam.

50 năm trôi qua, mối nhục mất đất mất biển lại bị tiếp nối bởi nhiều sự dâng hiến khác, vì quyền lợi riêng tư, của thiểu số cầm quyền. Điển hình là Hiệp định về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung quốc vào ngày 30-12-1999 và Hiệp định phân định lãnh hải Việt Nam-Trung quốc ngày 25-12-2000. 789 cây số vuông dọc biên giới Trung Việt, trong đó có thác Bản Giốc và Ải Nam Quan cùng một phần lãnh hải của dân tộc lại bị dâng hiến cho ngoại bang. Thêm một lần nữa, độc lập của Việt Nam lại bị xâm phạm, danh dự của dân tộc Việt Nam lại bị chà đạp. Trong khi đó, mọi tiếng nói, hành động bày tỏ quan điểm của công dân Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, mọi thái độ thể hiện lòng yêu nước và bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ cha ông của người dân đã bị thẳng tay đàn áp, bắt bớ hoặc giam cầm.

50 mươi năm trôi qua nhưng chúng ta không thể quên. Vì một phần thân thể của đất mẹ vẫn còn bị cắt đứt. Chúng ta không thể cúi đầu. Vì danh dự và tự hào dân tộc vẫn là một vết nhục chưa được xóa nhòa. Chúng ta không thể im lặng. Vì im lặng là đồng ý với hành động bán nước. Chúng ta không thể buông xuôi. Vì mọi sự thờ ơ và buông xuôi sẽ dẫn đến những hành động bán nước tiếp diễn trong tương lai. Chúng ta, không những phải nỗ lực lấy lại những gì đã mất, mà còn phải ngăn chận những gì sẽ mất trong tương lai.  Một người, chúng ta sẽ không thành công. Một ngày, một tháng, một năm là quá ngắn để đạt được mục đích. Nhưng với nhiều công dân Việt Nam, bằng trách nhiệm, lương tâm và lòng yêu nước, bằng chiều dài cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ thành công trong việc tiếp nối sự nghiệp cứu nước và giữ nước của tiền nhân.

Trong sự ý thức về trách nhiệm của một công dân Việt Nam, trong tinh thần Tổ Quốc trên hết, tôi quyết định sẽ tọa kháng ngay trước nhà của tôi khởi từ ngày 14 tháng 9 năm 2008 trở đi để phản đối hành động bán nước, dâng hiến Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc cách đây 50 năm. Lý do tôi phải chọn hình thức đấu tranh này là vì tôi đã từng nộp đơn xin phép nhà nước để được biểu tình, để được làm theo đúng pháp luật quy định của nhà nước, hầu không bị công an vô cớ đàn áp và vu khống như những lần tham dự biểu tình trước, nhưng đơn xin phép của tôi cững đã bị bác bỏ, và bản thân tôi lại bị hành hung.  Tôi khiếu tố và đơn khiếu tố ấy cững bị tòa từ chối không giải quyết.  Tôi không còn lựa chọn nào khác trừ phương thức đấu tranh tọa kháng ngay tại nhà tôi để thể hiện quyền bày tỏ thái độ của tôi, một quyền mà chính hiến pháp nhà nước trong điều khoản 69 cững đã ghi rõ.  Và lần này, nếu nhà nước đàn áp, sách nhiễu hay xử dụng bạo lực với tôi, hay thậm chí án tù với tôi, thì ít ra tôi cững đã thể hiện qua chính sự an nguy của tôi cho cả thế giới được biết sự thật của đất nước này là không hề có tự do ngôn luận, cho dù là ngay tại chính nhà mình sở hữu.

Tôi cũng tọa kháng để phản đối mọi hành động khiếp nhược của nhà nước này trước ngoại bang phương bắc nhưng lại hung hãn đàn áp mọi tiếng nói, mọi thái độ bày tỏ lòng yêu nước của công dân Việt Nam. Đây chỉ là một việc làm nhỏ bé mà cá nhân tôi có thể làm được trong lúc này. Nhưng dù là một hành động nhỏ bé, nhưng với tinh thần đất nước là của chung, tôi xin kính khẩn kêu gọi mọi tầng lớp công dân Việt Nam, quý bác, quý chú đã từng hy sinh cuộc đời của mình cho nền độc lập của đất nước, các anh chị và các bạn trẻ đang mong ước đất nước Việt Nam sẽ ngẩng cao đầu với cộng đồng nhân loại, hãy cùng với tôi bày tỏ thái độ và lòng yêu nước của mình ngay tại chính nhà của quý vị, bất cứ ngày nào khởi từ ngày 14 tháng 9 này trở đi, nếu như quý vị cững như chúng tôi bị ngăn cấm, không thể đến được nơi biểu tình ở Hà Nội vào 14/09 trước sứ quán Trung Quốc.

Mục đích duy nhất của hành động tọa kháng của tôi là bày tỏ lòng yêu nước và nhắc nhở cho chính tôi và đồng bào của tôi về mối nhục mất đất, mất biển và tôi mong mỏi được sự hỗ trợ và đồng thuận của nhiều người qua những hành động cụ thể. Nếu tôi bị bắt giam thì chắc chắn “tội” của tôi và đó là là tội duy nhất của tôi, là đã dám công khai bày tỏ lòng yêu nước của mình. Và nếu vì yêu nước mà bị giam cầm thì tôi rất sẵn sàng và hãnh diện đón nhận bản án tù ấy bất cứ lúc nào. Và nếu như tôi bị bắt giam trước khi tôi có cơ hội toạ kháng tại nhà như ước muốn, thì tôi sẽ tọa kháng phản đối trong nhà tù. Đối với tôi những khó khăn này rất là nhỏ bé so với những hy sinh của các bậc tiền nhân, của các vị cha chú đi trước tôi đã trải qua trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Kính mong,

Ngày 13 tháng 09 năm 2008

Công dân Phạm Thanh Nghiên
17 Phương Lưu 2 –  Phường Đông Hải –  Quận Hải An, Hải Phòng


Việt Tân lên tiếng về chiến dịch đàn áp trước ngày 14/9

13/09/2008

VIỆT NAM CANH TÂN CÁCH MẠNG ĐẢNG

Ngày 13 tháng 9 năm 2008

Bản Lên Tiếng
về Chiến Dịch Đàn Áp Trước Ngày 14/9 của Nhà Cầm Quyền Hà Nội

Trong 5 ngày qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã tiến hành chiến dịch bắt bớ và khủng bố tinh thần trên cả nước để bịt miệng những người muốn đưa ra ánh sáng một đại tội của lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN).

Hàng loạt những tiếng nói can đảm như blogger Điếu Cày – Nguyễn Hoàng Hải, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, kỹ sư Phạm Văn Trội, nhà giáo Vũ Hùng, nhà thơ Trần Đức Thạch, ông Nguyễn Văn Túc, sinh viên Ngô Quỳnh, chị Phạm Thanh Nghiên và nhiều người khác đã bị xét nhà, bao vây, hăm dọa, giam giữ, và kết án. Tất cả chỉ vì những người yêu nước này muốn vạch rõ trước dân tộc ý nghĩa của ngày 14 tháng 9 năm 2008.

Đó là ngày đánh dấu đúng 50 năm cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại diện đảng và nhà nước CSVN, ký công hàm công nhận hải phận Trung Quốc bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kể từ ngày đó đến nay, Bắc Kinh đã viện dẫn công hàm này để xâm chiếm và xây dựng căn cứ quân sự trên cả 2 quần đảo, chiếm quyền khai thác tài nguyên trong khu vực, và thẳng tay bắn giết ngư dân Việt mà họ bảo là vi phạm hải phận Trung Quốc.

Nhưng cũng kể từ ngày đó đến nay, thay vì thú nhận sai lầm và báo động với toàn dân về hiểm họa này, những người lãnh đạo đảng CSVN lại:

  • Tìm mọi cách dấu giếm bức công hàm này và trấn áp những ai muốn lên tiếng báo động.
  • Ra sức khỏa lấp các hành động hiếu chiến của Trung Quốc, thậm chí còn hăm dọa cả thân nhân những ngư dân bị hải quân Trung Quốc bắn giết.
  • Trừng phạt nặng nề những thanh niên, sinh viên biểu tình trước sứ quán Trung Quốc và ngăn cấm mọi hình thức phản đối của nhân dân Việt Nam trước những hành động gây hấn của Bắc Kinh.
  • Tiếp tục lừa gạt dân tộc với những luận điệu gian dối về mối tình nghĩa Việt Trung hữu nghị.
  • Dâng nhượng thêm nhiều phần đất, vùng biển và quyền khai thác cho Bắc Kinh qua các hiệp ước suốt từ năm 1999 mà các văn kiện và bản đồ ký kết vẫn còn dấu nhẹm cho đến nay.

Quá trình đó cho thấy việc sẵn sàng và chủ ý dâng nhượng lãnh thổ cho ngoại bang để nắm quyền cai trị dân tộc là truyền thống của nhiều đời lãnh đạo đảng CSVN, kể cả thế hệ lãnh đạo hiện nay.

Trước sự kiện và tình hình này, Đảng Việt Tân chia xẻ sâu xa và hết lòng ủng hộ những tiếng nói yêu nước đang can đảm báo nguy về hiểm họa này. Mọi đảng viên Đảng Việt Tân trong và ngoài nước nguyện chung vai cùng toàn thể dân tộc, quyết soi sáng sự thật về bức công hàm Phạm Văn Đồng và đưa vào sử sách đất nước. Các thế hệ Việt Nam tương lai phải biết về chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và biết về bài học phản bội của những người lãnh đạo đảng CSVN.

Đảng Việt Tân kêu gọi các anh chị em đang phải phục vụ trong guồng máy chế độ:

  • Xin nhìn kỹ vào bản chất của những người đang cai trị đất nước chúng ta hôm nay. Khối lượng những bằng chứng không thể chối cãi và không còn có thể che đậy đã lộ ra quá nhiều và quá đủ trong 20 năm qua.
  • Hãy nghĩ đến một đất nước tương lai không còn độc tài nhưng đầy công lý, tình người, và tiến bộ cho mọi thế hệ con cháu chúng ta; và một chính quyền biết yêu quí tổ quốc thiêng liêng.
  • Hãy làm việc cụ thể đầu tiên cho đất nước, đó là tìm mọi cách trong khả năng và hoàn cảnh của mình bảo vệ các nhà dân chủ, bảo vệ những con người yêu nước chân thành đang bị chế độ càn quét.

