Công an bắt giữ ông Phạm Minh Hoàng, một Giáo sư đại học Bách Khoa SG

- Công an bắt giữ ông Phạm Minh Hoàng, một Giáo sư đại học Bách Khoa SG

Trong lá thư kếu cứu của bà Lê Thị Kiếu Oanh gửi cho mạng Bauxite và các cơ quan truyền thông, chồng bà là Ông Phạm Minh Hoàng, 55 tuổi, Một giáo sư tại Ðại Học Bách Khoa ở Sài Gòn, bị khám xét nhà và “bắt khẩn cấp” buổi tối ngày 13 tháng 8, 2010.

Ông Phạm Minh Hoàng từng du học bên Pháp từ năm 1973, đến cuối thập niên 1990 ông trở về Việt Nam dạy học với ước mơ góp phần đào tạo một thế hệ ý thức được bổn phận và trách nhiệm để tích cực xây dựng một đất nước tiến bộ hơn về mọi mặt.

Gần đây, ông được nhiều người biết đến qua việc tổ chức các lớp học miễn phí về kỹ năng mềm cho sinh viên.

Bà Oanh cũng cho biết là người quan tâm đến những vấn đề của đất nước, đặc biệt là liên quan đến vấn đề biển Đông và khai thác Bauxite tại vn. Vì vậy, ông đã tham gia buổi tọa đàm về Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam tổ chức ở Sài Gòn hồi cuối tháng Chín năm ngoái. Ông cũng từng ký tên và kêu gọi bạn bè cùng ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu nhà nước ngưng cho phép Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn và TS Nguyễn Thế Hùng

Qua lời kể của bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ chồng bà đã bị công an thành phố gọi đi thẩm vấn liên tiếp các ngày từ 11 đến 13 tháng 8, 2010 thì đọc lệnh bắt giữ chồng bà.

Như chúng ta đã biết, hàng ngàn trí thức thuộc các ngành khác nhau ở Việt Nam đã ký tên trên bản kiến nghị thư chống khai thác bauxite hồi năm ngoái. Không thấy tin tức nói đến các vụ bắt giữ ồ ạt những người ký tên trên bản kiến nghị thư đó, nhưng ít nhất, ông Nguyễn Huệ Chi, một trong những người chủ xướng bức thư cũng như trang mạng bauxite Vietnam đã bị bắt thẩm vấn nhiều ngày. Trang mạng bauxite Việt Nam cũng bị đánh sập nhiều ngày hồi cuối năm ngoái.

Ðề tài khai thác bauxite cũng như chủ quyền biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa là các đề tài “nhạy cảm” đối với nhà cầm quyền Hà Nội dù người dân chỉ bày tỏ lòng yêu nước. Một số người viết blog như Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, Trang The Ridiculous, v.v. bị bắt giữ ít ngày rồi thả chỉ vì chuyện chủ quyền biển đảo, khai thác bauxite nhạy cảm.

Lời kêu cứu của bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ ông Phạm Minh Hoàng giảng viên trường Đại Học Bách Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh

Kính gửi Quý vị trách nhiệm Mạng bauxite Việt Nam,

Kính gửi quý cơ quan truyền thông trong và ngoài nước,

Kính gửi bà con cô bác khắp nơi,

Tôi là Lê thị Kiều Oanh, 46 tuổi, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, đau buồn và uất nghẹn gửi thư này đến Quý Vị để báo động về việc nhà nước Việt Nam đã bắt giữ chồng tôi vào ngày 13 tháng 8 năm 2010 để điều tra chiếu theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Chồng tôi tên Phạm Minh Hoàng, 55 tuổi, hiện đang là giảng viên tại trường Đại Học Bách Khoa Thành Phố HCM. Anh sang Pháp du học từ năm 1973. Hấp thụ lối giáo dục trung thực và bình đẳng với nhiều sáng tạo tại đây, anh luôn ước mơ ngày trở về quê hương sẽ là một nhà giáo để mong góp phần xây dựng tương lai tươi sáng cho giới trẻ Việt Nam. Sau một chuyến về thăm cha mẹ bị bệnh vào cuối thập niên 90, cảm thương cho sự thiếu thốn về kỹ năng của các sinh viên Việt Nam, anh đã cố gắng thu xếp trở về quê hương, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống an bình, đầy đủ phương tiện vật chất ở xứ người, trở về Việt Nam sống để săn sóc bố mẹ và nhận làm giảng viên tại trường Bách Khoa TP HCM để thực hiện giấc mơ của mình. Tâm huyết của anh là làm sao cho thanh niên Việt Nam ý thức được bổn phận và trách nhiệm để tích cực xây dựng một đất nước tiến bộ hơn về mọi mặt.

