Bắc Kinh phản ứng về bài viết của một bình luận gia nổi tiếng của Nhật về bản chất hiếu chiến của Trung quốc để mong khống chế biển Đông

Bích Huyền và Hoàng Đỉnh
- Bắc Kinh phản ứng về bài viết của một bình luận gia nổi tiếng của Nhật về bản chất hiếu chiến của Trung quốc để mong khống chế biển Đông

Vào đầu tuần qua, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã cho đi một bài xã thuyết lên án ông Hiramatsu và một số người Nhật mà họ gọi là thành phần cực đoan luôn tìm cách vu khống, đánh phá Trung quốc về mọi mặt để mong khỏa lấp những tội tày trời mà Phát-Xít Nhật đã gây ra trong thời kỳ chiếm đóng Trung quốc trước đây. Sau đó, bà Khương Du, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung quốc, trong một cuộc họp báo với lời lẽ đanh đá nói rằng: tôi không biết cái ông Hiramatsu là ai, nổi tiếng như thế nào ở Nhật, nhưng qua bài ’’Bản chất hiếu chiến của Trung quốc’’ do ông ta viết ra chẳng có giá trị gì ngoại trừ việc muốn phá hoại tình hữu nghị hai nước Trung-Nhật.

Bài viết của ông Hiramatsu đưa ra nhiều dữ kiện cho thấy các nước đang cảnh giác trước ý đồ muốn khống chế biển đông của Bắc Kinh qua việc xâm lấn hai quần đảo Paracel Islands và Spratly Islands (Hoàng Sa và Trường Sa) và tự ý vẽ cái lưỡi bò chạy dài từ đảo Hải Nam xuống tận vùng biển Malaysia rồi bảo đó là lãnh hải của Trung quốc. Chủ đích của bài viết là để cảnh cáo chính quyền Nhật hiện tại qua chính sách ngoại giao coi trọng Trung quốc hơn cả các nước Âu Mỹ, những đồng minh chiến lược của Nhật từ mấy chục năm nay.

Bài viết mở đầu bằng lời tuyên bố của bà Ngoại trưởng Clinton tại hội ASEAN mở rộng được tổ chức ở Hà Nội vào hạ tuần tháng 7 vừa qua. Bà Clinton tuyên bố rằng sự tự do đi lại của tàu bè trên vùng biển Đông cũng là một quyền lợi của Hoa Kỳ nên chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực quân sự để khống chế vùng biển này của bất kỳ quốc gia nào. Các nước Malaysia, Philippines, Indonesia cũng cực lực phản đối và sẵn sàng đương đầu với tàu chiến Trung quốc nguỵ trang thành tàu ngư chính lai vãng trên lãnh hải của những quốc gia này. Ngay Việt Nam, một nước cộng sản, được coi như anh em cật ruột với Trung quốc, thế mà ngư dân của họ ra khơi đánh các trên lãnh hải của mình vẫn bị tàu Trung quốc bắn giết, bắt giữ đòi tiền chuộc khiến cho chính quyền Việt Nam bắt đầu cảnh giác, cuộc thao diễn quân sự chung với Hoa Kỳ về việc cứu nạn ở biển Đông vào ngày 11 tháng 8 vừa rồi là một bằng chứng điển hình. Năm 1973, sau hiệp định Paris, Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam, đến năm 1992 bỏ luôn căn cứ hải quân Subic ở Philippines tạo cơ hội thuận tiện cho Trung quốc thực hiện việc khống chế biển Đông, một mưu đồ mà những người cầm quyền ở Bắc Kinh ấp ủ từ lâu nhưng không tiến hành được vì sự có hiện diện của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Ngoài việc xâm chiếm nhiều hòn đảo ở hai dãy Hoàng Sa và Trường Sa để xây sân bay, thiết lập quân cảng với nhiều hệ thống radar nhằm khống chế con đường huyết mạch của tàu bè đi lại vùng biển này, Bắc Kinh còn cho thành lập các đội ngư chính có khi lên đến cả ngàn chiếc vừa đánh cá vừa làm vệ tinh cho tàu chiến của Trung quốc. Sau khi làm mưa, làm gió ở biển đông, Trung quốc không dừng lại ở đây mà còn tiến lên vùng biển Đông Á, cuối tháng 4/ 2010, Bắc Kinh còn đưa hải quân lên tập trận ở sát lãnh hải Nhật, nhiều tàu chiến Trung quốc còn vượt eo biển Miyako (thuộc quần đảo Okinawa), đó là chưa kể tàu chiến Trung quốc ngụy trang thành tàu thăm dò hải dương thường xuyên xâm phạm lãnh hải của Nhật. Trong cuộc tập trận này ông Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung quốc còn chỉ thị cho toàn quân phải luôn duy trì tinh thần chiến đấu vì chiến tranh sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.

Thêm 5 năm nữa, khi mà Trung quốc đóng xong ba chiếc hàng không mẫu hạm thì lúc đó việc ngăn chận hành động xâm lược của Bắc Kinh khó khăn hơn nhiều, bây giờ là cơ hội tốt nhất để Nhật liên kết với các nước trong vùng và Hoa Kỳ ngăn chận mưu đồ khống chế biển Đông của Trung quốc.