Ngày 13 tháng 9 năm 2008
Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng

Mọi chi tiết xin liên lạc:

Đặng Thanh Chi : +1 (408) 228 4892
Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-1678
http://www.viettan.org

Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài – Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ –
Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước


Phỏng vấn ông Trịnh Khả Phức, một người ký kiến nghị đòi hủy bỏ công hàm Phạm Văn Đồng

12/09/2008

Phỏng vấn ông Trịnh Khả Phức, một trong những người đầu tiên ký vào kiến nghị thư kêu gọi nhà cầm quyền CSVN hủy bỏ công hàm 14/09/1958 mà Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đại diện nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ký dâng Trung Quốc vùng lãnh hải Việt Nam.

Nguyễn Vũ thực hiện, Đài Chân Trời Mới


Nguyễn Vũ: Xin kính chào Ông Trịnh Khả Phức.

Trịnh Khả Phức: Kính chào Ông.

Nguyễn Vũ: Chúng tôi là Nguyễn Vũ của đài Chân Trời Mới. Thưa Ông, ngày 2 tháng 9 vừa qua có một bản kiến nghị gởi cho ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng, tức là những người đứng đầu đảng và chính phủ cộng sản Việt Nam để yêu cầu huỷ bỏ bản công hàm ngày 14.09.1958 của thủ tướng Phạm Văn Đồng, lúc đó đại diện cho chính quyền cộng sản Việt Nam tán thành bản tuyên bố của Trung Quốc 10 ngày trước đó để khẳng định hải phận 12 hải lý của họ, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Thưa Ông, Ông là một trong những đã ký tên đầu tiên vào bản kiến nghị này. Như vậy Ông đã biết về bức công hàm của ông Phạm Văn Đồng từ lúc nào và tại sao sau 50 năm mới có sự lên tiếng chính thức trong lần này, thưa Ông?

Trịnh Khả Phức: Cái này tôi cũng không nắm vững, thế như cái thằng Tàu dựa vào cái công hàm này, để nói đó là lãnh thổ của nhà nó và nó dọa nó nện ta. Là một công dân Việt Nam tôi hoàn toàn phản đối và tẩy chay điều thằng Tàu kiến nghị như thế. Ngày xưa có thể có lúc là ta còn mê thằng Tàu, tưởng rằng nó là tốt, nó là bạn thật nhưng sự thật nó là thằng lưu manh. Nó lưu manh không phải từ cấp dưới, nó lưu manh từ những anh cộng sản gộc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình. Tôi hoàn toàn phản đối và ký vào kiến nghị đòi hủy bỏ cái công hàm ấy. Tôi đã ký rồi ấy!

Nguyễn Vũ: Thưa Ông, vào năm 1958 Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, tức là không phải thuộc quyền quản lý hành chánh của CSVN. Đó là chưa nói đến vấn đề bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ tổ tiên ta để lại. Ông nghĩ thế nào về việc đảng CSVN tán thành và giao chủ quyền những phần đất không thuộc quyền quản lý của họ cho TQ?

Trịnh Khả Phức: Đó là một sai lầm. Trước hết phải khẳng định đó là một sai lầm. Nhưng vì lúc ấy ta tin tưởng ở cộng sản Tàu, tưởng là tất cả cộng sản đều là tốt đẹp. Thế nhưng sự thật nó không có đẹp. Nên trong hoàn cảnh lúc đó ta ký như thế. Chứ bây giờ chúng ta đã thống nhất, chuyện đó hoàn toàn là một sai lầm, phải làm lại, phản đối cái công hàm ấy, phải hủy bỏ ngay!

Nguyễn Vũ:Trong bản kiến nghị mà Quí vị đã ký, yêu cầu hủy bỏ công hàm ngày 14.9.1958 của thủ tướng Phạm Văn Đồng có ghi rằng, chúng tôi xin trích: «Sau này chính phủ ta có giải thích về lý do ra đời của công hàm vào năm 1958 là hoàn toàn mang tính cách ngoại giao, không ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam». Theo Ông, lời giải thích này có thỏa đáng hay không?

Trịnh Khả Phức: Giải thích không thỏa đáng. Là vì thế này, anh đã ký vào rồi, anh công nhận nó thì bây giờ anh bảo «có tính cách ngoại giao, ngoại thuốc» thế là không được. Theo tôi, đó là sự mắc lừa thằng Tàu, chứ không phải là ngoại giao.

Nguyễn Vũ: Cái bản kiến nghị Quí vị vừa đưa để gửi cho lãnh đạo ĐCSVN, Quí vị có đo lường được sự đáp nhận của lãnh đạo ĐCSVN như thế nào không? Và ngoài giới lãnh đạo ĐCSVN thì sự nhận định của giới cựu chiến binh, tức là thành phần đã khởi xướng ra bản kiến nghị này, ông nhận thấy rằng phản ứng của các đảng viên bình thường, nhất là trong các lực lượng võ trang nay ra sao, thưa Ông?

Trịnh Khả Phức: Nếu bây giờ cái ấy đang công khai trên báo chí và công bố một cách công khai thì tôi tin rằng mọi công dân Việt Nam đều đồng ý hủy bỏ quyết định này. Những người nào đã gọi là công dân Việt Nam thì bao giờ cũng muốn cho lãnh thổ của mình toàn vẹn, không cho thằng nào vi phạm.

Nguyễn Vũ: Thưa Ông, Cho tới nay, sau 5, 6 ngày bản kiến nghị được tung ra, Quí vị đã nhận được những sự ủng hộ nào và phản ứng quần chúng ra sao, nhất là các giới trẻ, thanh niên, sinh viên? Và nếu nhà nhiều cộng sản Việt Nam cứ tiếp tục không giải quyết vấn đề thì quí vị có dự trù những bước kế tiếp như thế nào không?

Trịnh Khả Phức: Hiện nay cái này còn ở trong phạm vi rất là hẹp. Số người biết vấn đề này không nhiều, cho nên tôi tin rằng cũng chưa ai có phản ứng gì. Vì nó chỉ có phản ứng khi nào nó trở thành phong trào quần chúng biết một cách rộng rãi, chứ phạm vi hẹp ít người biết thì chưa có vấn đề gì cả. Cho nên không thể có gì xảy ra, nếu sự việc này chưa ai biết hoặc rất ít người biết. Khi có nhiều người biết thì vấn đề này trở thành vấn đề lớn, sẽ có chuyện tẩy chay yêu sách của thằng Tàu.

Nguyễn Vũ: Thưa ông, theo những tin tức chúng tôi biết, hiện nay vấn đề này đã được bung lên Internet rất nhiều và đã được nhiều bạn trẻ hưởng ứng, và các thanh niên, sinh viên dự trù là sẽ tổ chức cuộc biểu tình trước tòa Lãnh sự quán Trung Quốc vào ngày 14 tháng 9 là vì TQ tung ra tin là sẽ công khai hóa công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký cho dư luận biết. Ông nghĩ sao, nếu có cuộc biểu tình đó?

Trịnh Khả Phức: Nếu tung ra công khai bản của thủ tướng Phạm Văn Đồng và ở bên này có cuộc biểu tình tẩy chay và yêu cầu hủy bỏ thì mọi cái nó sẽ dẫn đến đâu thì chúng ta còn chưa lường trước được là sẽ như thế nào. Hiện nay tôi không nắm được vấn đề này một cách sâu sắc, nhưng cá nhân tôi hoàn toàn phản đối việc thằng Tàu  <…nghe không rõ>…, thằng này rất là láo. Tôi đã viết một bài báo – không biết có được đăng hay không – một người già như tôi, gần 80 tuổi rồi nhưng tôi thấy rất là bức xúc, khó chịu vì trước đây bản thân tôi trước đây là một người lính. Là lính thì trung thành vô hạn độ với tổ quốc. Cái gì xâm phạm đến tổ quốc tôi là hoàn toàn không được, mà dù có chết, tôi sẵn sàng hy sinh. Không để lại một cái gì cả, nhưng phải bảo vệ tổ quốc.

Nguyễn Vũ: Ông vừa trình bày là ông có viết một bài báo. Trong bài báo đó có nói lên sự kiện gì, ông có thể cho thính giả biết về bài báo ông viết không?

Trịnh Khả Phức: Ý là thế này: Trước hết nói cho anh Tàu biết rằng nước chúng tôi đã có 13 lần đụng độ với anh Tàu. Từ đời nhà Thương, tức giặc Ân bị ông Phù Đổng nện cho một trận há mồm. Các triều đại TQ tiếp tục xâm lăng Việt Nam, trên 1000 năm đặt nền đô hộ nhưng Việt Nam chúng tôi vẫn là Việt Nam. Không bao giờ anh Tàu có thể đồng hóa được. Chúng tôi đã nện cho anh Tàu nhiều phen nhục nhã và thất bại. Lịch sử Tàu không thể không ghi những thất bại này.

Nguyễn Vũ: Thay mặt thính giả đài Chân Trời Mới, xin cám ơn ông Trịnh Khả Phức.

Trịnh Khả Phức: Cám ơn nhé!


Quí đồng bào nào muốn ký vào bản kiến nghị lịch sử này xin gởi tên họ và địa chỉ tại Việt Nam đến hộp thư kiennghi1409@gmail.com hoặc gởi về đài CTM để nhờ chuyển tiếp.


Chế Độ Cuống Cuồng Tung Chiến Dịch Càn Quét Quyết Ngăn Chận Nhân Dân Việt Nam Phản Đối Trung Quốc

11/09/2008

Bản Tin Nhanh
RadioChanTroiMoi

(Cập nhật thêm lúc 12 giờ đêm ngày 11/9/08)
(Cập nhật lúc 12 giờ trưa ngày 11/9/08, giờ VN)

Ngày 8/9/2008, nhà dân chủ Ngô Quỳnh bị công an Hà Nội bắt giam vì vòng ảnh hưởng và hoạt động của anh trong giới thanh niên sinh viên. Đây là người đang rất phẫn uất trước thái độ trái ngược của nhà cầm quyền Hà Nội: quá nhu nhược đối với Trung Quốc nhưng lại rất hung hãn đối với các tiếng nói yêu nước của người Việt Nam.

Suốt ngày 10/9/2008, công an càn quét nhiều khu phố tại Sài Gòn. Hầu hết các bạn hữu của anh Điếu Cày, tức nhà báo Nguyễn Văn Hải, bút danh Hoàng Hải, bị công an  bắt giữ để không ai có thể tham dự buổi xử anh vào sáng cùng ngày. Anh Điếu Cày là người công khai kêu gọi trên blog và đi đầu trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa vào cuối năm 2007.

Các bạn hữu của anh cũng là các thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, những người mong muốn chọc thủng bức màn bưng bít của chế độ để đưa sự thật đến với nhân dân Việt Nam:

– Blogger Lê Quốc Quyết bị công an canh giữ ngay tại văn phòng, không cho anh đến buổi xử.

