Voice Nộp Đơn Khiếu Kiện Nhà Cầm Quyền Việt Nam trước Liên Hiệp Quốc

- Voice Nộp Đơn Khiếu Kiện Nhà Cầm Quyền Việt Nam trước Liên Hiệp Quốc

Vào ngày 9 tháng 2, tổ chức phi chính phủ của người Việt hải ngoại, VOICE, vừa nộp đơn cho Nhóm Đặc Trách Chống Giam Giữ Vô Cớ của Liên Hiệp Quốc (United Nations Working Group on Arbitrary Detention), yêu cầu can thiệp đòi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho 10 người hoạt động chính trị bị kết án gần đây.

Vào đầu năm 2009, sau một thời gian điều tra Nhóm Đặc Trách này cũng đã thay mặt Liên Hiệp Quốc ra quyết định chính thức tuyên bố việc nhà cầm quyền Việt Nam giam cầm 6 trong số 10 nhà dân chủ này mà không đem ra xét xử là vô cớ. Bất chấp luật lệ quốc tế, nhà cầm quyền Việt Nam đã làm ngơ và tiếp tục giam cầm họ cho đến tháng 10/2009 và tháng 01/2010 khi cả 10 người bị đem ra xét xử.

Trong các phiên toà không dài quá 1 ngày, cả 10 người đều đã bị buộc tội “tuyên truyền chống đối nhà nước” và họ đã bị kết án từ 4 đến 9 năm tù và quản chế. Một số người đã không có luật sư bào chữa hoặc luật sư của họ đã không được phép vào gặp cho đến phút cuối. Trong phiên toà gần đây nhất vào cuối tháng 1, ngay cả mẹ của người bị kết tội là cô Phạm Thanh Nghiên cũng không được tham dự kể cả các viên chức ngoại giao và phóng viên ngoại quốc. Ước tính đã có 16 nhà hoạt động chính trị bị Việt Nam xử án tù trong mấy tuần gần đây.

VOICE là tên viết tắt của “Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment” (Sáng Kiến Thể Hiện Lương Tâm Người Việt Hải Ngoại), đăng ký hoạt động tại Mỹ từ năm 2007, ) là tổ chức phi chính phủ (non-government), phi chính trị (non-political) và bất vụ lợi (non-profit) hiện đang chú trọng vào việc tranh đấu cho người Việt tỵ nạn và những tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Luật sư Trịnh Hội, thành viên sáng lập tổ chức, nói lá đơn của VOICE nhằm “phản ánh việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam và kết án tù 10 nhà dân chủ gần đây là thiếu căn bản luật pháp và vi phạm luật quốc tế”. Danh Sách 10 Tù Nhân là : nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Kim Nhàn, sinh viên Ngô Quỳnh, kỹ sư Phạm Văn Trội, cô Phạm Thanh Nghiên, nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà giáo Vũ Văn Hùng. Ngoài VOICE ra, đã có nhiều tổ chức phi chính phủ khác cùng với các chính quyền lên tiếng. Trong 2 tháng vừa qua, chính phủ Hoa Kỳ, Anh Quốc, và Liên Hiệp Âu Châu đã ra thông cáo chính thức kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho những người bất đồng chính kiến. Các chính quyền này cũng khẳng định rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã làm ngược lại bổn phận của mình là một thành viên của Liên Hiệp Quốc và đã vi phạm những quy ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

- Báo chí Úc tiếp tục phanh phui vụ in tiền Polymer

Càng ngày, càng có dấu hiệu cho thấy vụ án công ty Securency của Úc hối lộ quan chức Việt Nam để in tiền giấy nhựa polymer cho Việt Nam mà những người được nêu tên trong thời gian qua chỉ là những kẻ bình phong.

Bản tin báo The Age tiếp tục khui vụ án hối lộ quan chức Việt Nam để lấy hợp đồng in tiền giấy nhựa polymer, số báo ra ngày 9 tháng 2 năm 2010, nói vụ điều đình để công ty Securency cung cấp dịch vụ in tiền polymer cho Việt Nam bắt đầu từ khi Nguyễn Tấn Dũng còn là thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước chứ không phải khi ông Lê Ðức Thúy làm thống đốc. Đọc bài báo này, người ta cảm tưởng Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty CFTD, hay Lê Ðức Minh, con trai của ông Lê Ðức Thúy (nguyên thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam) cũng chỉ là người người đứng trung gian, chạy cờ. Còn người đứng đằng sau ăn nhiều tiền hối lộ nhất có thể là Nguyễn Tấn Dũng, đương kim thủ tướng Việt Nam và hy vọng trở thành tổng bí thư đảng vào kỳ đại hội năm 2011. Bên cạnh dữ kiện này, Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Phát Triển Công Nghệ (viết tắt là CFTD) được tờ ‘The Age’ dựa vào các nguồn điều tra riêng nói là người rất thân cận với Nguyễn Tấn Dũng, thường tháp tùng ông ta trong những chuyến công du ngoại quốc trước đây.

Theo The Age, Phòng Xúc Tiến Thương Mại Úc (Austrade), để đạt được hợp đồng in tiền cho Việt Nam, đã phải dùng tới quan hệ tình báo ngoại giao. Tuy Austrade từ chối cung cấp thông tin nhưng báo The Age tin rằng giám đốc Securency và thành viên của hội đồng quản trị của công ty được thông báo là Lương Ngọc Anh bị nghi là một người bình phong của Bộ Công An, một trong những tổ chức tình báo và an ninh chính yếu của Hà Nội.

Như cách phân tích của The Age, người ta có cảm tưởng từ Lương Ngọc Anh tới bố con ông Lê Ðức Thúy, trong vụ án ăn hối lộ in tiền cho Ngân Hàng Nhà Nước, cũng có thể chỉ là những người trung gian đứng dàn xếp đầu cầu dịch vụ in tiền. Còn tiền hối lộ, như đã được viết nhiều lần hồi năm ngoái, ít nhất là 12 triệu Úc kim hoặc $10 triệu được bỏ thẳng vào một số trương mục bí mật ở ngân hàng Thụy Sĩ, và cả một số nước không bị đánh thuế như Bahamas.

Trong guồng máy chính trị Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, tức cầm đầu hành pháp, lại cũng là người cầm đầu cơ quan chống tham nhũng mà đúng ra phải là cơ quan tư pháp biệt lập. Cho tới nay, một cách chính thức, chế độ Hà Nội vẫn hoàn toàn im lặng.

Bình luận về bài viết này