Bình luận gia Hiramatsu nói rằng những tôi chỉ viết lại những điều mà ai cũng biết chứ có bịa thêm chuyện gì đâu mà Bắc Kinh chỉ trích tôi là kẻ muốn phá hoại tình hữu nghị giữa hai nước, chính âm mưu khống chế biển Đông của nhà nước cộng sản Trung quốc mới gây nên bất ổn, phá hoại nền hòa bình của thế giới.

- 100 năm, ngày Nhật sát nhập bán đảo Triều Tiên vào lãnh thổ của mình

Hôm 22 tháng 8 vừa qua là đúng 100 năm ngày Nhật Bản bắt những người cầm quyền ở bán đảo Triều Tiên phải ký một hiệp ước sát nhập đảo quốc này vào lãnh thổ Nhật Bản. Hàng năm cứ đến ngày này là người dân Triều Tiên ở cả hai miền Nam Bắc đều tổ chức những cuộc mít-ting, biểu tình lên án và đòi hỏi Nhật Bản phải chính thức xin lỗi về những tội ác tày trời đã gây ra cho dân tộc Triều Tiên suốt trong 36 năm cai trị đảo quốc này.

Nhật Bản chuộc tội bằng cách viện trợ thật nhiều cho Nam Hàn tái thiết đất nước, nhưng không hề lên tiếng tạ tội, bất quá là một câu ’’đó là một sự đáng tiếc trong quá khứ’’. Mãi cho đến năm 1995, ông Murayama, Thủ tướng Nhật lúc đó mới lên tiếng xin lỗi, nhưng vì sự xin lỗi đó diễn ra trong bối cảnh của một cuộc tọa đàm nên người dân Triều Tiên không chấp nhận, chính quyền Bình Nhưỡng thì cay cú hơn vì chưa nhận được một khoản tiền viện trợ bồi thường chiến tranh nào từ Tokyo do không có quan hệ ngoại giao với Nhật Bản.

Năm nay, vào ngày này tại Hàn quốc vẫn có mít-ting, biểu tình lên án tội ác ngày xưa của Nhật nhưng quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với những năm trước đây do việc Thủ tướng Nhật đã chính thức lên tiếng xin lỗi đàng hoàng bằng văn bản, theo đó thừa nhận chế độ thuộc địa Nhật đã gây thiệt hại nặng nề về tinh thần lẫn vật chất cho người dân Triều Tiên. Thủ tướng Nhật bày tỏ sự hối tiếc sâu xa và thành thật tạ tội về những sai lầm của Nhật trong quá khứ, nhưng lý do chính làm giảm cơn thịnh nộ của người Hàn quốc là do các đại xí nghiệp của quốc gia này như Sam Sung. LG Electronics…vượt trội hơn các đại công ty Nhật trên thị trường quốc tế; về thể thao đoạt nhiều huy chương vàng hơn Nhật ở các giải thế giới; một số ca sĩ, tài tử Hàn quốc được nhiều người Nhật thật tình ái mộ; về chính trị cũng đã tạo được tư thế vững vàng trên chính trường quốc tế. Nói tóm lại không còn cảm thấy thua sút Nhật nên sự uất hận cũng giảm dần theo thời gian. Đó là kết quả điều tra ý kiến người dân vào đầu tuần qua do hãng thông tấn Yonhap Hàn quốc thực hiện, tuy nhiên cuối bản điều tra, hãng Yonhap cho hay hầu hết người dân Hàn quốc vẫn chờ đợi một lời xin lỗi từ chính cửa miệng Thiên Hoàng Nhật.

Tuy xã hội Hàn quốc đã cởi mở hơn xưa nhiều, nhưng những người từ 50 tuổi trở lên vẫn còn tinh thần bài Nhật rất mạnh vì những thế hệ này là nạn nhân trực tiếp của Phát-xít Nhật ngày xưa. Năm 1945, sau khi thoát khỏi ách thống trị của Phát-xít Nhật, Tổng thống Lý Thừa Vãng triệt để áp dụng chính sách giáo dục đề cao tinh thần dân tộc để nâng cao sĩ khí người dân, bài Nhật đến tận răng, phủ nhận tất cả những gì mà Nhật áp đặt cho dù có nhiều điều hay, học sinh vào thời đó được dạy rằng Nhật Bản là một nước toàn kẻ dã man cư ngụ, hở một chút là rút gươm giết người không gớm tay, một dân tộc như thế thì rất thích chiến tranh, không bao giờ yêu chuộng hòa bình.

Đức quốc xã, Phát-xít Nhật là những nước gây ra nhiều tội ác trong quá khứ, nay cả hai quốc gia này đã chính thức lên tiếng xin lỗi và bồi thường chiến tranh cho các nước nạn nhân. Nếu so sánh về tội ác đối với nhân loại thì cả hai nước này cọng lại còn thua xa chủ nghĩa Cộng sản, vậy mà cái chủ nghĩa đó vẫn đang còn gieo tan tóc cho dân tộc Việt, bao giờ thì chúng ta đứng lên hỏi tội những người lãnh đạo đảng CSVN đây?, hỏi tức là trả lời.

Bình luận về bài viết này