Ân xá Quốc tế kêu gọi hành động khẩn cho các nhà bất đồng chính kiến tại VN

Ân xá Quốc tế kêu gọi hành động khẩn cho các nhà bất đồng chính kiến tại VN

Trong thông cáo ra ngày 22/12 tại Anh quốc, Ân xá Quốc tế đề cập tới ba trường hợp là ông Lê Công Định, ông Nguyễn Tiến Trung và ông Trần Anh Kim cùng với lời kêu gọi tất cả những ai quan tâm can thiệp cho những người tù nhân lương tâm.

Thông cáo cũng yêu cầu các thỉnh nguyện viên kêu gọi nhà chức trách Việt Nam thả những người này ngay lập tức và vô điều kiện, xóa bỏ tất cả các cáo buộc đối với họ.

Một khuyến nghị khác đối với chính phủ Việt Nam là thay đổi hoặc xóa bỏ các điều trong Bộ Luật Hình sự 1999 vốn mang nội dung hình sự hóa việc bất đồng chính kiến một cách hòa bình.

Theo tin tức thì Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Thăng Long về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Xin nhắc lại trước đây các nhà dân chủ này bị khởi tố tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự. Nhưng sau đó, Cơ quan An ninh điều tra đã thay đổi quyết định, khởi tố bị các nhân vật nói trên với tội danh Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79.

Ngoài ra, một nhà dân chủ khác là ông Trần Anh Kim, thành viên ban điều hành Khối 8406 và phó tổng thư ký đảng Dân Chủ Việt Nam sẽ phải ra tòa ở Thái bình ngày 28/12/2009, với cùng tội danh trên, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự. Bị bắt vào tháng 7 vừa qua, Bà Nguyễn Thị Thơm, vợ ông Trần Anh Kim cho biết là chỉ được thăm và gặp chồng một lần duy nhất hơn hai tháng sau đó. Theo bà Thơm thì “ông Kim chỉ có tiếng nói ôn hòa, góp phần thay đổi để đất nước tiến lên. Gán ghép cho ông tội lỗi để bỏ tù là không công bằng. Được biết, Luật Sư Ðặng Ngọc Phúc được tòa án chỉ định bào chữa cho ông Trần Anh Kim. Nhưng mọi người đều biết các vụ án chính trị đều được xử theo lệnh của Bộ Chính Trị CSVN nên các bản án được gọi là “án bỏ túi” vì thẩm phán chỉ ngồi xử chiếu lệ. Các lời biện hộ, chứng cứ của luật sư, lời phản cung của bị cáo, lời tố cáo ép cung của bị can đều không bao giờ có tác dụng.

Nhận xét về việc chuyển tội danh, ông Đỗ Nam Hải, một nhà bất đồng chính kiến khác tại Sài Gòn cho rằng đây là ý đồ “tránh áp lực của quốc tế rất mạnh đối với Điều 88, vì với Điều 79, đi kèm hai chữ ’hoạt động’ tức là đã có hành vi ’lật đổ’ cụ thể”.

Việc chuyển sang tội danh có khung hình phạt cao hơn, theo ông Hải, cũng là để “răn đe hù dọa phong trào dân chủ, lực lượng dân chủ Việt Nam”.

Riêng Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đã nhiều lần lên án nhà cầm quyền CSVN và đòi hỏi phải trả tự do cho những người nói trên vì họ chỉ thực thi quyền tự do phát biểu được minh định trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền cũng như bản Công Ước Quốc Tế về Quyền Tự Do Chính Trị và Dân Sự mà CSVN đã đặt bút cam kết tuân thủ.

- Chính Sách Xuất Khẩu Lao Ðộng Của Trung Cộng Gây Bất Bình Tại Việt Nam Và Nhiều Nước Khác

Vốn nổi tiếng thế giới về các mặt hàng giá rẻ, Trung Cộng đang ngày càng được biết đến qua việc đưa lao động giá hạ qua làm việc tại những nước họ đầu tư, trong đó có Việt Nam. Chủ trương xuất khẩu lao động này càng lúc càng gây bất bình trong cư dân địa phương nơi nhân công Trung Cộng đến làm việc.

Nhật báo Mỹ New York Times số đề ngày 21/12 đã lấy thí dụ từ một công trường gần Hải Phòng để nói về phản ứng của dư luận Việt Nam trước thực tế này. Theo ghi nhận của nhật báo Mỹ, cách đây bốn năm khi hai công ty Nhật Bản và Trung Cộng quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy nhiệt điện tại một ngôi làng gần Hải Phòng, cư dân ở đây đã khấp khởi mừng vui vì hy vọng có thêm cả ngàn công ăn việc làm. Bốn năm sau, nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng sắp hoàn thành, nhưng số người Việt Nam làm việc cho công trình này chỉ khoảng vài trăm mà thôi, còn đa số công nhân là người Trung Cộng, mà số lượng lên đến 1500 người vào những lúc cao điểm. Lao động Trung Cộng hiện diện ở nhiều nơi khác tại Việt Nam, với việc hàng loạt công trình do nhà thầu Trung Cộng chịu trách nhiệm chuyên sử dụng lao động Trung Cộng thay vì công nhân Việt Nam.

Vụ gây chú ý nhất trong thời gian qua là công trường khai thác mỏ bauxite trên vùng Tây Nguyên, miền Trung Việt Nam, đã được giao cho một công ty thuộc tập đoàn Chinalco của Trung Cộng. Tại đây nhà thầu Trung Cộng cũng du nhập công nhân của họ đến nơi làm việc. Sự kiện này đã làm dấy lên cả một làn sóng phản đối.

Ngoài vấn đề môi trường, an ninh quốc gia, còn có vấn đề công ăn việc làm của người dân tại chỗ, trên nguyên tắc phải được ưu tiên thu dụng. Trước làn sóng phản đối, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã phải tìm cách trấn an, cho biết là đã xiết chặt việc cấp visa hay giấy phép lao động cho công nhân Trung Cộng. Về nguyên tắc, nhà cầm quyền Việt Nam không cho phép những người lao động ngoại quốc vào làm việc trong nước, và buộc các nhà thầu nước ngoài phải thu dụng người Việt Nam cho những công việc này. Thế nhưng theo New York Times, một số viên chức điều hành các công ty Trung Cộng cho biết là chỉ cần hối lộ là mọi việc êm xuôi.

Ðối với Hà Nội, sự kiện nhân công Trung Cộng đổ vào làm việc là một vấn đề tế nhị. Về mặt kinh tế, Việt Nam đang bị 10 tỷ đô la thâm thủng mậu dịch với nước láng giềng phương Bắc, và cũng cần đến đấu tư của Trung Cộng. Thế nhưng các tập đoàn Trung Cộng khi đầu tư vào một nước nào đó, thường hay kèm theo điều kiện là phải sử dụng nhân công của họ, và đây là một vấn đề không được công luận chấp nhận. Trong tình hình đó, phản ứng bất bình của công luận Việt Nam đối với lao động đến từ Trung Cộng là một điều dễ hiểu. Về phần mình, Bắc Kinh vẫn tiếp tục chủ trương xuất khẩu lao động kèm theo các hợp đồng đầu tư hay thỏa thuận viện trợ kinh tế.

Bình luận về bài viết này