– Blogger Đông A né tránh được vòng đai công an canh giữ và đến tòa án, nhưng công an bắt bố anh Đông A dẫn đến tận tòa để buộc anh phải ra về.

– Blogger Trăng Đêm bị công an quận 6 giam giữ tại đồn và không cung cấp lý do.

– Blogger Tạ Phong Tần bị công an chận bắt trên đường đi đến toà.

– Blogger Thiên Sầu bị công an bắt ngay tại cổng tòa và đem về giam tại đồn công an phường 6 quận 3.

Cũng tại Sài Gòn, luật sư Lê Trần Luật bị công an đến tận nhà bắt đem về đồn. Luật sư Phan Thanh Hải bị bắt ngay trên đường phố. Cả hai bị thẩm vấn và hăm dọa nhiều tiếng đồng hồ tại đồn công an.

Trong nhiều tháng qua, hai luật sư Luật và Hải là những người đi đầu trong việc bảo vệ các dân oan đòi công lý và các nhà dân chủ bị chế độ trù dập. Công an cũng cấm các luật sư này không được cố vấn cho các giáo dân đang đòi công lý tại Thái Hà.

Lúc 8 giờ tối ngày 10/9/2008, tổng cộng 7 xe chở khoảng 40 công an từ Hà Nội xông vào nhà ông Nguyễn Xuân Nghĩa để khám xét. Cuộc lục xét và đập phá kéo dài đến 12 giờ đêm trước khi ông Nghĩa bị bắt về Hà Nội theo án lệnh bắt khẩn cấp của Bộ Công An vì tội viết bài tuyên truyền chống phá chế độ. Ông hiện bị  giam giữ tại Trại Giam 14 – Hà Nội. Điện thoại của gia đình ông cũng đã bị cắt ngay trước khi công an xông vào nhà.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa là một trong những vị đại diện Khối 8406. Trong thời gian gần đây, ông công khai phản đối thái độ thiếu trách nhiệm của Nhà Nước CSVN trước hành động xâm lấn của Trung Quốc.

Lúc 11g30 đêm ngày 10/9/2008, tại Hà Nội, khoảng 10 công an xông vào nhà, khám xét, đập phá, tịch thu tài sản, và bắt anh Phạm Văn Trội đem đi, mà không hề có án lệnh. Hiện không biết anh Trội bị giam giữ tại đâu.

Nhà dân chủ Phạm Văn Trội đã sát cánh đấu tranh cùng các luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân trong việc sáng lập Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam. Sau khi luật sư Đài và Công Nhân bị giam tù, anh vẫn tiếp tục lên tiếng trước các vấn nạn nghiêm trọng của đất nước, đặc biệt là tình trạng mất đất, mất biển, mất đảo của Việt Nam vào tay Trung Quốc hiện nay.

Các nhà dân chủ Trần Đức Thạch, Nguyễn Văn Túc cũng bị bắt tại Thái Bình trong cùng ngày 10/9. Các vị này đã tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lăng trước chợ Đồng Xuân chỉ vài tháng trước đây.

Khoảng 11giờ sáng ngày 11/9/2008, công an xông vào nhà chị Phạm Thanh Nghiên tại Hải Phòng và cảnh lục xét, đập phá, và bắt bớ lại tái diễn.

Trong thời gian qua, nhà dân chủ Phạm Thanh Nghiên là người đi đầu trong nỗ lực thăm viếng, giúp đỡ, và đòi công lý cho các gia đình ngư dân có cha, chồng, và anh bị hải quân Trung Quốc thảm sát trên biển Đông.

Theo hầu hết các nhà dân chủ nhận định thì những người cầm quyền đang cố gắng càn quét  trước ngày 14/9/08 để bịt miệng những ai muốn vạch ra sự thật về bức công hàm Phạm Văn  Đồng dâng hiến quần đảo HS-TS cho Trung Quốc. Bản công hàm này được ký ngày 14/9/1958, tức đúng nửa thế kỷ trước đây.

http://www.radiochantroimoi.com
https://radiochantroimoi.wordpress.com


Công an bắt Phạm Văn Trội đi mất

10/09/2008

Tin Hà Nội − 11g30 đêm 10/9/2008, có 11 công an đã xông vào nhà anh Phạm Văn Trội để bắt anh đi mà không hề đọc lệnh gì cả. công an đã khám xét nhà, lấy máy vi tính và điện thoại di động của anh. Hiện nay, vợ con anh rất hoảng loạn vì không biết họ đem chồng và cha mình đi đâu.

Anh Phạm Văn Trội sinh năm 1972 tại Thường Tín, Hà Tây. Năm 1989 tốt nghiệp trung học phổ thông. Năm 1993 phục vụ quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1994 xuất ngũ. Năm 1995 thi vào Ðại Học Quốc Gia Hà Nội. Năm 1999 tốt nghiệp cử nhân khoa học chuyên ngành Quản Lý Xã Hội. Anh đã tham gia hoạt động đòi dân chủ và nhân quyền từ năm 2001.

Anh là một trong những thành viên đầu tiên của Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam do 2 luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân thành lập vào ngày 10-12-2006, và là một người cộng tác tích cực với Ls Đài trong Ủy Ban này. Từ khi tham gia đấu tranh dân chủ, anh Trội chỉ hoạt động ôn hòa, kêu gọi nhà cầm quyền CSVN tôn trọng quyền tự quyết và những nhân quyền khác của người dân. Anh Trội đã từng tình nguyện ra làm nhân chứng trong phiên toà sơ thẩm của luật sư Nguyễn Văn Đài nhưng đã bị từ chối. Chính vì thế mà anh liên tục bị công an CSVN sách nhiễu, theo dõi, bị cắt phone, cắt internet, cắt điện nhà khiến đời sống của anh và gia đình gặp rất nhiều khó khăn, bị thẩm vấn nhiều lần và bị hành hung gây thương tích nặng nề một vài lần.

Cũng vào chiều ngày 10/9/2008, công an Hải Phòng đã đến vây chặt nhà của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, thành viên ban Đại Diện Lâm Thời Khối 8406, cúp tất cả mọi phương tiện liên lạc của anh. Và đến 12g00 đêm, họ đã xông vào nhà, khám nhà , đọc lệnh bắt khẩn cấp nhà văn.

Cô Phạm Thanh Nghiên, một nhà đấu tranh dân chủ trẻ, ở cách nhà nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa khoảng 5 km, cũng bị rất nhiều công an lạ mặt bao vây chung quanh nhà từ sáng, khiến tinh thần gia đình cô rất hoảng loạn… Rất có thể cô cũng sẽ bị công an xông vào nhà và bắt đi vào đêm nay…

Theo các nhà dân chủ thì Nhà Nước đã cho công an phát động chiến dịch càn quét trước ngày 14/9/08 để bịt miệng những ai muốn vạch ra sự thật về bức công hàm Phạm Văn Đồng dâng hiến quần đảo HS-TS cho Trung Quốc. Bản công hàm này được ký đúng ngày 14/9 năm 1958, tức đúng nửa thế kỷ trước đây.


Giới Cựu Chiến Binh khởi động kiến nghị hủy bỏ công hàm Phạm Văn Đồng 1958

10/09/2008

KIẾN NGHỊ HỦY BỎ
CÔNG HÀM 14 THÁNG 9 NĂM 1958
CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG

Kính gửi:  Ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam
– Ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
– Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng Chính Phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
– Ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Quốc Hội Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Thưa các ông

Từ nhiều năm nay, Chính phủ ta đã khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy phía chính quyền Trung Quốc đã không những không tôn trọng điều khẳng định của Chính phủ ta mà còn liên tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của ta:

Tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Tháng  5 năm 1988, Trung Quốc đã xâm chiếm nhiều đảo ở Trường Sa.

Tháng 11 năm 2007, Trung Quốc đã cho thiết lập huyện Tam Sa để trực tiếp quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong lúc hai quần đảo này còn trong vòng tranh chấp giữa ta và chính quyền Trung Quốc.

Tháng 7 năm 2008, Trung Quốc đã cảnh báo và yêu cầu tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Hoa Kỳ rút khỏi hợp đồng khai thác mỏ dầu với chính phủ ta. Trước đó, vào tháng 6 năm 2007, nhà cầm quyền Trung Quốc cũng đã phản đối và yêu cầu ngưng hợp đồng giữa Chính phủ ta với tập đoàn dầu khí BP của Anh nhằm nghiên cứu dầu khí gần khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khiến cho tập đoàn BP đã phải tạm ngưng kế hoạch xúc tiến.

Mới đây, trong khi chuẩn bị Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, nhà cầm quyền Trung Quốc đã vẽ lại bản đồ Trung Quốc trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ta. Giữa tháng 8 năm 2008, hải quân Trung Quốc trang bị dàn hỏa tiễn tối tân xâm nhập vào khu vực lãnh hải của Việt Nam.

Những hành động nói trên cho thấy là nhà cầm quyền Trung Quốc coi thường công luận và tiếp tục xâm phạm hải đảo của Việt Nam, trong khi Chính phủ ta chỉ lên tiếng phản đối một cách quá dè dặt. Một trong những văn bản bị Trung Quốc lợi dụng để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa là Công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho thủ tướng Chu Ân Lai vào ngày 14 tháng 9 năm 1958 xác nhận rằng: “Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc”. ( Bản Tuyên bố của Trung Quốc khẳng định hải phận 12 hải lý của họ, trong đó bao gồm chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ). Sau này, chính phủ ta có giải thích về lý do ra đời của Công hàm vào năm 1958 là hoàn toàn mang tính ngoại giao không ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc không đếm xỉa gì đến giải thích này.

Nhiều thế hệ Việt Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ giang sơn tổ quốc. Chúng ta trong thế hệ này không những tiếp tục bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của cha ông để lại mà còn phải can đảm sửa sai những lầm lẫn của quá khứ để không tiếp tục trao gánh nặng lại cho thế hệ tương lai. Những sai lầm của ta xuất phát từ niềm tin trong sáng vào họ khi cùng họ đấu tranh cho một ý thức hệ mà ta tưởng là lý tưởng. Nay chính họ đã phản bội lại tất cả và ngày càng biểu lộ dã tâm xâm lăng đất nước ta, bởi vậy, ta không thể không có thái độ dứt khóat và hành động mạnh mẽ để đáp trả đích đáng dã tâm của đối phương.

Ngày 14 tháng 9 năm nay là vừa tròn nửa thế kỷ đã trôi qua đối với bản công hàm do cá nhân thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký mà không thông qua Quốc hội, không trưng cầu ý kiến toàn dân. Bởi vậy, nhân dịp này chúng tôi khẩn thiết đề nghị Nhà nước ta chính thức tuyên bố hủy bỏ Công hàm mà cá nhân thủ tường Phạm văn Đồng đã ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 gửi cá nhân thủ tướng Chu Ân Lai.

