22 Năm — Một Ngày Giỗ

(Như Quảng – Thính giả RadioCTM)

Ngày 14 tháng 3 năm 1988, cuộc xung đột trên biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam được biết đến với cái tên Hải chiến Trường Sa.

64 chiến sĩ Việt Nam đã ngã xuống vì bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

22 năm đã qua đi, không có thêm một cuộc hải chiến nào xảy ra nữa, nhưng mối quan hệ trên biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn hết sức căng thẳng.

Nhà nước Việt Nam với phương châm “16 chữ vàng” làm kim chỉ nam cho mọi quan hệ với đàn anh phương bắc, đã đẩy đưa cả dân tộc Việt Nam đứng trước nguy cơ bị mất đất, mất đảo, mất chủ quyền lãnh thổ. Phương châm đó cũng sản sinh những nỗi đau đớn cùng cực của những ngư dân Việt Nam hiền lành, nhưng lại luôn bị truy đuổi, bị bắn, bị cướp, bị đánh, bị sỉ nhục ngay trên hải phận của nước mình. Phương châm đó còn đẩy cả dân tộc vào hoàn cảnh con đường ra biển bị bịt kín; tài nguyên trên núi rừng và dưới lòng biển dần dần bị dâng hiến.

Tháng 12 năm 2007,  khi Trung Quốc chính thức hợp thức hoá “sự dâng hiến” vừa nêu qua sự kiện thành lập huyện Tam Sa. Các cuộc biểu tình vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu tại Sài Gòn và Hà Nội của giới thanh niên, trí thức, văn nghệ sĩ đã khiến nhà nước CSVN phải đối mặt với những chất vấn về tính “toàn vẹn lãnh thổ” và đối tượng phục vụ của họ.

Những tưởng với tinh thần của nòi giống Lạc Hồng, thì người dân Việt Nam có thể ngẩng cao đầu hô vang “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” một cách đầy hãnh diện và tự hào trên chính quê hương.  Nhưng thái độ ươn hèn của nhà cầm quyền Hà Nội đối với Bắc Kinh, đã khiến những người lãnh đạo nhà nước này xuống tay đàn áp đồng bào mình. Nhiều trí thức, văn nghệ sĩ bị câu lưu, bị dò xét và đàn áp, nhiều em học sinh, sinh viên bị buộc phải thôi học vì đã tham gia biểu tình… Nhiều người trong số họ đã phải đau đớn thốt lên câu hỏi: “Liệu ta đang ở đâu trên chính quê hương mình?”

Tháng 7 năm 2009, việc nhà nước đồng ý để Trung Quốc vào khai thác quặng bauxite tại Tây Nguyên làm dấy lên làn sóng phản đối từ phía các nhà quân sự và trí thức. Những người trẻ Việt Nam lại tiếp tục thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng dân tộc bằng phong trào mặc áo xanh kêu gọi “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” – “Giữ lấy màu xanh và an ninh cho Việt Nam”. Một lần nữa, những người yêu nước lại bị truy bức . Nhiều người trong số đó bị câu lưu, thậm chí bị giam giữ.

Ngày 14 tháng 3 năm 2010, kỷ niệm 22 năm ngày Hải chiến Trường Sa, một lần nữa, bất chấp sự đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội đối với những con người đang trăn trở vì tương lai và chủ quyền của đất nước, những thanh niên Việt Nam – thế hệ tương lai của đất nước, đã xuất hiện cùng với chiếc mũ và áo xanh, mang theo thông điệp “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”.

Đây quả thật là hành động vinh danh những người đã ngã xuống vì Trường Sa một cách thiết thực và cảm động nhất, chứ không bằng những lời “ghi công” nhạt nhẽo của nhà cầm quyền Việt Nam. Quan trọng hơn nữa, đây là việc làm thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ đang sống tại Việt Nam. Nhiều bạn trong số này lần đầu tiên được biết sự thật về chủ quyền của Tổ quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

Những người yêu nước chân chính đã không hề sợ hãi và sẽ không khuất phục trước bạo quyền, dù rằng trong suốt nhiều năm cầm quyền, những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam liên tục gia tăng đàn áp, bắt bớ những người Việt Nam yêu nước. Sẽ không một bạo lực nào quật ngã được ý chí đấu tranh kiên cường của những người yêu nước này, khi mà họ dõng dạc cất lên tiếng nói đấu tranh, sẵn sàng chấp nhận vào nhà tù nhỏ. Ngay trong nhà tù nhỏ họ vẫn tiếp tục lan truyền tinh thần đấu tranh cho những người cùng cảnh ngộ. Và khi trở ra nhà tù lớn cùng dân tộc thì niềm tin vào lý tưởng đấu tranh của họ càng kiên định hơn, đồng thời niềm tin đó càng được nhân rộng trong quần chúng. Thực tế này đã khẳng định điều tất yếu là: Lãnh đạo cộng sản Việt nam sẽ thất bại. Họ thất bại vì chính thái độ ươn hèn với quân thù nhưng lại rất tàn ác với đồng bào của họ.

Việc các bạn trẻ tuyên nhận chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa – Trường Sa ngay giữa lòng Hà Nội qua việc phân phối áo mũ mang tinh thần đó đến đồng bào, hôm 14 tháng 03 năm 2010, thực ra chỉ là việc làm bình thường của bất cứ người dân nào dưới một chế độ bình thường — nghĩa là một chế độ biết  trân trọng và xiển dương tinh thần yêu nước của người dân. Tuy nhiên, sự kiện này lại xảy ra dưới một chế độ “bất bình thường”, lòng yêu nước bị coi là phản động; người yêu nước bị xem là phần tử xấu. Chính vì vậy mà hành động phân phối mũ và áo “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” trở thành hành động “phi thường” tương tự như  việc cầm biểu ngữ khẳng định chủ quyền đất nước trước nhà hát lớn Sài Gòn của Blogger Điếu cày và các bạn hữu của ông; hay như việc Mẹ Nấm và các bạn của chị mặc áo xanh kêu gọi “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” – “Giữ lấy màu xanh và an ninh cho Việt Nam”; hay như việc lên tiếng bảo vệ môi sinh và chủ quyền đất nước của hàng ngàn trí thức Việt trên trang mạng bô xit VN. Vâng, đó là những việc bình thường nhưng cũng thật phi thường.

Sự kiện đền Ngọc Sơn ngày 14 tháng 3 đã khiến ngày này trở nên ý nghĩa hơn trong lòng những người dân Việt đang trăn trở với chủ quyền của đất nước chính là vì vậy.

Bình luận về bài viết này