Ngoài những bức xúc về giáo dục và tuổi trẻ Việt Nam, trong gần 10 năm trở về sống trên quê hương, anh luôn khắc khoải về những vấn đề của đất nước, từ nạn tham nhũng đến những bất công trong xã hội. Anh cũng thường chia sẻ với tôi về tình trạng ô nhiểm môi trường sinh thái của Việt Nam. Khi nhà nước cho phép Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, anh đã than trời là tại sao có một quyết định vô cùng tai hại như vậy ? Nên khi đọc được bản kiến nghị yêu cầu ngưng khai thác bauxite ở Tây Nguyên, do Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà Giáo Phạm Toàn và Tiến Sĩ Nguyễn Thế Hùng khởi xướng, anh đã không ngần ngại ký tên và kêu gọi bạn bè anh nên ký tên vào bản kiến nghị này. Chuyện Hoàng Sa, Trường Sa và các vụ ngư dân ta bị Trung Quốc hà hiếp, bắt giữ đòi tiền chuộc là những chuyện mà anh rất bức xúc. Anh đã tham gia buổi tọa đàm về Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn vào ngày 24 tháng 7 năm 2009 để tìm hiểu thêm về các vấn đề này.

Kính thưa quý vị,

Là một nhà giáo yêu nước, quan tâm đến các vấn đề giáo dục, môi sinh và chủ quyền đất nước, chồng tôi đã sống một cách lương thiện và trong sáng, nhưng nhà nước đã đáp lại bằng việc bắt giữ chồng tôi, mà không đưa ra được một bằng chứng nào cụ thể để kết tội, ngoài việc điều tra về các mối liên hệ bạn hữu của chồng tôi khi còn ở bên Pháp và việc tổ chức các khóa học miễn phí về kỹ năng mềm cho các em sinh viên trong thời gian qua.

Kỹ năng mềm là những kỹ thuật dạy về tâm lý để tạo sự tự tin ở mỗi con người, giúp họ có cách nhìn khoa học để thích nghi vào đời sống xã hội. Những kỹ năng này được giảng dạy rất nhiều ở môi trường Tây phương, đặc biệt là ở Mỹ cho các em học sinh ngay từ cấp trung học. Hiện nay có rất nhiều khóa chuyên môn loại này ở Việt Nam và rất được giới trẻ ưa chuộng.

Như vậy việc tổ chức những lớp học miễn phí này không lẽ là một cái tội hay sao?

Còn những mối liên hệ bạn hữu khi chồng tôi còn ở bên Pháp, không lẽ nhà nước cũng cho là một cái tội hay sao?

Việc bày tỏ và chia sẻ sự quan tâm trước thực trạng đất nước, đau cái đau của dân tộc, cũng là một cái tội hay sao? Là một nhà giáo mà không biết xúc động, đau xót với những thăng trầm của xã hội, của đất nước thì làm sao có thể truyền dạy tinh thần yêu nước cho tuổi trẻ Việt Nam, những người sẽ phải gánh vác vận mệnh đất nước khi trưởng thành? Trước những tai ương bất ngờ đổ ập xuống gia đình tôi trong những ngày vừa qua, tôi quyết định gửi đến Quý Vị lá thư này để kêu cứu, để chồng tôi không bị bắt giữ một cách oan ức mà không ai hay biết. Tôi viết thư này trong tâm trạng ngổn ngang và lo âu. Lo âu về việc những người đang giam giữ chồng tôi có thể hãm hại anh ấy trong đêm đen mà không một ai hay biết. Lo âu về những thủ thuật ép cung của những người đang muốn gán ghép tội lỗi lên đầu chồng tôi và bôi đen những nỗ lực cao quí của anh ấy. Lo âu cho bé Trâm Anh, đứa con gái thân yêu của chúng tôi vừa mới lên 6 tuổi, cháu sẽ ra sao khi thiếu vắng sự dìu dắt của người bố thân yêu…

