Chính quyền xã Lạng Sơn tiếp tục hạch sách gây khó khăn Đức Giám Mục Hoàng Đức Oanh

- Chính quyền xã Lạng Sơn tiếp tục hạch sách gây khó khăn Đức Giám Mục Hoàng Đức Oanh

Theo tin tức thì vào dịp lễ phục sinh vừa qua, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh đã tới dâng lễ phục sinh tại giáo điểm Sơn Lang nơi trước đây ngài đã từng bị chính quyền bày trò gây khó dễ và đe dọa bắt ngài. Lần này, chính quyền địa phương tiếp tục đưa cả quần chúng tự phát tới tham dự thánh lễ.

Hơn thế nữa, chính quyền còn bố trí cả chị em Hội phụ nữ của xã đến ngồi sau lưng bà con giáo dân để “xem” lễ. Cũng như chính quyền, chị em phụ nữ này hiên ngang ngồi “xem” lễ trong khi bà con giáo dân đứng. Một số khác thì ngồi trong quán kế bên và mấy quán phía bên kia đường để theo sát tình hình diễn biến. Một Thánh Lễ Phục Sinh hoàn toàn là nghi thức thánh thiện tinh tuyền lại bị nghi ngờ và theo dõi. Điều quan trọng hơn, sau Thánh Lễ Phục Sinh, Đức Giám Mục và cha Giuse Phạm Minh Công đã bị mời vào Ủy Ban xã “làm việc”. họ nhắc nhở Đức Giám Mục hai điều để “rút kinh nghiệm”. Điều thứ nhất: trong đơn xin phép chỉ xin làm lễ Phục Sinh thôi, mà bây giờ lại thêm cái lễ nữa là “Lễ Rửa Tội”. Điều thứ hai: đơn xin phép thì xin chỉ có mỗi Đức Giám Mục và Linh mục Công thôi, thế mà bây giờ lại đi cả phái đoàn đông và như thế là không được! Qua sự kiện này, một lần nữa cho thấy những cán bộ đầy tớ nhân dân thiếu hiểu biết và kém nhân bản.

- Văn Bút Quốc Tế phản đối nhà cầm quyền VN bắt xử các nhà văn đối kháng

Trong một Kháng Nghị thư phổ biến toàn cầu ngày 20 tháng 4 năm 2011, Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Đàn áp và Cầm tù đã mạnh mẽ phản đối bản án khắc nghiệt 7 năm tù giam mà toà án CSVN đã tuyên phạt ông Cù Huy Hà Vũ ngày 4 tháng 4 mới đây. Văn Bút Quốc Tế đòi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho nhà văn dân chủ đối kháng, chiếu theo điều 19 Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà nhà nước cộng sản đã ký kết. Văn Bút Quốc Tế cũng tìm kiếm sự bảo đảm an toàn nhân cách và thể chất của tù nhân tiếng tăm này.

Nhà luật học Cù Huy Hà Vũ là một người tranh đấu hàng đầu bảo vệ nhân quyền, văn hóa và môi sinh. Ông bị bắt ngày 5 tháng 11 năm 2010 sau khi phổ biến trên Internet nhiều bài ông viết chỉ trích chế độ độc tài CS và những kẻ cầm quyền bất xứng đối với dân tộc của ông. Kháng Nghị Thư của Văn Bút Quốc Tế cũng nhắc đến vụ CS hành hung rồi bắt giam hai nhà dân chủ đối kháng, bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân, vào ngày 4/04 vừa qua về ‘’tội gây rối trật tự công cộng’’ nhưng trước áp lực của công luận Hà Nội buộc phải trả tự do cho 2 ông.

Văn Bút Quốc Tế còn tố cáo nhà cầm quyền VN đã kết án tù nặng nề hàng chục người dám chỉ trích chế độ và các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền dù họ chỉ hành sử ôn hòa quyền tự do của mình, như trường hợp ông Vi Đức Hồi, 56 tuổi, nhà dân chủ đối kháng, một cán bộ cao cấp CS bị khai trừ và đấu tố. Ngày 26 tháng 4 vừa qua, tòa phúc thẩm CS tuyên phạt ông Vi Đức Hồi 5 năm tù giam và 3 năm quản chế.

- Trung Quốc nghiên cứu, tuyên truyền về biển đảo Việt Nam một cách bài bản

Theo tin tức thì vào ngày 26 tháng 4 vừa qua một cuộc hội thảo về “Tranh chấp chủ quyền tại biển Ðông” được tổ chức ở Hà Nội với sự tham dự của chuyên viên thuộc các ngành khác nhau của Việt Nam do Bộ Ngoại Giao phối hợp với Học Viện Ngoại Giao tổ chức. Tuy nhiên trong cuộc hội thảo này, người ta chỉ thấy cập nhật những tin tức và diễn biến liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo biển Ðông từ Khi Bộ Ngoại Giao Hà Nội tổ chức cuộc hội thảo về biển Ðông lần đầu cách đây hai năm. Một số lời phát biểu trong cuộc hội thảo cho hay Trung Quốc đã có tới 36 luận án tiến sĩ đưa ra các chứng cớ nói biển Ðông là của họ trong khi Việt Nam chỉ lập đi lập lại một vài tài liệu bằng tiếng Việt như của nhà sử học Nguyễn Nhã.

Đặc điểm nổi bật trong hoạt động nghiên cứu và tuyên truyền của Trung Quốc là sự đồng bộ và toàn diện từ Trung ương xuống địa phương. Trung Quốc thực hiện nghiên cứu và phổ biến kết quả nghiên cứu về chủ quyền biển đảo trên ba cấp: Trung ương, địa phương (tỉnh thành), và hệ thống trường đại học.

Các tác phẩm, tài liệu của Trung Quốc đã được dịch ra nhiều ngoại ngữ và phổ biến rộng rãi, tuyên truyền biển Ðông là của Trung Quốc. Bắc Kinh vận động phối hợp cả nói và làm một cách mạnh mẽ để củng cố cho lập trường, chủ trương của họ trong vấn đề biển Ðông. Mấy năm qua, Trung Quốc đều cấm đánh cá trên biển Ðông từ giữa Tháng Năm đến đầu Tháng Tám, thời gian chính vụ của giới ngư dân đánh cá xa bờ của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam khai thác hải sản gần quần đảo Hoàng Sa hoặc bị tàu Trung Quốc đâm chìm hay bắt giữ đòi tiền chuộc. Những điều kể trên cho thấy rằng đã đến lúc Việt Nam cần tiến hành một cách bài bản hơn chương trình mục tiêu Quốc gia nghiên cứu về biển đảo nhằm đưa tiếng nói khách quan và khoa học của các nhà nghiên cứu Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế; đồng thời nâng cao ý thức và hiểu biết của chúng ta về giá trị lãnh thổ.

Bình luận về bài viết này