Hàng ngàn công nhân đình công đòi tăng lương

- Hàng ngàn công nhân đình công đòi tăng lương.

Sáng 23 tháng 2, hơn 3,700 công nhân hãng giày Sao Việt tọa lạc trong khuôn viên khu công nghiệp Ðồng An, Bình Dương đồng loạt bãi công đòi tăng lương.

Ðại diện công nhân nói rằng họ bị ép “tăng ca” quá mức trong thời gian qua dưới hình thức làm việc cả ngày Thứ Bảy trong khi tiền lương không tăng và món ăn giữa trưa quá tệ.

Công nhân đòi chủ hãng trả tiền sòng phẳng cho ngày làm việc, tăng thêm mỗi tháng khoảng 300,000 đồng mỗi người.

Riêng tại hãng Vina Hsinlung sản xuất bao bì ở kế cận, cùng khu công nghiệp Ðồng An, cuộc đình công của 200 thợ bắt đầu từ ngày 16 tháng 2 đến nay đã bước sang ngày thứ bảy. Một số công nhân nổi giận khi đọc được thông báo của chủ hãng tuyên bố sẽ sa thải những ai đình công quá 5 ngày, đồng thời dán thông báo tuyển dụng thợ mới với mức lương căn bản cao hơn lương thợ cũ 12 Mỹ kim.

Trong khi đó tại Sài Gòn sáng ngày 22 tháng 2, trên 300 công nhân hãng dệt len Magnicon của Ðài Loan tọa lạc tại quận 12 bao vây trụ sở khi nghe tin chủ hãng bỏ trốn mang theo 1 tỉ đồng tiền lương tháng 1, tháng 2 của thợ.

- Tổ Chức Theo Dỏi Nhân Quyền chỉ trích quy định báo chí của Hà Nội

Hôm 06/01/2011, Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí và xuất bản. Theo quy định này, các hành vi như không viện dẫn nguồn tin, không ghi rõ tên họ thật hay bút danh tác giả; hoặc sử dụng tin bài nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả… có thể bị phạt từ 1.000.000-3.000.000 đồng. Trong thông cáo ra ngày 24/02, HRW viết đây là “đòn giáng mới vào tự do ngôn luận ở Việt Nam”.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Á châu của tổ chức có uy tín này, nói: “Các điều khoản mơ hồ và độc đoán của quy định này là tiền đề cho một sự tự kiểm duyệt nặng nề”.

“Cho phép các nhà báo tường thuật thông tin một cách trung thực, chứ không phải trừng phạt họ, là cách thức tốt nhất để phục vụ lợi ích của đất nước và người dân.”

Theo HRW, quy định số 02/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với báo chí cho phép nhiều bộ phận của chính quyền có thể xử phạt các nhà báo và các tờ báo bất cứ lúc nào, dựa trên các quyết định độc đoán của giới chức, từ thanh tra Bộ Thông tin-Truyền thông, tới Ủy ban Nhân dân các cấp, công an, quốc phòng…

Human Rights Watch cho rằng ở một đất nước còn tồn tại nhiều tham nhũng như Việt Nam, quy định mới này có thể bị lợi dụng và trở thành “cách mới cho quan chức địa phương kiếm tiền”.

Ông Phil Robertson kết luận: “Chính phủ Việt Nam cần nhận thức rằng một nền kinh tế phồn thịnh đòi hỏi có tự do báo chí, cho phép các nhà báo làm công việc của mình chứ không phải ngăn cản họ.”

Bình luận về bài viết này