Kính mong Quý Vị lên tiếng và tiếp tay bảo vệ anh Phạm Minh Hoàng và những người yêu nước – những người đang muốn đóng góp cả cuộc đời mình cho ước mơ bảo vệ đất nước và xây dựng tuổi trẻ Việt Nam.

Xin chân thành cảm tạ sự quan tâm của toàn thể Quý Vị.

Lê thị Kiều Oanh

423 đường Nguyễn Tri Phương, Phường 8, Quận 10, TP Hồ Chí Minh

Điện thoại: +84 838 532 010 +84 838 532 010; +84 93 83 45 343 +84 93 83 45 343

Hay liên lạc với gia đình chúng tôi:

Ông Phạm Duy Khánh, email: dkhanh.pham@gmail.com

Vì không có điều kiện để gửi lá thư này đi, nên tôi đã nhờ anh Khánh chuyển đi giùm.

- Bắt 13 nghi phạm người nước ngoài

Công an CS Việt Nam vừa bắt khẩn cấp 13 người Đài Loan và Trung Quốc gồm 11 nam và 2 nữ bị nghi là thuộc băng đảng dùng công nghệ internet để lừa đảo tại Cần Thơ vào tối muộn ngày thứ Sáu 13/08.

Tháng trước 99 nghi phạm cũng thuộc băng đảng này đã bị bắt trong một tuần từ 29/06 đến 06/07 tại Sài Gòn.

Tất cả các nghi phạm bị cho là đã “sử dụng công nghệ thông tin để tấn công vào ngân hàng và tài khoản của công dân một số nước trong khu vực”. Các nghi phạm trên được nói đã chống cự quyết liệt và dùng hơi cay để tấn công lại cơ quan chức năng. Công an đã phải dùng búa để đập vỡ cửa kính và cửa ra vào.

13 người trên được xác định là thuộc băng nhóm lừa đảo xuyên quốc gia khoảng 200 người. Sau khi gần 100 thành viên thuộc băng này bị bắt tháng trước, số này đã bỏ trốn từ Sài gòn xuống Cần Thơ.

Những kẻ này được nói đã thâm nhập các tài khoản ngân hàng cá nhân bằng thiết bị đọc thẻ ATM và các máy móc tinh vi khác nhằm chiếm đoạt tiền của chủ tài khoản.

Một chiêu thức khác là giả danh nhân viên hãng bưu chính viễn thông hay cảnh sát gọi điện yêu cầu nộp tiền vào các tài khoản tội phạm. Tổng số tiền chiếm dụng, lừa đảo lên tới hàng triệu đôla.

- Giáo viên vừa dạy, vừa nhìn trời để lo… chạy

Trận lũ lịch sử vào tháng 9/2009 đã khiến ngôi trường Tiểu học Số 2 Bình Minh, gồm 5 phòng, với số tổng học sinh khoảng 160 em thuộc xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi giống như một chiếc răng sắp rụng: 90% cửa lớp bị cuốn mất; trần la phông các phòng học rớt, hư hỏng gần như toàn bộ. Tuy nhiên đáng sợ nhất là các vách tường đều đã rạn nứt, với hàng trăm vết dài ngắn như thể những ký hiệu đường ranh giới trên bản đồ, đe dọa có thể sập bất cứ lúc nào. Nguy hiểm là vậy thế nhưng gần 1 năm qua, hàng trăm học sinh, giáo viên của trường này vẫn phải dạy và học ở đây. Các thầy cô giáo kể: Nhiều hôm đang dạy thì trời bỗng dưng trở chứng nổi gió, làm những tấm phông còn dính trên trần nhà va vào nhau khua xào xào như thể chuẩn bị sập. Thế là cả thầy lẫn trò vứt cả dép, vở thi nhau bỏ chạy thục mạng chạy ra sân.