Chúng tôi hoàn toàn tin rằng đây là sở nguyện của toàn dân Việt Nam và làm được như vậy mới có thể chuộc lỗi cùng Tổ quốc và Nhân dân, từ đó sẽ cứu vãn được lòng tin.

Hà Nội ngày 2 tháng 9 năm 2008

Những người ký tên kiến nghị :
(Đến ngày 4/9/2008)

Cựu chiến binh ( theo thứ tự tên gọi)
1. Phan Anh – thương binh, giáo viên trường PTTH Quang Trung, tp Hà Đông
2. Phạm Quế Dương – đại tá QĐND VN, 37 Lý Nam Đế, Hà Nội
3. Lê Điệp – CCB, 17 Hàng Quạt, Hà Nội
4. Lê hữu Điệp – CCB, 40, phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Ha Nội
5. Lý Anh Kim – CCB, 87, Phường Phúc Xá, Ba Đình, Ha Nội
6. Trần Anh Kim – Trung tá QĐNDVN, biên tập viên tập san Tổ Quốc
7. Nguyễn Trọng Lâm – CCB, 46 Trần Hưng Đạo, Hà Nội
8. Nguyễn văn Miến – đại tá QĐNDVN, 30 đường Nguyễn Cao, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
9. Nguyễn Kim Nhàn – CCB, số nhà 1413, khu 34, thành phố Bắc Giang
10. Nguyễn Thanh Nhàn- thương binh chống Mỹ, gv trường PTTH Quang Trung, tp Hà Đông
11. Phạm văn Phiếu – cụu quyết tử quân Trung đoàn Thủ đô, 8/28 Hương viên, Hai Bà Trưng, Hà Nội
12. Trịnh Khả Phức – Cựu chiến binh chống Pháp – số 6, nhà P9, khu lắp ghép Trương Định, Hanoi
13. Vũ Cao Quận – CCB, Hải Phòng, biên tập viên tập san Tổ Quốc
14. Lê Anh Sơn – CCB, 17 Nguyễn Du, Hà Nội
15. Đỗ Việt Sơn – lão thành cách mạng, 4/21. Nguyễn Cao, Hà Nội
16. Trần Đức Thạch – CCB, Hội viên Hội Văn Nghệ Nghệ An
17. Nguyễn Thế – CCB, Thanh Xuân, Hà Nội
18. Đỗ văn Thỉnh – CCB, Văn Phú, Phú La, Hà Đông
19. Chu văn Thưởng – CCB, 18 Ngõ Quỳnh, Bạch Mai, Hà Nội
20. Cao Bá Trữ – thiếu tá QĐNDVN, Đống Đa, Hà Nội

Nhân Dân Việt Nam (theo thứ tự tên gọi)
1. Tiêu Dao Bảo Cự – nhà văn, Thành phố Đà Lạt
2. Kim Văn Duy – sinh viên ĐH Kiến Trúc, tp HCM
3. Ninh Thị Định – 3/20/215 Lê Lai, Ngô Quyền, Hải Phòng.
4. Nguyễn Thanh Giang – tiến sỹ Địa Vật lý, số 6, tập thể Địa Vật lý Máu bay, Hà Nội
5. Vi Đức Hồi – Cựu hiệu trưởng Trường Đảng Hữu Lũng, Lạng Sơn khu An Thịnh, Hữu Lũng, Lạng Sơn.
6. Vũ Hùng – cựu giáo viên vật lý trường PTCS Bích Hòa, Hà Tây
7. Vũ Mạnh Hùng – Cán bộ quản lý khu nội trú Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thương mại, Hà Nội
8. Trần Lâm – luật sư, Thành phố Hải Phòng
9. Mai Thái Lĩnh – cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Đà Lạt, Lâm Đồng
10. Nguyễn Thượng Long – nhà giáo, Văn La, Văn Khê, Hà Đông
11. Nguyễn thị Lợi – ( thân mẫu cô Phạm Thanh Nghiên)
12. Nguyễn Tiến Nam, tổ 24, phường Yến Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
13. Võ văn Nghệ – 277A, đường Nguyễn Trãi, phường Tây Sơn, tp Thanh Hóa
14. Nguyễn Xuân Nghĩa – nhà văn, số nhà 828, đường Trường Chinh, Kiến An, Hải Phòng
15. Phạm Thanh Nghiên, số nhà 17, Phương Lưu 2, phường Đông Hải, quận Hải An, HP
16. Hà Sỹ Phu – tiến sỹ sinh vật học, 4E Bùi thị Xuân, thành phố Đà Lạt
17. Lê Minh Phúc – Cựu Tổng giám đốc Liên hiệp Địa Vật lý Máy bay Việt Nam
18. Phạm Thị Phượng – Cầu Tre, Ngô Quyền, Hải Phòng.
19. Bùi Minh Quốc – nhà văn, 3 Nguyễn Thượng Hiền, Đà Lạt
20. Ngô Quỳnh – Hiệp Hòa, Bắc Giang
21. Nguyễn văn Tính (tức Hoàng Hải Minh) Quán Chữ, Hải Phòng, mobile 0984 414479
22. Lưu thị Thu – 282, Lê Lai, Ngô Quyền, Hải Phòng
23. Trần Khải Thanh Thủy – nhà văn, biên tập viên tập san Tổ Quốc
24. Vũ như Ý – nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Giao thông vận tải, phường Vĩnh Tuy, Hà Nội
25. Phạm Thanh Yến, lô A1, Thái Phiên, Cầu Tre, Ngô Quyền, Hải Phòng


LM Phạm Công Chính nhận định về Thái Hà

04/09/2008

Lm Phạm Công Chính tại Giáo xứ Tampa, tiểu bang Florida, Hoa Kỳ nhận định về những diễn biến đang xảy ra tại Giáo xứ Thái Hà

Âm thanh: LM Phạm Công Chính


Đàn Áp Tôn Giáo Tại Việt Nam

04/09/2008

Wall Street Journal Asia

Ngày 4/09/2008

Hồng An lược dịch

Cuối tháng này, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ đưa ra bản phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Những biến cố gần đây tại Việt Nam cho thấy chương nói về nước này sẽ không, hay ít ra là không nên, có gì tích cực.

Trong hai tuần qua, hàng trăm người Công Giáo ở giáo xứ Thái Hà đã liên tục biểu tình đòi trả lại tài sản của giáo xứ đã bị cộng sản chiếm trong thập niên 1960. Giáo xứ hiện nay cần xây một nhà thờ mới để có chỗ cho số giáo dân gia tăng, cha Vũ Khởi Phụng đã cho chúng tôi biết như trên qua đường giây điện thoại. Nhiều anh chị em giáo dân cho biết đã bị công an đánh đập khi họ dự các buổi lễ cầu nguyện trong ôn hoà. Đây là chuyện đã tái diễn nhiều lần: Người Công giáo đòi lại đất đai đã bị chiếm lấy từ lâu, rồi sau đó sẽ bị nhà nước đàn áp.

Người Công Giáo không là những tín hữu duy nhất phải đối diện với những vấn nạn do đảng cộng sản gây ra. Cuối tuần qua, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ – một ủy ban độc lập trực thuộc Tòa Bạch Ốc – đã đưa ra báo cáo mới nhất về Việt Nam. Ủy Ban đã thu thập các tài liệu về hàng loạt sự ngược đãi, từ những cuộc tấn công đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cho tới những việc cấm đoán các tôn giáo bản địa của Việt Nam như Hòa Hảo và Cao Đài. Trong nhiều tỉnh, chính quyền địa phương cấm trẻ em Tin Lành theo học các trường trung học, viện dẫn các luật kinh điển của cộng sản loại trừ việc giáo dục cho con em thuộc các gia đình theo đạo. Ngày hôm nay các tín hữu của nhiều tôn giáo vẫn còn bị buộc phải từ bỏ niềm tin của mình, dù cho chế độ Hà Nội đã hứa chấm dứt chính sách này.

Với cách hành xử có hệ thống này, Bộ Ngoại Giao có lẽ sẽ đưa Việt Nam trở lại vào danh sách “Các Nước Cần Quan Tâm Đặc Biệt” vì những vi phạm tự do tôn giáo. Khi Hoa Kỳ lần đầu đưa Việt Nam vào danh sách này năm 2004, đã có tác dụng ngay tức khắc. Hà Nội đã rất bẽ mặt đến mức đã phải trả tự do ngay một số những “tù nhân lương tâm”, và cho biết sẽ cho phép nhiều hệ phái tôn giáo được chính thức đăng ký. Như một phần thưởng, Việt Nam đã được lấy ra khỏi danh sách trước khi tổng thống Bush lên đường sang Hà Nội dự cuộc họp thượng đỉnh về Hợp Tác Kinh Tế Á Châu – Thái Bình Dương năm 2006. Từ đó, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã cho rằng việc đàn áp tại Việt Nam chủ yếu là có tính chất thế tục và các tín hữu bị tù vì các hoạt động chính trị hơn là vì niềm tin tôn giáo của họ.

Hà Nội đã thực hiện một số tiến bộ về tự do tôn giáo, đặc biệt trong việc đạt được thỏa thuận với Tòa Thánh Vatican theo đó Giáo Hội Công Giáo được bảo đảm có tự do hơn trong việc bổ nhiệm Giám Mục và linh mục. Nhưng những tiến bộ ấy giờ đây đang bị khựng lại. Những biến cố gần đây – cả trong cách thức đối xử với những người biểu tình đòi đất tôn giáo và trong những trường hợp đã được Ủy Ban thu thập tài liệu – cho thấy có lý do để “quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Nguyên bản tiếng Anh:

http://online.wsj.com/article/SB122046531607695963.html


Thư Hiệp Thông của Linh Mục Đoàn Tổng Giáo Phận Hà Nội

04/09/2008


Các Giám Mục đến Thái Hà

04/09/2008

1. Giám Mục Thái Bình đến Thái Hà,
http://www.chuacuuthe.com/kysu/9476th209.html

2. Giám Mục Hải Phòng đến Thái Hà,
http://www.chuacuuthe.com/kysu/9475th210.html


Phóng Sự Đặc Biệt: Phỏng vấn Linh mục Nam Phong về tình hình đấu tranh của giáo dân Thái Hà

04/09/2008

Nguyễn Vũ, Radio Chân Trời Mới – 01/09/2008

Kính thưa quý thính giả:

Một ngày sau khi công an Cộng Sản Việt Nam đã ra lệnh truy tố vụ giáo dân Thái Hà đòi đất và đồng thời đã gửi giấy triệu tập một số giáo dân buộc phải đến sở công an để thẩm tra, vào buổi chiều lúc 14:30 ngày 27 tháng 8, sau buổi cầu nguyện, một đoàn tu sĩ và giáo dân đã rước thánh giá và và hạnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tuần hành kéo đến trụ sở công an quận Đống Đa và tại đây, đoàn tuần hành đã biểu tình, cầu nguyện, và trương lên những biểu ngữ viết vội trên những tấm bìa với nội dung như: “phản đối bắt người oan khuất”, “phản đối bắt dân lành”, “phản đối bắt người vô tội”, “giáo dân Thái Hà đồng trách nhiệm” và công an đã hối hả đóng chặt cổng vào và cô lập cả khu vực biểu tình.  Cho đến 19:45, con số giáo dân tại địa phận Hà Nội có mặt tại cổng cơ sở công an quận Đống Đa để cầu nguyện và đòi tự do cho những người bị bắt vào buổi sáng tại khu đất linh địa Đức Bà lên đến khoảng gần 500 nggười, trong đó có cả các linh mục.  Lực lượng công an cảnh sát cơ động đã được huy động đến để đàn áp không ngừng tay.