Với những thầy cô còn cẩn thận thì trước khi đến lớp đã mở đài để nghe dự báo thời tiết thế nào, hoặc miệng giảng bài, tay cầm phấn nhưng mắt thì cứ luôn nhìn ra ngoài cửa sổ để quan sát thời tiết, xem trời có trở chứng gì không để mà còn kịp cho học sinh chạy.

Sự việc đã được ông Lê Công Cuộc, PCT UBND xã Bình Minh đã báo cáo bằng điện thoại, văn bản và trao đổi trực tiếp chuyện này với lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn. Thế nhưng đến nay đã gần 1 năm trôi qua mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Vẫn biết với tình trạng trường như vậy cho học sinh ngồi học là rất nguy hiểm, UBND xã cũng muốn bố trí nơi nào đó để học tạm, nhưng không nơi nào có đất trống để chuyển các em đi, nên “lực bất tòng tâm”, chỉ biết nhắc nhở Ban Giám Hiệu của trường không nên cho học sinh đến lớp vào những ngày trời có gió, mưa lớn”.

Trong khi đó thành phố Quãng Ngãi liên tục phê duyệt các dự án xây đô thị để gọi là „đáp ứng cho những người có nhu cầu cao“. Phải chăng chính quyền Quảng Ngãi đang chú tâm phục vụ nhu cầu nhà ở của người giàu, và lấy đất để kinh doanh, bán chác thu lời. Còn số phận các em nhỏ và mái trường Bình Minh chờ sụp đổ không phải vấn đề quan tâm của quan chức chính quyền CSVN.

- Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo Tiếp Tục Bị Sách Nhiễu, Ngăn Cấm Hành Đạo

Theo đơn thư tố cáo của Ban Trị sự Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, tối thứ Tư 11.6 vừa qua công an phường Phước Thới, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, lại kéo đến bao vây, khám xét đạo tràng là nơi tu học, sinh hoạt của một số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

Ông Huỳnh Huệ Thọ là người phụ trách đạo tràng cho biết vào dịp tổ chức giỗ cho hiền mẫu, nhân dịp Tết, công an với hàng trăm người đã bao vây không cho một người nào vô. Lực lượng Công an từ phường đến quận, trên dưới 50 người vây nhà và bắt phải mở cửa cho công an vô kiểm tra hộ khẩu. Gia đình quyết liệt không mở cửa, họ nói tại sao không tuân thủ luật pháp nhà nước, họ đáp là lần trước công an cũng mượn cớ kiểm tra hộ khẩu mà vào nhà lấy rất nhiều đồ đạc.

Trong cuộc khám xét đó, nhiều kinh sách, hình tượng đã bị mang đi, ông Thọ cho biết có nhiều đầu đĩa DVD, đồ sang đĩa, đồ sinh hoạt tôn giáo, truyền bá giáo lý cho bà con miễn phí mà công an lấy hết, trong đó có những báu vật quý giá và thiêng liêng nhất của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo như 90 bức chần và thờ ngôi Tam Bảo, 40 chân dung Đức Huỳnh giáo chủ, 243 quyển kinh sấm giảng, mấy chục cuốn băng cũng bị lấy hết.

Một chức sắc khác thuộc Ban Đại Diện giáo hội Phật giáo Hòa Hảo truyền thống là người thu thập tin tức sinh hoạt từ các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng trình bày về nguyện vọng của mình khi cho biết ở Việt Nam, tất cả tôn giáo lớn không riêng gì Phật giáo Hòa Hảo đều bị đàn áp, tất cả tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đều lên tiếng, đòi hỏi tự do tôn giáo cho công bằng hợp lý thì thường bị đánh đập, tra tấn, đeo bám, phá hủy nguồn sống kinh tế, đẩy vào tù.

Ông cũng nêu danh 14 người hiện đang bị giam cầm, lãnh án thấp nhất là 5 năm , cao nhất tới chung thân. Ông tha thiết kêu gọi các tổ chức quốc tế về tự do, nhân quyền, tích cực đề nghị với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải thật sự tôn trọng tự do tín ngưỡng.

Bình luận về bài viết này