Họ dùng dùi cui điện đánh túi bụi vào những người biểu tình cầu nguyện và đã bắt giữ thêm một số người.   Một số người khác bị đánh trọng thương.  Cả buổi tối Hà Nội bị náo loạn với những người dân thường cũng  tham gia biểu tình, đồng hành với bà con công giáo.  Chúng tôi đã liên lạc với Linh Mục Nam Phong tại Giáo Xứ Thái Hà.  Mời quý thính giả theo dõi cuộc điện đàm giữa chúng tôi Nguyễn Vũ và Linh Mục Nam Phong.

LM Nam Phong: Như qúy đài đã biết là ngày 27 tháng 8 vừa qua, Công An Thành Phố Quận Đống Đa đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến chuyện giáo dân cầu nguyện tại Giáo Xứ Thái Hà.  Và ngày hôm qua thì họ đã vô cớ bắt bốn giáo dân của chúng tôi.  Ban đầu thì họ chỉ có triệu tập và theo luật pháp Việt Nam thì phải triệu tập đến lần thứ ba nếu đương sự không lên thì người ta mới được phép áp giải.  Tuy nhiên, đối với những trường hợp giáo dân tại giáo xứ chúng tôi, 6 giờ sáng họ đưa giấy mời đến và đến 7 giờ thì họ đã áp tải người ta lên quận để mà đúc cung, để mà điều tra, và vì cái sự bất công đó và vì cái sự vi phạm đó mà vào ngày hôm qua vào lúc 2 giờ chiều có khoảng 100 giáo dân và các linh mục tu sĩ đã đi đến công an quận Đống Đa để phản đối việc bắt giữ người trái phép.  Chúng tôi ở đó từ khoảng 2:00 cho đến 19:00 thì có khoảng thêm 300 giáo dân cùng ra để cầu nguyện với chúng tôi.  Trong khi chúng tôi đang cầu nguyện thì cảnh sát di động được huy động đến, số lượng rất là đông, có khi đến khoảng 500 người.  Họ đã dùng dùi cui điện để hành hạ đánh đập rất là dã man.  Vì thế trong chúng tôi các giáo dân đã bị thương rất nặng.  Có những người máu chảy loe loét đầu.  Nhiều người thì máu rõi đầy trên mặt áo.

Chúng tôi rất bất bình về hành động dã man này của chính quyền Việt Nam trong việc đàn áp những người Công giáo hiền lành.  Chúng tôi đến đó chỉ để cầu nguyện và đề nghị thả những người đã bị bắt một cách oan uổng trái pháp luật.  Nhưng những đòi hỏi đó của chúng tôi đã không được đáp ứng, trái lại chúng tôi đã phải nhận chịu một sự đàn áp rất là bất công.  Chúng tôi cực lực lên án những hành động vi phạm pháp luật đó, cực lực lên án những hành động dã man của nhà nước Việt Nam đã dùng biện pháp trấn áp một cách dã man với tất cả những phương tiện hiện có như dùi cui điện, như gậy vọc.

Nguyễn Vũ: Dạ vâng thưa Cha, vào sáng ngày hôm nay, trên tất cả truyền thông thế giới, internet, chúng tôi đã nhìn được những tấm hình mà giáo dân đi cầu nguyện và có cả hình những bà cụ Việt Nam mặt mũi đầy máu me do công an Cộng Sản Việt Nam đánh đập.  Thưa Cha, với những giáo dân tại Xứ Thái Hà, họ có phản ứng gì trước những sự việc đó không thưa Cha?

LM Nam Phong: vâng, sau cuộc trấn áp đó thì tất cả giáo dân chúng tôi đã trở về nhà thờ và họ rất phẫn nộ trước hành vi mất nhân tính đó của cơ quan công quyền bởi chúng tôi không làm gì khác ngoài yêu cầu nhà nước tôn trọng pháp luật.  Và đó là đều mà nhà nước đang kêu gọi toàn dân hãy tôn trọng pháp luật và sống theo pháp luật nhưng trái lại trong việc vừa qua cho thấy rằng nhà nước cũng không tôn trọng pháp luật.  Việc chúng tôi chỉ đơn thuần đề nghị nhà nước giao trả khu đất cho chúng tôi.  Cái khu đất mà chúng tôi có đủ chứng cớ một cách hợp pháp.  Còn phía nhà nước đưa ra những chứng cớ thì không có một chứng cớ nào hợp pháp cả. Vậy mà họ đã dùng mọi thủ đoạn kể cả khởi tố vụ án như các vị đã thấy để nhằm lung động tinh thần giáo dân chúng tôi. Tuy nhiên người giáo dân trước những bất công, trước những trấn áp đó, họ rất là vững tin.  Tóm lại sau cái vụ trấn áp thì chúng tôi lại thấy tinh thần người giáo dân lên rất vững mạnh.  Họ sẽ quyết tâm để làm sao đòi lại được công lý và sự thật cho toàn thể cộng đồng Công Giáo Thái Hà nói chung, và cộng đồng Công Giáo Việt Nam nói riêng.

Nguyễn Vũ: Dạ vân thưa Cha, bên cạnh cần có những sự hiệp thông của khắp nơi trên thế giới cũng như là tại Việt Nam, thì Cha đã nhận được những sự hiệp thông nào từ phía bên cộng đồng Công giáo, cũng như là tất cả đồng bào tại trong nước và hải ngoài thưa Cha.

LM Nam Phong: Vâng, chúng tôi thì cũng rất là mừng bởi vì chúng tôi đã không đến được trong  dịp cầu nguyện để đòi công lý và sự thật cho cô Nhân.  Chúng tôi nhận được rất là nhiều sự động viên nâng đỡ của quý cơ quan đang cùng với mọi người hướng đến một cái xã hội công bằng và tốt đẹp.  Về phía giáo hội Công giáo thì chúng tôi cũng nhận được sự động viên khích lệ của Đức Tổng Giám Mục Ngô Văn Kiệt và một số giám mục trong Hội Thánh Việt Nam, tất nhiên là của các linh mục trong Giáo Phận Hà Nội.  Tối hôm qua trong lúc mà giáo dân bị khủng bố đánh đập thì cũng có một số linh mục Hà Nội có mặt ở đó và đã chứng kiến cuộc trấn áp đó.

Nguyễn Vũ: Dạ vâng thưa Cha, trước những quyết định của chính quyền Cộng Sản Việt Nam quận Đống Đa để truy tố các linh mục cũng như là các giáo dân tại Giáo Xứ Thái Hà là đã vi phạm những tội hình sự, Cha nghĩ sao về quyết định này thưa Cha?  Họ có thực thi được cái chuyện đó không, thư Cha?

LM Nam Phong: Chúng tôi có gửi đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền về cái quyết định khởi tố này của Ủy Ban Nhân Dân Quận Đống Đa.  Và chúng tôi khẳng định rõ lập trường,  đó là đề nghị chính quyền hãy khởi tố vụ án chiếm đoạt tài sản của nhà thờ và đấy là nguyên nhân cho tất cả những bức xúc vừa qua của giáo dân.  Và cũng đồng thời khởi tố một vụ án khác đó là vụ án Công Ty Mai Xuân Thắng đã đập phá tài sản của chúng tôi một cách không tôn trọng pháp luật.  Tuy nhiên với nhà nước này, đề nghị thì cứ đề nghị thôi còn người ta giải quyết hay không lại là một chuyện khác; một cái chuyện đơn giản như là trả lại đất cho chúng tôi mà vẫn còn không được huống chi là cái chuyện đề nghị khởi tố một vụ án liên quan đến chính quyền.  Cho nên là chúng tôi cứ phải tin vào công lý.  Rất nhiều giáo dân đã trông thấy Đức Mẹ như sáng nay lúc mặt trời lên và người ta đã nhìn thấy hình ảnh Đức Mẹ cho nên chúng tôi nghĩ rắng đó cũng là một điểm lạ là Đức Mẹ có lẽ giúp cho người giáo dân chúng tôi vững tin hơn.  Còn về chúng tôi thì chúng tôi vẫn cương quyết cho đến cùng để bảo vệ công lý và sự thật.

Nguyễn Vũ: Dạ thưa Cha, cho đến bây giờ, những giáo dân bị công an CSVN gọi lên và bắt giam đó họ có được trả tự do chưa?  và Cha có những tin tức gì về những giáo dân đó không thưa Cha?

LM Nam Phong: Vâng tối hôm qua thì có một giáo dân đã được thả.  Tuy nhiên, trong cuộc trấn áp thì họ đã bắt thêm ba giáo dân khác.  Những người này chỉ là những người chụp hình là chính thôi.  Họ đến đấy và họ dùng máy ảnh cá nhân để chụp những tấm ảnh xẩy ra tại hiện trường. Chụp những tấm ảnh về các nhân viên cảnh sát đã trấn áp dã man những người vô tội.  Những người chụp ảnh hôm qua đã bị bắt và bị đưa đi đâu thì đến giờ này chúng tôi cũng chưa có tin tức.

Nguyễn Vũ: Dạ thưa Cha, qua hình ảnh một bà cụ bị đánh và mặt bị chảy máu đó thì bây giờ sức khỏe của cụ bà như thế nào thưa Cha?

LM Nam Phong: Bà cụ thì hiện nay đang nầm ở nhà làng chúng tôi.  Sức khỏe cũng ổn định.  Tuy nhiên hôm qua trong cuộc trấn áp khủng bố thì có những thanh niên bị đánh.  Rất là nhiều cảnh sát đã bụp lên mặt những người nầy khiến cho những người qua đường bất kể tôn giáo họ rất phẫn nộ về hành vi bất nhân tính đó của các cảnh sát làm nhiệm vụ hôm qua tại hiện trường.

Nguyễn Vũ: Dạ vâng, trước khi dứt lời thưa Cha, Cha có những đều gì muốn gửi đến quý thính giả đang nghe đài không, thưa Cha?

LM Nam Phong: Chúng tôi trước hết xin hết lòng cảm ơn quý vị đã đồng hành với chúng tôi không chỉ trong những ngày qua mà trong suốt tám tháng qua khi giáo dân chúng tôi ở đây cầu nguyện cho công lý hòa bình, và chúng tôi hôm nay cũng xin tất cả quý vị hãy hiệp thông cùng chúng tôi trong công việc khó khăn này bởi vì chúng tôi biết rằng, nhà nước sẽ không ngừng bước trước những thủ đoạn nào kể cả những thủ đoạn nham hiểm nhất để làm sao cướp đoạt được một cách vĩnh viễn đất của chúng tôi.  Cho nên chúng tôi rất cần sự nâng đỡ, rất cần sự khích lệ, rất cần sự tiếp tay của tất cả quý vị.  Xin giúp đỡ chúng tôi để cho công lý được sáng tỏ trên quê hương Việt Nam.  Để những người dân oan vô tội được giải phóng.  Nhất là để cho có cách nào thông báo rộng rãi cho chúng tôi tất cả những cái đều đã xẩy ra để cho cả thế giới biết được cái sự vi phạm trắng trợn của chính quyền Việt Nam đối với những người dân oan vô tội.  Để dứt lời tôi xin một lần nữa cảm ơn quý đài, cảm ơn quý vị thính giả.  Xin cầu chúc cho quý vị được bình an.  Cầu chúc cho quý vị được hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống mỗi ngày.  Tôi xin kính chào.

Nguyễn Vũ: Dạ, thay mặt cho thính giả Đài Chân Trời Mới, xin cám ơn Cha Nam Phong và cũng xin góp lời cầu nguyện cùng với quý vị linh mục cũng như là giáo dân của Giáo Xứ Thái Hà.  Xin cám ơn Cha.

LM Nam Phong: Dạ xin cám ơn các anh.


Phỏng vấn một nhân chứng ở Thái Hà cảnh công an đàn áp giáo dân

04/09/2008

Thanh Thảo, Radio Chân Trời Mới – 29/08/2008

Vào khoảng 10 giờ đêm ngày 28 tháng 8 giờ Việt Nam, chúng tôi đã nhận được tin từ giáo sứ Thái Hà cho biết công an Đống Đa đã đến đây đàn áp rất thô bạo, bắt đi một số người và một số giáo dân đã bị đánh rất dã man. Bà con đã tập trung về nhà thờ để săn sóc những người bị nạn. Và sau đây xin mời quý thính giả theo dõi lời tường thuật của một nhân chứng đã có mặt tại hiện trường.

Thanh Thảo: Thưa ông, tôi là Thanh Thảo, phóng viên đài Chân Trời Mới. Tôi được biết, hiện giời công an Đống Đa đã bắt người và đánh người ờ Thái Hà. Xin ông vui lòng kể lại sự tình như thế nào.

Nhân chứng: Cả sáng nay công an quận Đống Đa đã khởi tố vụ án, và sáng nay đã bắt đi bốnngười giáo dân. Bốn người giáo dân đó đã bị khởi tố và đã bị bắt luôn và không cần giấy triệu tập lần thứ ba, cho nên giáo dân rất là bức xúc. Đã có hơn một trăm giáo dân đã đến trước cổng công an quận và ngồi bên lề đường, cầu nguyện suốt cả ngày hôm nay. Việc cầu nguyện đó đã làm rất nhiều người qua lại chú ý và tập trung đứng xem. Đến tối người giáo dân thấp nến để cầu nguyện. Cũng khoảng 8 giời thì đoàn người giáo dân sau khi đã cầu nguyện trong vùng đất tranh chấp, đã kéo đến để giúp những người cầu nguyện ở trước cửa công an quận. Khoàng 500 đến 600 người. Lúc đó cảnh sác cơ đông và rất nhiều cảnh sác khác nhau tập trung đông đứng cả đấy. Số công an đến được tăng cường rất nhiều. Khoảng 20 giờ công an bắt đầu ra tay đàn áp. Sự đàn áp rất dã man. Họ dùng dùi cuôi điện, dùng dùi cuôi, dùng một số công cụ khác đánh đập một số giáo dân mà người ta đang rất ôn hoà cầu nguyện im lặng. Một số người bị lôi ra đánh ngay giữa đường, đạp lên người cũng như là đạp lên ngực,  thậm chí khiến một số người ngất ngay tại chổ và đưa lên vỉa hè. Một số người bị bắt đi, một số người bị vỡ mặt, máu me đầy mặt.

Trong số người bị bắt đi có một số người dân tộc Mường ở viện Đặt Sơn, tỉnh Hòa Bình, tên là Bùi Thị Kém đã bị đánh vỡ mặt, máu me chảy đầy. Những người bị bắt đi, hiện chưa biết hết, nhưng có anh Huy, người đang chụp hình ở đó. Rồi có người của Dòng Chúa Cứu Thế đã bị đánh bị thương.

Khi công an đàn áp, thì giáo dân vẫn hết sức kiềm chế. Nhiều rất ngạc nhiên, một đoạn đường bị tắt nghẽn. Nhiều người qua lại bằng ô tô xe máy đều hết sứ ngạc nhiên trước sự kiềm chế của người Công Giáo và họ bị lùa về chổ nhà thờ.

Việc đàn áp hiện nay là một tội ác rất là lớn không thể tha thứ được. Riêng tôi hết sứ phẩn nộ về hành động này đối với những người tay không.

Thanh Thảo: Thưa ông, trước nhà thờ hiện giờ, giáo dân có còn tập trung trước đó hay không, thưa ông?

Nhân chứng: Bây giờ thì muôn rồi chị. Bây giờ thì tất cả đã phải về hết rồi. Người bị đánh trọng thương hiện nay người ta phải nằm trong nhà thôi. Những người có thể về được, thì người ta đã phải về nhà nghỉ ngơi. Có một thông tin nữa là nhà nước đã chỉ thị ở tại các trường xung quanh khu vực nhà thờ Thái Hà, các học sinh bị phân loại giữa các cháu người Công Giáo và người không Công Giáo. Cô giáo đã phải bắt các học sinh đứng dậy để tra khảo em nào là Công Giáo, tên thánh các em là gì để cho vào sổ. Những trường chung quanh cũng như vậy. Các em bị khủng bố tinh thần, cho em các em đã phải rất không an tâm mà đi học.

Thanh Thảo: Cho tới bây giời các em vẫn đi học? thưa ông.

Nhân chứng: Ngày hôm nay có hiện tượng như vậy là các em rất hoang mang, không biết có nên đi học ngày mai hay không và trong thời gian tới như thế nào.

Chúng tôi đang có người giáo dân và một số người khác bị đánh và bị dẫm đạp lên người bị rất nhiều những hành động thô bạo của công an.

Thanh Thảo: Vậy thì ngày mai giáo dân sẽ tiếp tục tập trung trước nhà thờ?

Nhân chứng: Tôi cũng không rõ điều ấy chị ạ, bởi vì tôi cũng chưa biết được ngày mai sẽ như thế nào. Hiện nay giáo dân tinh thần rất cao. Mỗi cái  vấn đề là không biết ngày mai nó sẽ đến đâu. Hiện nay giáo dân rất câm phẫn trước những hành động như vậy.

Thanh Thảo: Trong tinh thần hiệp thông với giáo sứ Thài Hà, xin ông cho biết, đồng báo có thể làm gì để giúp giáo dân trước tình trạng này?

Nhân chứng: Những người có thể giúp là cho thấy  sự nhiệt tâm của toàn thể giáo hội. Thứ hai là hộ họ những tiếng nói đau thương của họ hiện nay, mà rất nhiều khi họ vẫn khó khăn. Cho chưa biết làm thế nào trước hiện tượng này, bởi vì họ chỉ là một cộng đồng nhỏ bé và đã phải chịu oan ức từ mấy chục năm nay. Hiện nay họ không có phương tiện nào để truyền thông được. Không có cách nào để liên lạc với người khác khi họ bị đàn áp.

Cám ơn chị và cám ơn đài, và mong rằng tiếng nói nhỏ bé của người dân cư Thái Hà được đưa đến tất cả cộng đồng, tất cả mọi người và đến với thế giới để tố cáo tội ác này. Điều không thể ai chấp nhận được trong thế giới hiện đại ngày nay.

Thanh Thảo: Đồng bào khắp nơi đều theo dõi và chia sẻ những niềm ưu lo của đồng bào Thái Hà và mong rằng

Nhân chứng: Cám ơn chị. Hiện nay giáo dân có cái tâm rất là cao và phải đòi bằng được khu đất ấy. Còn người giáo dân thì thiếu phương tiện, chỉ có tay không mà cầu nguyện thôi. Điều đó đặt họ vào tình trạng hết sức khó khăn. Cũng mong được sự giúp đỡ từ mọi người. Mọi nơi đều hiệp thông với họ, để họ đòi lại công lý và hòa bình.

Thanh Thảo: Xin thành thật cám ơn ông. Xin kính chào ông.


Phỏng vấn nhân chứng ở Thái Hà cảnh công an đàn áp giáo dân

02/09/2008

Phỏng vấn một nhân chứng ở Thái Hà cảnh công an đàn áp giáo dân (29/08/2008)

Nghe âm thanh: Phỏng vấn nhân chứng

Giáo dân Thái Hà vẫn tiếp tục cầu nguyện, bất chấp lời đe dọa & vu khống của nhà cầm quyền CSVN. Phỏng vấn LM. Nam Phong (28/08/2008)

Nghe âm thanh: Phỏng vấn LM Nam Phong


Âm thanh Thái Hà (Vietnam Sydney Radio)

02/09/2008

Sau đây là các đoạn âm thanh của đài Vietnam Sydney Radio xoay quanh sự việc Thái Hà

Hội luận Linh mục Phan Văn Lợi và Linh mục Chu Văn Chi, Đại Diện Tuyên Úy Đoàn Úc Châu về vấn đề Thái Hà

Download: http://www.sendspace.com/file/lb6ckf

Linh mục Nguyễn Văn Khải kể chuyện

Download: http://www.sendspace.com/file/0w4a5h

Giáo dân Thái Hà kể chuyện

Download: http://www.sendspace.com/file/7xqzad
Download: http://www.sendspace.com/file/zz4qp9
Download: http://www.sendspace.com/file/e9hx6x


THƯ CHA GIÁM TỈNH GỞI ANH EM TOÀN TỈNH

02/09/2008


Sài Gòn, ngày 02.09.2008

THƯ CHA GIÁM TỈNH GỞI ANH EM TOÀN TỈNH
“Sự thật giải thoát anh em” (Ga 8,32)

Kính thưa anh em,

Trong những ngày này, lời Tin Mừng trở nên thiết thực với chúng ta.
Chúng ta đang được đọc Tin Mừng một cách sống động,
Chúng ta đang được sống Tin Mừng đầy thách đố,
Chúng ta đang được rao giảng Tin Mừng đầy sức mạnh :

– “Thầy đến để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37)
– “Anh em không thuộc về thế gian này” (Ga 15,19)
– “Thế gian đã bắt bớ Thầy, thế gian sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20)
– “Người ta sẽ vu khống anh em đủ điều xấu xa” (Mt 5,11)
–  “Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa sói” (Mt 10,16)

Chúng ta đang được sống ơn gọi Dòng Chúa Cứu Thế một cách mãnh liệt: sống thân phận nguời nghèo, người bị bỏ rơi; phục vụ Tin Mừng cho người nghèo, người bị áp bức; công bố sự thật và tin tưởng sự thật giải thoát chúng ta.

Trong những ngày này, bão tố thế gian đang dập vùi anh em chúng ta, quyền lực thế gian đang tung hoành sức mạnh của nó. Chúng ta “hãy đứng vững, lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính” (Ep 6,14).

Vậy, thưa anh em,

Xin anh em hãy gia tăng lời cầu nguyện. Anh em tại Thái Hà cũng như tất cả anh em trong toàn Tỉnh Dòng hãy gia tăng lời cầu nguyện, không ai trong chúng ta được phép đứng ngoài cuộc,

Mỗi cộng đoàn, mỗi nhà đào tạo, từ Đệ tử cho đến Hậu Học viện, hãy làm Tuần Cửu nhật khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Mỗi nhà, mỗi cộng đoàn, mỗi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phải theo dõi chặt chẽ thông tin từ Thái Hà, công bố thông tin sự thật về vụ việc và giải thích cho các cộng đoàn, các đoàn thể, các cá nhân chúng ta đang phục vụ. Chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm sự công bằng cho chúng ta.

Mỗi khi anh em làm mục vụ ở bất cứ nơi đâu, anh em có bổn phận phải xin cộng đoàn dân Chúa ở nơi đó cầu nguyện cho Thái Hà, cho sự thật, cho công lý và cho sự công bằng. Sự khôn ngoan trong thời điểm này là hiệp thông với anh em và lên tiếng cho sự thật.

Kính thưa anh em, sự kiện Thái Hà là dấu chỉ quan trọng mà Chúa gởi đến cho chúng ta, chúng ta phải đọc được dấu chỉ đó. Sát cánh cùng anh em ở Thái Hà, chúng ta là một trong ơn gọi và trong Chúa Kitô Cứu Thế.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Mẹ Hằng Cứu Giúp, thánh Anphong và các thánh trong Dòng, xin Thiên Chúa chúc lành cho anh em.

Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Lm. Vinhsơn Phạm Trung Thành, C.Ss.R

http://www.chuacuuthe.com/kysu/9485th200.html


Thư Hiệp Thông của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Úc Châu

02/09/2008

TUYÊN UÝ ĐOÀN CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO VIÊT NAM ÚC CHÂU VÀ NGUYỆT SAN DÂN CHÚA ÚC CHÂU XIN HIỆP THÔNG, CẦU NGUYỆN, VÀ ĐỒNG HÀNH VỚI GIÁO XỨ THÁI HÀ, TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI, VIỆT NAM.

Australia, ngày 1 tháng 9 năm 2008

Kính thưa Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng, Bề Trên, Chính Xứ Thái Hà,
Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ, và Cộng Đồng Dân Chúa Giáo Xứ Thái Hà,
Tổng Giáo Phận Hà Nội, Việt Nam.

Từ tháng 12 năm 2007 và nhất là từ tháng 1 năm 2008, khi được biết những khó khăn, phức tạp, với những thách đố và những đàn áp cưỡng bức của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam áp đặt lên toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa tại Hà Nội qua sự kiện Toà Khâm Sứ, và nhất là qua sự trấn áp kinh hoàng của công an và nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đối với Giáo Xứ Thái Hà, qua các cơ quan truyền thông Công Giáo nói riêng và các cơ quan truyền thông Quốc Tế nói chung, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Úc Châu chúng con đã liên tục theo dõi, đồng hành, và cầu nguyện hiệp thông với Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, và toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa tại Giáo Xứ Thái Hà.

Đặc biệt khi chúng con biết được sự kiện xảy ra việc bạo hành của nhân viên an ninh trấn áp đánh đập đối với những giáo dân Thái Hà vô tội trong buổi chiều ngày 28.8.2008, nhất là sự kiện công an xịt hơi cay vào Linh Mục, giáo dân Thái Hà và đồng bào Việt Nam đang có mặt nơi Linh Địa Đức Bà vào lúc 8.45 tối Chúa Nhật ngày 31.8.2008. Nhìn thấy những giáo dân Giáo Xứ Thái Hà bị thương tích đầy máu me trong đêm đàn áp và khi thấy quý bà và các em thiếu nhi nhỏ bé nhiễm độc hơi cay, lòng chúng con xót xa và thương cảm. Những sự kiện này đang gây nên những phẫn uất và bất bình nơi những người dân Úc Châu nói chung, và đặc biệt nơi những người Úc gốc Việt nói riêng.

Trong tâm tình hiệp thông, cầu nguyện, đồng hành, và hỗ trợ cho Quý Cha, Quý Tu Sĩ, và anh chị em thương mến của Giáo Xứ Thái Hà, Tuyên Uý Đoàn chúng con đã thông tin cho nhau qua các Cộng Đồng và Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Úc Châu, qua các cơ quan truyền thông báo chí, những tin tức, và khuyến khích các Cộng Đồng và Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam hiệp ý cầu nguyện và hiệp thông với Quý Cha, Quý Tu Sĩ, và anh chị em thương mến của Cộng Đồng Dân Chúa Giáo Xứ Thái Hà, Tổng Giáo Phận Hà Nội trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt này. Trong các Thánh Lễ cuối tuần vào Chúa Nhật 31.8 vừa qua, chúng con cũng đã hiệp thông và cầu nguyện nhiều cho Quý Cha, Quý Tu Sĩ, và anh chị em thương mến của Giáo Xứ Thái Hà.

Tuyên Uý Đoàn và Nguyệt San Dân Chúa của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Úc Châu chúng con qua lá thư này, khẳng định sự Hiệp Thông và Đồng Hành hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói chung, đặc biệt với Quý Cha, Quý Tu Sĩ, và anh chị em thương mến của Giáo Xứ Thái Hà nói riêng, trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, và nhiều thách đố của giai đoạn hiện tại.

Chúng con hoàn toàn tán thành và ủng hộ đường lối đối thoại ôn hòa, trong sự tôn trọng Hiến Pháp và Quyền Tự Do Tôn Giáo, cũng như tôn trọng sự thật và công bằng do Quý Cha, Quý Tu Sĩ, và anh chị em thương mến của Giáo Xứ Thái Hà, dựa vào đường lối chung của Giáo Hội với chủ trương theo đúng Tin Mừng.

Đồng thời, Tuyên Uý Đoàn và Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu chúng con cũng tha thiết kêu gọi Quý Cộng Đồng Người Việt Tự Do, Quý Cộng Đồng, Quý Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam, Quý Phong Trào Đoàn Thể,  Quý Cơ Quan Nhân Quyền, Quý cơ quan truyền thông báo chí, và toàn thể Quý Đồng Hương Việt Nam tại Úc Châu và trên toàn thế giới, cùng hiệp thông với chúng con, cầu nguyện, đồng hành, và hiệp thông đặc biệt với Giáo Xứ Thái Hà trong lúc khó khăn và đầy thách đố gian nan này. Chúng con mong mỏi và ủng hộ các buổi tổ chức Cầu Nguyện và Thắp Sáng trong các Giáo Xứ, các Cộng Đồng, các Cộng Đoàn địa phương, để cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam chấm dứt những hành vi đàn áp và nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam luôn biết tôn trọng Nhân Quyền cũng như Quyền Tự Do Tôn Giáo.

Trong tâm tình hiệp thông và đồng hành, chúng con cầu nguyện cho tất cả những tranh chấp và những bất hòa, được giải quyết trong công lý hoà bình và yêu thương. Nguyện xin Chúa của Hoà Bình và Mẹ La Vang, Mẹ Quê Hương Việt Nam, ban hoà bình, hạnh phúc, yêu thương trong công lý trên mọi người Dân Việt Nam nói chung, và đặc biệt cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói riêng, nhất là cho Quý Cha, Quý Tu Sĩ, và anh chị em của Giáo Xứ Thái Hà thương mến.

Trong Chúa Kitô.

Trân trọng,

LM. Phêrô Nguyễn Minh Thuý, Đại Diện Tuyên Uý Đoàn, CĐCGVN Úc Châu.
LM. Phêrô Bùi Xuân Mỹ, Phó Đại Diện Tuyên Uý Đoàn, CĐCGVN Úc Châu.
LM. Phaolô Chu Văn Chi, Tổng Thư Ký Tuyên Uý Đoàn, CĐCGVN Úc Châu.
LM. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, Chủ Nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu.


Tâm thư Dòng Chúa Cứu Thế kính gởi tất cả các linh mục Công Giáo Việt Nam

02/09/2008

VietCatholic News (Chúa Nhật 31/08/2008 01:18)

Sài Gòn, ngày 30 tháng 8 năm 2008

Kính gửi: Quý Linh Mục Chính xứ,
và các Linh Mục Công Giáo Việt
Nam.

Trọng kính quý Cha,

Trước làn sóng thông tin một chiều của các báo, đài Việt Nam, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế chúng con nhận thấy cần phải lên tiếng về một sự thật. Chúng con không có một phương tiện thông tin nào để chia sẻ do đó, chúng con xin mượn lá thư này để thưa chuyện với quý cha về vụ việc tại Thái Hà, Hà Nội.

Vào năm 1928, Đức Giám mục Francois Chaize, Giám quản Tông toà Giáo phận Hà Nội, đứng tên mua giúp Dòng Chúa Cứu Thế một lô đất, khu đất nằm trên quốc lộ 6, nay là phố Nguyễn Lương Bằng với tổng diện tích 61.455m2. Sau đó, DCCT đã đứng tên sở hữu là Les Pères Rédemptoristes (xem bằng khoán điền thổ số 42, ngày 16/8/1944).

Năm 1943, Nhà Dòng chuẩn bị xây dựng Nhà thờ trên khu đất mà hiện nay Công Ty May Chiến Thắng đang chiếm dụng (đã có bản vẽ và giấy phép xây dựng của Thành phố Hà Nội). Tuy nhiên, từ năm 1943-1946, xảy ra chiến tranh liên miên, và nhất là nạn đói 1945, việc xây dựng Nhà thờ đã không thể thực hiện được.

Ngày 22/5/1944, Đức Giám mục Francoise Chaize đã làm giấy nhượng quyền sở hữu đất đai và toàn bộ bất động sản trên khu đất này cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế. Trên mảnh đất này, Nhà Dòng đã xây dựng Tu viện, Học viện, Nhà đệ tử, Nhà nguyện và các cơ sở khác (xin xem sơ đồ đất đính kèm).

Trong khoảng từ năm 1961 – 1963, nhà nước bắt đầu chương trình chiếm dụng mà không có bất cứ giấy tờ nào hợp pháp: đầu tiên biến Tu viện thành trường học, sau thành bệnh viện (nay là bệnh viện Đống Đa). Không có bất cứ một chính sách nào cho phép trưng thu các cơ sở tôn giáo lúc đó. Nhưng ngày 30/1/1961, Ủy Ban Hành Chính Hà Nội đã tự ra quyết định 76/QL-NĐ giao khu đất cho Xí Nghiệp Dệt Thảm Len Đống Đa (khu vực đang tranh chấp hiện nay) mà DCCT không được biết.

Hiện tại, ngoài một số lớn nhà dân chiếm dụng trên phần đất Nhà Dòng, còn có các cơ sở của nhà nước như Trạm 4, Hội Chữ Thập Đỏ, Uỷ Ban Nhân Dân Phường Quang Trung cũ và mới, Kho Bạc Nhà Nước, Trường Học…

Tất cả những cơ sở bị chiếm dụng trên không hề thuộc diện cải tạo XHCN hay bất cứ chính sách nào thời điểm đó. Chúng con xin khẳng định rằng Cha Giuse Vũ Ngọc Bích là người quản lý, chưa bao giờ bán, cho, hiến, biếu tặng bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, và ngay chính Cha Giuse Vũ Ngọc Bích khi còn sống cũng đã khẳng định điều này nhiều lần công khai trước mặt giáo dân (có ghi âm).

Năm 1994, Xí Nghiệp Thảm Len được sát nhập vào Công ty Cổ Phần May Chiến Thắng. Khu đất của chúng con bị tư nhân hoá. Vì thế, ngày 8/8/1996, Cha Giuse Vũ Ngọc Bích làm đơn gửi tới các cấp chính quyền phản đối việc tư nhân hoá này. Đơn thư đã không được trả lời.

Những năm sau đó, Dòng Chúa Cứu Thế– Gx Thái Hà tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới các cấp chính quyền đề nghị chính quyền tôn trọng quyền sở hữu và giao lại khu đất cho Nhà Dòng và Giáo xứ. Kể từ đó tới nay, 12 năm đã trôi qua (8/8/1996 – 30/8/2008), nhưng chưa bao giờ các cơ quan Nhà nước đã nghiêm túc thực hiện những yêu cầu chính đáng, hợp pháp của DCCT – Gx Thái Hà.

Ngày 5/1/2008, nhận thấy Công ty Cổ Phần May Chiến Thắng vi phạm trên khu đất đang tranh chấp: phá các cơ sở vật chất của Nhà Dòng, làm đường, tiến hành xây dựng, giáo dân Giáo xứ Thái Hà ý thức được đây là tài sản chung của Giáo Hội nên đã bảo vệ và phản đối bằng cách dựng lều bạt, treo ảnh tượng và cầu nguyện bên ngoài khu đất này.

Suốt tám tháng qua, kể từ ngày 5/1/2008, dù phải chứng kiến không ít lần Công ty May Chiến Thắng, dưới sự bảo trợ của một số cơ quan chính quyền địa phương, cố tình vi phạm pháp luật, nhưng người giáo dân vẫn tuân thủ những qui định của luật pháp, không manh động, giữ gìn ổn định trật tự trị an trong khu vực. Mỗi khi Công ty May Chiến Thắng vi phạm pháp luật thì giáo xứ luôn báo cáo các cấp chính quyền giải quyết. Về phần mình, giáo dân luôn thể hiện một tinh thần tôn trọng luật pháp cao độ, yên tâm chờ đợi một tin vui tốt lành thể hiện tinh thần tôn trọng tự do tín ngưỡng, công bằng và sự thật của các cơ quan Nhà nước. Nhưng, thiện chí và sự chờ đợi ấy đã không được đền đáp một cách thoả đáng. Trái lại, liên tiếp các ngày 30/6/20082/7/2008, chính quyền đã ra các Quyết định 2476/QD-UBND của UBND thành phố Hà Nội và Công văn 4213/UBND/NNĐC thiếu cơ sở pháp lý, không tôn trọng sự thật.


Đứng trước nguy cơ bị tước đoạt những quyền lợi chính đáng, đứng trước thiện chí bị chà đạp và đứng trước việc sự thật không được chính quyền nhìn nhận, người giáo dân đã phải cậy đến Chúa và Đức Mẹ đi tìm công lý cho mình.

Ngày 14/8/2008, nhân ngày lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, giáo dân đã cung nghinh tượng Mẹ vào ngự tại khu đất và đặt tượng Mẹ chính tại nơi xưa kia Nhà Dòng và Giáo xứ đã cung hiến cho Mẹ. Cuộc cung nghinh ấy đã không hề bị bất cứ cản trở nào từ phía lực lượng bảo vệ tại Công ty May Chiến Thắng và từ phía các cán bộ an ninh, không có bất cứ biên bản vi phạm nào được lập.

Ngày 15/8/2008, nhận thấy bức tường đối diện với tượng Mẹ có nguy cơ sụp đổ do trận mưa kỷ lục tại các tỉnh Miền Bắc vừa qua, có thể gây những tai nạn đáng tiếc cho người giáo dân tới cầu nguyện, anh chị em giáo dân đã gỡ bỏ, tạo một lối đi thông thoáng thuận tiện cho việc vào cầu nguyện. Chiều cùng ngày, dưới sự chứng kiến của các vị lãnh đạo địa phương và các cán bộ an ninh, các giáo dân trong Giáo xứ đã cung nghinh Thánh giá và một tượng Mẹ lớn hơn vào khu đất, đặt trên một bể nước, và cũng không có bất kỳ biên bản vi phạm pháp luật nào được lập.

Ngày 19/8/2008 các Linh mục tu sĩ DCCT – Gx Thái Hà đã gửi Đơn Khiếu Nại, số 06/2008/DCCTHN, tới Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hữu quan đề nghị trao lại quyền sử dụng đất của Dòng Chúa Cứu Thế – Giáo xứ Thái Hà.

Ngày 19/8/2008 Đài Truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội mới, báo An Ninh Thủ Đô và báo Nhân Dân đã đưa tin xuyên tạc sự thật về những gì xảy ra tại Thái Hà để có cớ giải tán việc đòi lại công bằng của bà con giáo dân. Đài Truyền hình Hà Nội và Đài Truyền Hình Việt Nam chiều tối ngày 19/8/2008 và trước đó đã đưa tin kết án việc làm của bà con giáo dân, thậm chí còn vu khống cho các linh mục tu sĩ chúng con. Chưa hết, báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 20/8/2008, trên trang 1 đăng bài “Không chấp nhận hành động vi phạm pháp luật, kích động giáo dân” của tác giả Nam Việt để một lần nữa kết án một cách bất công bà con giáo dân và các linh mục tu sĩ tại Thái Hà.

Ngày 20/8/2008, Linh mục Giuse Cao Đình Trị, Phó Giám Tỉnh DCCT Việt Nam đã gửi Đơn Khiếu Nại tới Thủ Tướng và các cơ quan chức năng về việc đưa tin xuyên tạc sự thật của một số báo, đài Việt Nam (linh mục Giám Tỉnh đi công tác).

Ngày 27/8/2008, chính quyền đã quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản công cộng và đã gửi giấy triệu tập cho một số giáo dân để điều tra.

Ngày 28/8/2008, không theo trình tự của luật pháp, Cơ Quan Điều Tra Quận Đống Đa tiến hành bắt tạm giam một số giáo dân ngay tại nhà của họ; lực lượng công an cơ động sử dụng sức mạnh đàn áp, đánh đập gây đổ máu và bắt đi một số giáo dân.

Kính thưa quý cha,

Về phần mình, chúng con khẳng định rằng Dòng Chúa Cứu Thế – Giáo xứ Thái Hà có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để chứng minh khu đất đó thuộc quyền sử dụng của mình và đã sở hữu, sử dụng từ khi chưa thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

Khu đất hiện đang tranh chấp là thuộc quyền sử dụng của Dòng Chúa Cứu Thế – Giáo xứ Thái Hà, không có bất cứ văn bản sang nhượng, chuyển quyền sử dụng, cho, biếu tặng bất cứ tổ chức hoặc pháp nhân nào. Bởi theo Giáo luật, không có ai, với tư cách cá nhân, được tự ý sang nhượng, chuyển đổi đất đai, tài sản Giáo hội Công giáo.

Chúng con khẳng định kiên quyết yêu cầu việc trả lại sự công bằng, công lý và lẽ phải với những tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế – Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, đúng với tinh thần hiến pháp, luật pháp Việt Nam đã qui định, cũng như những luật lệ quốc tế mà Việt nam đã cam kết và có nghĩa vụ tôn trọng (xem Đơn Khiếu Nại, số 06/2008/DCCTHN của các Linh mục tu sĩ DCCT tại Giáo xứ Thái Hà).

Chúng con kiên định đeo đuổi công lý và sự thật vì “sự thật sẽ giải thoát chúng con” như Chúa Giêsu đã nói.

Kính thưa quý cha, trên đây là vắn tắt quá trình vụ việc tại Thái Hà. Trong hoàn cảnh không có phương tiện để tự bảo vệ mình và làm sáng tỏ công lý. Kính xin quý cha thương cầu nguyện và nâng đỡ chúng con.

Chúng con chân thành cám ơn quý cha.

Văn phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Lm. Giuse Đinh Hữu Thoại, C.Ss.R
Thư ký Tỉnh Dòng

Dòng Chúa Cứu Thế